Mùa lục bình trên sông La Ngà

Khi nước trên sông La Ngà lên cao là lúc cây lục bình xuất hiện và phát triển rộ nhất. Đây là thời điểm bà con làng bè và cả những hộ dân sinh sống trên bờ bắt đầu vào một mùa vụ mới - mùa cắt lục bình trên sông La Ngà.

Lục bình sau khi được cắt từ sông La Ngà và phơi trên những khoảnh đất trống, ven đường

Lục bình sau khi được cắt từ sông La Ngà và phơi trên những khoảnh đất trống, ven đường

Mùa cắt lục bình bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Đây là vụ mùa mới xuất hiện khoảng 10 năm nay. Cây lục bình là sản vật tự nhiên trên sông La Ngà mang đến cho bà con nơi đây những giá trị kinh tế.

* Món quà từ sông nước

Nắng chiều đã tắt trên sông La Ngà nhưng bà Phạm Thị Hoa (sống tại làng bè trên sông La Ngà) vẫn tranh thủ cùng con gái xếp những cọng lục bình đã được cắt tỉa thành hàng đều tăm tắp trên khoảnh đất trống ngay cạnh sông La Ngà. Bà Hoa chọn khu đất trống này để phơi lục bình vì nằm gần bè cá gia đình bà đang sinh sống, có thể giúp bà quan sát hoặc thu dọn kịp khi cần.

Bà Hoa cho biết, đang vào mùa cắt lục bình nên mọi người đều tranh thủ đi cắt từ sáng sớm đến tận chiều. Lục bình tươi sau khi cắt về sẽ phơi khô, dùng làm nguyên liệu để bà con đan gia công các sản phẩm mỹ nghệ. Vào mùa lục bình, hầu hết những nhà làm nghề đan thủ công mỹ nghệ các sản phẩm từ lục bình hoặc những người dân làng chài cùng nhau đi cắt lục bình về để phơi khô và cất trữ làm nguyên liệu cho mùa mưa hoặc bán cho những người không có điều kiện đi cắt lục bình.

Theo một số ngư dân làng chài, mùa “thu hoạch” lục bình trên sông La Ngà xuất hiện khoảng 10 năm nay. Trước đó, khi lượng nước trên sông La Ngà còn ổn định, vào thời điểm nước cạn, người dân lại cùng nhau phát cỏ trồng lúa trên lòng hồ. Từ đó giúp các hộ dân có thêm lương thực, phục vụ nhu cầu hằng ngày. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, mực nước trên sông không còn ổn định, người dân gần như không kiểm soát được thời điểm nước lớn, nước ròng, khiến cho nhiều vụ bà con mất trắng vì lúa chưa tới ngày thu hoạch đã bị nước dâng nhấn chìm hết.

Không còn đất để trồng lúa tăng gia, bà con còn chưa tìm ra hướng canh tác mới thì phát hiện khi nước sông La Ngà dâng cao kéo theo rất nhiều lục bình. Lục bình rất dễ sống và sinh trưởng nhanh nên chỉ một thời gian ngắn, những đoạn sông đã được phủ xanh màu lục bình. Từ đây, một số hộ dân làng bè đã nảy sinh ý tưởng cắt lục bình phơi khô để bán cho những người đan giỏ hoặc nhận khung về tự đan bằng nguyên liệu của mình làm ra. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay có cả trăm hộ dân làng bè cũng như những hộ dân vừa làm nghề đan giỏ lục bình vừa đi cắt lục bình để làm nguyên liệu dự trữ vào mùa mưa.

Người dân với nghề đan lục bình thủ công tại “xóm lục bình”

Bà Nguyễn Thị Minh (khu 2, ấp 1, xã Phú Ngọc), một trong những người có nghề đan giỏ lục bình lâu năm cho biết, những ngày này, gia đình tạm giảm công việc đan giỏ để tập trung đi cắt lục bình, vừa dự trữ nguyên liệu cho mùa mưa, vừa bán lại cho người khác. Theo bà Minh, mỗi giỏ lục bình đan hoàn thành có giá từ 25-45 ngàn đồng, nếu đã có nguyên liệu thì chỉ nhận khung về để đan mà không tốn tiền mua, những người không có nguyên liệu thì mua lục bình với giá 17 ngàn đồng/kg. Tùy vào kích thước của khung sẽ tốn lượng lục bình khác nhau, nếu người đan có tay nghề thì lục bình sẽ đỡ hao hơn.

