Mùa mưa - mùa của kiến ba khoang

Cứ vào tháng 9, 10, 11, Hà Nội lại đón “mùa” kiến ba khoang. Đó là khi mùa gặt hết, mùa mưa về, côn trùng ngoài đồng ruộng hết chỗ trú, chúng ồ ạt theo ánh sáng bay vào khu dân cư, chung cư khiến người dân bất an. Độc tố của loài kiến này khi chạm vào da, nhất là da trẻ con, phụ nữ sẽ gây kích ứng nguy hiểm.

Ô nhiễm môi trường kích thích kiến ba khoang phát triển

Vài năm gần đây, kiến ba khoang xuất hiện dày đặc do môi trường có nhiều thuận lợi cho sự phát triển. Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước… gia tăng, việc dụng tràn lan hóa chất trừ sâu ở ngoại thành, thậm chí trong nội thành Hà Nội khiến sâu, rầy trở nên kháng thuốc, phát triển ồ ạt. Nguồn thức ăn của kiến ba khoang trở nên dồi dào kéo theo tình trạng kiến ba khoang sinh sôi nảy nở, nhất là vào tháng 9, 10, 11.

Nơi ở của kiến ba khoang thường là bụi rậm, ao hồ, bãi rác hay đống lá mục

Những khu tập thể, nhà chung cư nằm gần cánh đồng, ruộng rau có nhiều ánh điện sáng rất dễ “hút” kiến ba khoang. Loài kiến này ưa ánh sáng trắng nên khi các gia đình bật đèn neon buổi tối, kiến thường bay vào bám đầy trên tường, nền nhà, bò cả vào giường ngủ.

Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes. Ngoài ra còn có một số tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến gạo... Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc, có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh. Về màu sắc, chúng có màu cam tối hay sậm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng.

Dân văn phòng, học sinh dễ gặp kiến ba khoang

PGS.TS Nguyễn Văn Châu - khoa Côn trùng học, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, loài côn trùng này có tính hướng sáng, hay bám quanh bóng đè, những nơi tỏa sáng diện rộng nên những người làm việc văn phòng, học sinh có nguy cơ bị kiến ba khoang tấn công cao.

Kiến ba khoang không đốt hay cắn nhưng do trong dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da nên khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng, dịch tiết sẽ gây bệnh ngay tại vùng da đó.

Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân... Ban đầu, người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều, 1-3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Nhập mô tả ảnhTrẻ em khi bị tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ rất dễ bị rộp da, mọc mụn nước kèm theo sốt (Ảnh minh họa)

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang dễ bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là zona. Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Châu, khi bị kiến ba khoang đốt, người dân chỉ nên gạt nhẹ kiến khỏi cơ thể, dùng găng tay hoặc vật dụng ngăn không cho tay tiếp xúc trực tiếp để diệt kiến. Sau đó rửa vết đốt bằng cồn hoặc rửa xà phòng 2-3 lần. Việc rửa sạch vết đốt sẽ hạn chế được hiện tượng phồng rộp da. Không gãi vết thương gây rách da khiến vết thương bị bội nhiễm. Nếu vết đốt nghiêm trọng hoặc bị vào mắt thì nên đi khám để được kê đơn điều trị.

Cục Y tế dự phòng cũng liên tục khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực sinh sống, các gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.

Ngoài ra, để “đuổi” kiến ba khoang ra khỏi nhà, khỏi khu dân cư, người dân nên vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà sạch sẽ, phát quang bụi rậm, cây cỏ, xóa bỏ điểm đổ rác bừa bãi… vì đây là nơi trú ẩn thích hợp cho kiến ba khoang.

Những cách phòng ngừa kiến ba khoang nên làm:

- Đóng kín cửa để kiến không chui vào nhà được.
- Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.
- Làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ, lỗ thông khí.
- Buổi tối không bật đèn neon, không ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn.
- Nếu có thể thì bật đèn ban công để thu hút kiến ba khoang ở ngoài, không chui vào nhà nữa.
- Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp.

PV

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/suc-khoe/mua-mua-mua-cua-kien-ba-khoang-31097.html