Mưa lũ, sạt lở gây thiệt hại tại nhiều địa phương

* Hỗ trợ ngư dân, đánh bắt nuôi trồng thủy sảnỦy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, chiều 25-4, mưa lớn khiến khu vực xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) có nguy cơ sạt lở đất, đá. Chiều 26-4 cơ quan chức năng đã huy động 130 người và bốn ô-tô tổ chức di chuyển khẩn cấp 24 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

★ Tại bốn thôn, bản Ðêu 3, Nà Vặng, Nậm Ðông 1 và Nậm Ðông 2, của xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xuất hiện 11 điểm sạt lở.

Ước tính khối lượng đất đá sạt lở khoảng 500 m3. Mưa lớn những ngày qua gây sạt lở đất đá gây ảnh hưởng đến 17 hộ dân. Lực lượng chức năng sẽ khắc phục những điểm sạt lở sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

★ Hiện, bờ sông Cầu đoạn chảy qua xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) bị sạt lở hơn 1.400 m, ảnh hưởng đến 30 hộ dân đang sinh sống ven sông; hơn 13.000 m2 đất nông nghiệp của 23 hộ dân không sản xuất được. Chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân thu dọn tài sản, đồng thời lên kế hoạch di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm.

★ Mưa lớn kèm theo sét đánh khiến một phụ nữ thôn Thuận Tân, xã Tam Trà, huyện Núi Thành (Quảng Nam) chết khi đang đi chăn bò vào chiều ngày 26-4. Nhận được thông tin chính quyền địa phương cùng người dân đã đến thăm hỏi và động viên gia đình nạn nhân.

★ Tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) có 28 điểm có nguy cơ sạt lở, với 340 hộ dân ở chín xã. Trong đó có 14 điểm sạt lở với 92 hộ dân cần di dời khẩn cấp. Chính quyền huyện yêu cầu các xã có kế hoạch di dời, đồng thời kiến nghị tỉnh cấp ngân sách để di dời người dân đến nơi an toàn.

★ Sáng 27-4, Chi cục quản lý đường bộ III.3 (Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam) đã huy động các nhà thầu để xử lý sự cố các tảng đá lớn, khoảng
400 m3 rơi từ vách núi cao xuống đường quốc lộ 27C, đoạn đèo Hòn Giao, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) gây ách tắc cho các phương tiện. Lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục sự cố.

★ UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết, xã Quảng Thạch có 2,6 ha ngao nuôi bị chết toàn bộ; xã Quảng Nham có 45 ha ngao nuôi chết, tỷ lệ hơn 70%. Ngành nông nghiệp huyện đã yêu cầu các xã thu gom xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời hướng dẫn người dân cải tạo bãi nuôi, chăm sóc ngao đúng kỹ thuật.

★ Vụ nuôi tôm đầu năm 2018, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tiến hành thả 15 triệu con tôm giống thẻ chân trắng do Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc cung ứng. Vụ này, toàn tỉnh có hơn 2.700 ha, trong đó 880 ha nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao.

★ Tỉnh Cà Mau có hơn 302.861 ha diện tích nuôi thủy sản (chiếm 27,9% cả nước). Sản lượng nuôi hằng năm đạt gần 321 nghìn tấn. Dự kiến đến cuối tháng 5-2018, tỉnh sẽ hoàn thành dự án đầu tư vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung tại xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi.

★ Hiện, tỉnh Kiên Giang có hơn 90 nghìn ha thả nuôi theo mô hình tôm - lúa đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Vụ nuôi tôm nước lợ năm nay, tỉnh có kế hoạch thả nuôi 120.640 ha tôm sú và 2.360 ha tôm thẻ chân trắng, phấn đấu sản lượng đạt 69 nghìn tấn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36237002-mua-lu-sat-lo-gay-thiet-hai-tai-nhieu-dia-phuong.html