* “Xóm lục bình” bên sông

Xuất hiện trước khi có nghề cắt lục bình trên sông nhiều năm, xóm lục bình có trên 100 hộ dân sinh sống, thuộc khu 2, ấp 1, xã Phú Ngọc. Xóm lục bình nằm khuất sau khu vực Tượng đài chiến thắng La Ngà, ngay bên bờ sông. Theo các hộ dân, xóm lục bình hình thành khoảng gần 20 năm nay. Ban đầu, bà con nhận toàn bộ nguyên liệu từ khung đến lục bình khô để đan gia công cho các công ty.

Là một trong những người đầu tiên đưa nghề đan lục bình đến với bà con trong xóm, bà Đinh Thị Nam chia sẻ, thấy bà con trong xóm còn nhiều khó khăn về kinh tế trong khi thời gian rảnh rỗi cũng khá nhiều nên bà Nam nhận hàng về để tạo việc làm thêm cho người dân. Có công việc phụ thêm cho kinh tế, số người nhận hàng về gia công ngày càng nhiều. Đến nay, xóm lục bình có khoảng 5 người chuyên nhận hàng từ các công ty về giao lại cho người dân. Hiện nay số người nhận hàng về gia công không chỉ là người dân trong xóm lục bình mà còn có nhiều người từ các địa bàn khác cũng tìm đến nhận hàng về làm để có thu nhập thêm.

Các con đã lớn, không còn quá bận rộn với việc nội trợ nên bà Nguyễn Thị Ngần (ngụ xã La Ngà) cũng tranh thủ nhận hàng về làm vào những lúc rảnh rỗi. Bà Ngần cho biết, bà không tập trung làm nên mỗi ngày chỉ đan được vài ba cái tùy kích cỡ, trung bình mỗi ngày bà cũng có thêm thu nhập từ 100-150 ngàn đồng. “Công việc này tôi đã làm từ nhiều năm rồi, tôi nhận cả khung lẫn nguyên liệu, những lúc xong việc nhà thì tôi lại ngồi đan, buổi tối thì vừa xem ti vi vừa làm. Nhiều năm trước, khi các con còn nhỏ, kinh tế gia đình còn khó khăn, mỗi khi cần vài chục ngàn đồng đi chợ là tôi lại tranh thủ đan xong 1-2 cái để đi trả trước lấy tiền đi chợ. Tiền công tuy không nhiều nhưng cũng đủ mua đồ ăn trong ngày. Quanh xóm tôi cũng có vài người nhận hàng về làm. Công việc này thực sự thích hợp cho những ngày nông nhàn” - bà Ngần chia sẻ.

Đến xóm lục bình những ngày này, ấn tượng đầu tiên cuốn hút ánh mắt người lạ là những hàng lục bình thẳng tắp trải dài từ trong sân tràn ra bên đường của các hộ dân. Sau khi cắt về, lục bình sẽ được phơi khoảng 3-4 ngày cho khô, sau đó được bó lại bán hoặc làm nguyên liệu đan giỏ lục bình.

Chia sẻ về cuộc sống của bà con trong xóm lục bình cũng như nghề cắt lục bình trên sông La Ngà, ông Đinh Quang Trung (Trưởng khu 2, ấp 1, xã Phú Ngọc) cho biết, hàng chục năm nay, cây lục bình đã gắn liền với cuộc sống của bà con nơi đây, người có công ăn việc làm ổn định cũng biết đan và có thêm thu nhập từ lục bình. Nhiều gia đình chọn nghề đan lục bình là thu nhập chính đều có cuộc sống ổn định. Lục bình trên sông La Ngà chính là nguồn nguyên liệu giúp bà con đỡ tốn một khoản chi phí không nhỏ.

“Chúng tôi xem lục bình như là món quà của thiên nhiên dành tặng cho người dân trong vùng. Nhờ sự ưu ái này, người dân trong xóm quanh năm có việc làm, cuộc sống đã tốt hơn trước rất nhiều. Nhiều lớp con em lớn lên, học hành thành đạt đều nhờ vào nguồn thu nhập chính từ lục bình. Nó đã trở thành nghề truyền thống của cả xóm. Tôi hy vọng trong tương lai xóm lục bình sẽ được công nhận là làng nghề truyền thống với nguồn nguyên liệu “trời ban” từ nhiều năm nay”- ông Trung cho biết thêm.

Thủy Mộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202004/mua-luc-binh-tren-song-la-nga-2996878/