Mua máy chống Covid-19 Nhật nhận hàng Trung Quốc: Giải thích nóng

Sở Y tế Thái Bình cho rằng do nhân viên phía cung cấp ghi nhầm chữ 'xuất xứ' trên phiếu dẫn tới việc bị đoàn thanh tra kết luận sai phạm.

Ngày 18/9/2020, trao đổi với Đất Việt, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết, đơn vị vừa có văn bản giải trình gửi UBND tỉnh sau khi kết luận thanh tra về gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất vật tư tiêu hao trong phòng chống dịch Covid-19 do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Thái Bình, gói mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi được bàn giao ngày 17/4/2020, mặt hàng máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản nhưng kiểm tra thực tế máy đã nhận bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại là máy có xuất xứ Trung Quốc.

Đơn vị bàn giao một số trang thiết bị y tế cũng không phải là nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam).

Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết, lỗi này do nhân viên phía đơn vị cung cấp khi đã ghi nhầm từ "xuất xứ" trên phiếu bàn giao, biên bản nghiệm thu, tiếp nhận.

gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất vật tư tiêu hao trong phòng chống dịch Covid-19 do Sở Y tế tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm.

gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất vật tư tiêu hao trong phòng chống dịch Covid-19 do Sở Y tế tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm.

"Máy điện tim 3 mà chúng tôi tiếp nhận đúng là của hãng đến từ Nhật Bản nhưng được sản xuất ở một nước thứ 3 là Trung Quốc. Cũng giống như nhiều sản phẩm công nghệ hiện nay được sản xuất từ một nước thứ 3 nhưng vẫn mang thương hiệu và chất lượng vẫn đạt tiêu chuẩn của hãng đó.

3 chiếc máy điện tim có giá trị 30 triệu đồng/chiếc. Đây cũng chỉ là 1 thiết bị nhỏ trong gói thầu. Việc máy được sản xuất từ Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản cũng được chúng tôi biết từ trước đó, nó được thể hiện trong hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp" - vị lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho hay.

Về vấn đề kết luận thanh tra nêu, một tờ khai hải quan trang thiết bị nhập khẩu là bản photo đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu, không thể hiện một số thông tin trên tờ khai như giá trị hàng hóa nhập khẩu nguyên tệ (USD, JYP...), tỉ giá ngoại tệ, giá trị tính thuế VND, thuế nhập khẩu, thuế GTGT...; một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu bị tẩy xóa giá trị như các loại hóa đơn thương mại không có giá trị tính trên đơn vị và tổng giá trị, vị lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho rằng:

"Đây là thủ thuật kinh doanh của doanh nghiệp khi dùng nhiều chiêu trò để "giấu" giá trị thực của sản phẩm. Phía Sở Y tế tỉnh Thái Bình khi thẩm định hồ sơ dự thầu đã không đủ chuyên môn để phát hiện ra điều này".

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này còn chia sẻ, trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị, hóa chất, vật tư phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh, do nhiều yếu tố khách quan nên đã bỏ qua một số quy trình bắt buộc theo quy định.

"Trong bổi cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra nên thiết bị được nhập sớm ngày nào tốt ngày đó. Hơn nữa, trong thời gian đó cả nước cũng thực hiện giãn cách xã hội nên cũng không thể đi thẩm định giá trực tiếp được mà phải tham khảo giá trên mạng điện tử...

Tất cả những vấn đề này đã được chúng tôi tập hợp trong biên bản giải trình gửi tới UBND tỉnh để có cái nhìn khách quan, đúng bản chất của những sai phạm trong gói thầu.

Chất lượng máy điện tim của gói thầu vẫn đạt tiêu chuẩn, bảo hành theo chế độ hãng bên Nhật Bản chứ không phải chất lượng kém như dư luận suy đoán" - vị này cho hay.

Năm 2020 Sở Y tế Thái Bình có tờ trình và được UBND tỉnh phê duyệt để làm chủ 3 gói thầu với tổng giá trị hơn 43 tỉ đồng; Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Bình làm chủ đầu tư 3 gói thầu khác với tổng giá trị hơn 4,7 tỉ đồng.

Theo kết luận thanh tra, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã chỉ định thầu đối với 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế nhưng khi ký hợp đồng thì giá giảm hàng tỷ đồng so với giá chỉ định.

Việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế thuộc 3 gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư còn có tình trạng lắp đặt một số máy móc không đúng chứng thư đã được thẩm định; biên bản lắp đặt, vận hành chạy thử tại một số đơn vị không có ký xác nhận của đại diện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát; hồ sơ kèm theo một số máy móc, thiết bị chưa đầy đủ.

Công tác lập, phê duyệt danh mục trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao để phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với quyết định hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng với cấp độ 1 trong kịch bản của Sở Y tế về thu dung, điều trị người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 thì tính riêng tại Bệnh viện Nhi (với 20 giường bệnh) đã vượt định mức 4 máy thở trẻ em kèm máy nén khí.

Việc thực hiện chế độ báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về chủ trương đầu tư mua trang thiết bị, vật tư y tế để phòng chống Covid-19 chưa kịp thời và chưa đúng quy trình.

UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu, Hội đồng Thẩm định giá cấp tỉnh tổ chức thực hiện lại việc thẩm định giá tài sản bảo đảm quy định, làm căn cứ để Sở Y tế tổ chức nghiệm thu trang thiết bị máy móc thực hiện thanh, quyết toán các gói thầu.

Đồng thời, giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở có liên quan tiến hành các thủ tục và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Thanh tra tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương phối kết hợp để thực hiện nghiêm túc các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) trước ngày 20/9/2020.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/mua-may-chong-covid-19-nhat-nhan-hang-trung-quoc-giai-thich-nong-3419211/