Mùa ngập sau nhà

Hồi còn chưa từ giã xóm cũ ở mé sông Chìm Nổi, khoảnh sân phía sau nhà lúc nào cũng ngập ngụa mỗi mùa nước dâng. Khúc sông lênh láng cả mấy tháng dài, dễ chừng đến Chạp mới nguôi ngoai mực nước.

Người dân xóm cũ nửa đời bám sông, mấy đứa nhỏ cũng theo chân cha kết thân với con nước lớn ròng thả lưới kéo rập kiếm sống. Khi mùa ngập trở mình, sân nhà hồi ấy điềm nhiên trở thành thiên đường bơi lội của tụi nhỏ, mỗi góc nhà đều rộn rã tiếng cười. Cửa sau nhà tôi trông ra mé sông. Mỗi trưa tì mặt vào cửa sổ, tôi thường trông ngóng xem mực nước đã dâng đến đâu rồi, đã ngập đầy phía sân nhà mình chưa, rồi lại hí hửng mang thau mang chậu làm ghe làm xuồng, cũng chân chèo tay lái điệu nghệ như những người từng chinh chiến với sông quê nước lớn.

Mùa ngập đi đâu cũng nghe tiếng lầu bầu. Hồn nhiên và da diết. Như con đường sình đất sát mé sông bị úng ngập hơn mắt cá chân trở nên nhầy nhụa, phải xắn áo xắn quần đến đầu gối cho kịp bữa chợ sáng. Hay mấy cây ớt trồng phía sau nhà héo queo hết trơn, giàn phơi đồ phải dời tận trong nhà đậm nồng mùi ẩm mốc vì thiếu nắng. Bằng cách đó, mùa ngập in dấu trong tâm trí người dân xóm nhỏ bằng những câu phàn nàn nhưng không lồng ghép trong đó sự giận dỗi, bởi ai cũng hiểu quy luật hết sức tự nhiên của sông quê, thảng khi buột miệng vu vơ dựng thành câu chuyện này kia để lúc gặp mặt nhau còn có cái để cười nói.

Minh họa: PHẠM HÀ

Và nước lớn cũng đón đưa nhiều tôm cá, đón đưa những ánh mắt hấp hửng của những người đàn ông đầu trần tóc cháy sau mỗi bận ghe chiều. Xóm nhỏ cũng trở nên rộn ràng bởi những lời hò reo, những tiếng mặc cả chuyện trò của những người đàn bà màu da ngấm nắng trong lúc xách thùng tôm cá đi từ đầu trên xóm dưới. Một cảnh tượng đẹp, nhưng gây buồn, bởi nó khứa sâu vào tiềm thức của những người dân xóm cũ là sự chia cách. Sau này, tôi chẳng còn tìm thấy ở nơi nào khác cùng những hành động và dáng hình quen thuộc, từ khi cái xóm cũ bị nhổ bỏ trong lòng thành phố để nhường chỗ cho một bờ kè dài lát gạch thẳng tắp với thảm cỏ xanh. Ký ức bỗng nhiên chắp vá và nát vụn. Những người dân chài trở nên chơ vơ và trơ trọi tản mác, bởi kế sinh nhai không còn.

Trí nhớ rõ ràng không mỏi, nhưng sóng mắt thì đã đổ nhòa. Thảng khi tôi vẫn đứng một mình nhìn sông, nhưng chẳng còn thấy bóng dáng của những mùa ngập cũ. Người ta xây thành cao quá, khuất lấp của tuổi thiếu thời. Xốn xang, thắt thẻo. Có lần về nhà nghe má kể vanh vách giờ này, ngày này, tháng này nước bắt đầu lớn nè, hồi đó sông quê có cá tôm rất ngon, bán hết mớ cá lớn mà vẫn còn dư mớ cá nhỏ để dành ăn suốt tuần lễ liền. Tôi cười, không phải mừng vì má đã già mà còn nhớ dai, mà thấy vui vì thơ ấu được má để dành sau mấy bận thời gian trổ nhánh.

Cửa sau mùa này chẳng còn ngó ra sông, mà thay thế bằng cửa ngõ ký ức. Tôi trong vai một đứa trẻ lớn lên bỗng thèm thuồng xưa cũ. Nhớ nồi cá kho muối mẹ dậy sớm chuẩn bị để ba nhổ ghe chạy theo con nước, thảng khi tôi cũng được ăn lại món cũ, cũng người đầu bếp cũ, cũng dư vị cũ, chỉ mỗi hình ảnh cũ thì bị xóa bỏ hoàn toàn. Đôi lần có người nhớ xóm bỗng ghé lại thăm, nghe sóng mắt lăn tròn như thuở xưa vẫn thường chơi trò ném đá nảy trên mặt nước. Cũng có người xa lâu mất dạng, chắc cũng đuổi theo một mùa ngập đâu đó ở một nơi nào đó, để rồi tha thiết và gắn bó với một khúc sông thay.

Chật vật mãi, cũng có người cất giữ những mùa ngập trong hoài nhớ, giống mình. Cũng biết người xưa cảnh cũ chẳng còn nên dằn lòng vỗ về và nhẹ nhõm khi nhìn những rặng bần chao mình trong nắng chiều bên kia phố…

Tản văn của KAI HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-ngap-sau-nha-546435