Mùa mưa, chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh, tính đến ngày 14/6/2020 (tuần 24 của năm 2020) toàn tỉnh ghi nhận 873 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), giảm 40% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ngành y tế dự báo số ca SXHD có thể tăng nhanh trong thời gian tới khi tỉnh đang bước vào mùa mưa, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Cán bộ Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh kiểm tra dụng cụ chứa nước và loại bỏ các ổ lăng quăng khi phát hiện

Cán bộ Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh kiểm tra dụng cụ chứa nước và loại bỏ các ổ lăng quăng khi phát hiện

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành y tế đã xây dựng và triển khai các kế hoạch nhằm chủ động trong công tác phòng, chống SXHD. Theo đó, tập trung công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh; triển khai xử lý ổ dịch nhanh chóng và hiệu quả, không để lan rộng; thực hiện công tác giám sát các chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi gây bệnh và tuýp vi-rút Dengue lưu hành để dự báo tình hình dịch; tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống SXHD trên các phương tiện truyền thông. Thực hiện giám sát véc-tơ truyền bệnh (muỗi, lăng quăng) thường xuyên và định kỳ để phát hiện sớm yếu tố nguy cơ và triển khai diệt lăng quăng, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động khi cần thiết. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn về điều trị và phòng, chống SXHD cho cán bộ y tế cấp huyện, xã; triển khai 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng tại các điểm nguy cơ xuất hiện ổ dịch nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh...

Tại TP.Cao Lãnh, từ đầu năm 2020 đến nay ghi nhận 139 ca SXHD (giảm 34 ca so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 7 ca nặng, không có trường hợp tử vong. Trên địa bàn xuất hiện 66 ổ dịch SXHD, ngay khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế thành phố đã kịp thời xử lý trong vòng 48 giờ nhằm khống chế tốt tình hình, tránh lây lan. Tiếp tục triển khai công tác phòng, chống SXHD, trong 2 ngày 15-16/6, Trung tâm Y tế thành phố đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng lần 1 trên toàn địa bàn. Theo đó, cán bộ Trung tâm Y tế thành phố phối hợp Trạm y tế các xã, phường và cộng tác viên khóm, ấp tổ chức phát 3.000 tờ rơi, kết hợp tuyên truyền trên loa truyền thanh và trực tiếp tại hộ gia đình. Tổ chức các đoàn kiểm tra dụng cụ chứa nước và loại bỏ các ổ lăng quăng khi phát hiện; hướng dẫn người dân các biện pháp diệt lăng quăng ngay tại nhà; vận động các gia đình ký cam kết xử lý lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà...

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh cho biết: “Để công tác phòng, chống SXHD đạt hiệu quả cao, dự kiến từ nay đến hết tháng 7/2020, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức ít nhất 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng. Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh sẽ chỉ đạo các khoa, cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi ca bệnh, phát hiện sớm trường hợp mắc SXHD và xử lý tốt các ổ dịch, tránh nguy cơ bùng phát ổ dịch lớn. Thường xuyên phối hợp cán bộ y tế xã, phường vận động người dân chủ động thực hiện các pháp phòng SXHD như: súc rửa dụng cụ chứa nước, thả cá diệt lăng quăng kết hợp dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm xung quanh nhà..., hạn chế thấp nhất nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi gây bệnh SXHD”.

Theo TTKSBT tỉnh, qua công tác giám sát lăng quăng và giám sát muỗi gây bệnh, kết hợp với giám sát tuýp vi-rút Dengue lưu hành tại các địa phương, kết quả phân lập vi-rút cho thấy có sự chuyển đổi và chiếm ưu thế sang tuýp vi-rút Dengue 2. Đây là tuýp huyết thanh thường gây ra dịch có số ca mắc và tử vong tăng cao (theo thống kê từ các vụ dịch SXHD đã xảy ra ở những năm trước đây). “Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang bước vào mùa mưa. Đây là thời điểm thuận lợi cho muỗi vằn phát triển và gây bệnh SXHD. Do đó, ngành y tế dự báo số ca SXHD có thể tăng nhanh trong thời gian tới và đỉnh cao là vào cao điểm của mùa mưa. Nếu cộng đồng chưa thật sự quyết liệt trong việc chủ động diệt lăng quăng để chủ động phòng ngừa thì nguy cơ xảy ra dịch ở qui mô xã, phường, thị trấn là rất cao” – Thạc sĩ Trần Văn Hai – Giám đốc TTKSBT tỉnh cho biết.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh SXHD, không để dịch bùng phát, thời gian tới, TTKSBT tỉnh sẽ tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXHD. Qua đó, huy động chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXHD. Đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXHD mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Xác định các điểm có nguy cơ SXHD cao của các địa phương và tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur...

Bệnh SXHD đến nay chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do vậy, bên cạnh các hoạt động của ngành y tế và các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, công tác phòng, chống SXHD cần sự chung tay của cả cộng đồng. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Thạc sĩ Trần Văn Hai - Giám đốc TTKSBT tỉnh khuyến cáo: “Người dân chủ động vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, lật úp, tháo rửa các dụng cụ chứa nước lớn, thả cá diệt bọ gậy, thực hiện ngủ mùng,... Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên xung quanh nhà, không cho muỗi có nơi đẻ trứng.... Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt nghi SXHD, mọi người không nên tự ý mua thuốc uống tại nhà mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời...”.

PHƯỚC LỘC

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/mua-mua-chu-dong-phong-ngua-sot-xuat-huyet-91752.aspx