Mưa lũ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 7-10, vùng áp thấp đã đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Ðến chiều hôm nay 8-10, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 7-10, vùng áp thấp đã đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Ðến chiều hôm nay 8-10, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, vùng biển ngoài khơi từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông mạnh, khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7. Sóng biển cao 2 đến 3 m ở bắc vịnh Bắc Bộ, 2 đến 4 m ở nam vịnh Bắc Bộ. Không khí lạnh cũng gây gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8 ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, biển động. Khu vực bắc Biển Ðông, quần đảo Hoàng Sa có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

* Sáng ngày 7-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp ứng phó vùng áp thấp trên Biển Ðông và tình hình mưa lũ tại khu vực miền trung. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện tại, vùng áp thấp không có khả năng mạnh thêm và có sức gió mạnh nhất đạt cuối cấp 5, đầu cấp 6. Tuy nhiên, hiện có một vùng áp thấp khác ở phía đông Phi-li-pin. Từ ngày 12 đến 14-10, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão, hướng về các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Do vậy, tại các khu vực này cần chủ động, lên phương án ứng phó.

* Theo dự báo, khu vực Trung Bộ có mưa lớn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới và chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 7 đến 9-10 lượng mưa từ 300 đến 500 mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi từ 500 đến 700 mm. Ðợt 2, khoảng từ ngày 12 đến 14-10. Tổng lượng mưa cả đợt từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong 10 ngày tới khoảng 500 đến 1.000 mm, có nơi từ 1.000 đến 1.200 mm. Tỉnh Nghệ An và khu vực Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa từ 200 đến 500 mm, Nam Bộ và Nam Tây Nguyên từ 100 đến 300 mm.

* Lũ trên các sông Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2 và vượt báo động 2, một số sông suối nhỏ lên mức báo động 3. Thượng lưu các sông từ Thừa Thiên Huế và Quảng Nam có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2, hạ lưu ở mức báo động 1 và trên báo động 1. Lũ trên các sông từ Bình Ðịnh đến Bình Thuận có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2. Còn tại bắc Tây Nguyên, lũ trên sông có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2. Lũ trên các sông ở nam Tây Nguyên ở mức báo động 1, các sông, suối nhỏ có khả năng lên báo động 2 - báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ở các tỉnh, thành phố Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

* Ban Chỉ huy PCTT Lào Cai cho biết, mưa lũ những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại tại TP Lào Cai và các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, làm hai người chết, hơn 40 nhà dân bị hư hỏng. Ước tính ban đầu, thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng; trong đó, chưa thống kê thiệt hại của hệ thống giao thông.

* Ngày 7-10, lực lượng chức năng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cùng người dân đang tổ chức tìm kiếm hai người mất tích ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân. Vào khoảng 11 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Văn Nam và ông Lê Quang Hùng cùng trú tại thôn Tân Linh chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán. Do mưa lớn, đò bị lật khiến cả hai người mất tích.

* Ðến ngày 7-10, lực lượng chức năng ở Gia Lai vẫn chưa tìm thấy hai cha con bị nước lũ cuốn trôi. Trước đó, tối ngày 6-10, tại huyện Chư Prông, Gia Lai có mưa lớn. Hai cha con anh Nguyễn Văn Trường và em Nguyễn Hoàng Bảo Long lội qua một đập tràn để về nhà thuộc xã biên giới Ia Púch thì bị nước lũ cuốn trôi, mất tích.

* Cùng ngày, các lực lượng chức năng và người dân xã Ia Lốp, huyện Ea Súp (Ðắk Lắk) vẫn đang tìm kiếm một người bị lũ cuốn trôi. Trước đó, tối ngày 6-10, anh Quốc Ðình Huy và anh Phạm Thành Luân chở nhau đi trên đường liên thôn thuộc xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, khi qua cống số 2 thuộc thôn Ðoàn bất ngờ lũ đổ về khiến anh Luân bị cuốn trôi mất tích.

* Mưa lớn tại tỉnh Quảng Bình khiến một số địa phương bị ngập lụt, chia cắt. Tuyến đường vào các bản Ón, Yên Hợp của đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa và các bản ở xã Trọng Hóa; bản Ka Ai (xã Dân Hóa)… đã bị chia cắt do nước suối dâng cao. Toàn bộ học sinh các cấp tại huyện phải nghỉ học. Còn tại xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) mưa lớn khiến hai điểm ngầm Khe Ngang và Bản Mới bị ngập sâu, gần 300 gia đình với gần 1.000 người bản Hang Chuồn - Trường Nam và bản Khe Ngang bị cô lập. Một số ngầm, cầu tràn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã ngập sâu gây chia cắt cục bộ... Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục thiệt hại đồng thời chuẩn bị nhu yếu phẩm phục vụ người dân tránh trú khi có ngập lụt trên diện rộng.

Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Bình cho biết, do mưa lớn trong các ngày 6 và ngày 7-10 khiến quốc lộ 15 tại ngầm Bùng Km 562+200 và ngầm tràn Km41+980 ngập đến 2 m; quốc lộ 9B nhiều đoạn nước ngập sâu; đường tỉnh 559B nước ngập 1,5 m gây tắc đường... Nhiều ngầm tràn của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh lũ ngập sâu, cô lập 23 bản của sáu xã biên giới. Lực lượng chức năng đã đặt biển báo khu vực nguy hiểm để ngăn người và phương tiện qua lại để tránh nguy hiểm.

* Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế dự báo, từ ngày 7 đến 10-10 các sông trên khu vực Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Vùng hạ lưu của sông Hương, sông Bồ ở mức báo động 1 đến báo động 2, vùng thượng lưu và các sông khác có thể lên trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện miền trung vận hành hồ thủy điện A Lưới xả lũ về phía hạ du với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, khoảng từ 100 đến 1.000 m3/giây để bảo đảm cho công trình và vùng hạ du. Thời gian bắt đầu xả từ 11 giờ ngày 7-10. Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản gửi Công ty cổ phần Thủy điện Hương Ðiền chỉ đạo xả lũ hồ chứa thủy điện Hương Ðiền qua tràn với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 100 đến 200 m3/giây. Thời gian bắt đầu xả lúc 16 giờ chiều 7-10.

* Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bình Ðịnh cho biết, 13 ngư dân trên tàu cá BÐ-96365 TS bị nạn đã được cứu, đưa vào bờ an toàn vào sáng 7-10. Trước đó, đêm ngày 6-10, tàu cá nêu trên đang ở vùng biển cách huyện Phù Cát (Bình Ðịnh) khoảng 24 hải lý về phía đông thì bị ảnh hưởng của áp thấp, kèm theo mưa lớn làm tàu ngập nước, không thể khắc phục.

* Lúc 13 giờ 45 phút ngày 7-10, ở cách Cửa Tư Hiền (Thừa Thiên Huế) về hướng Ðông Bắc khoảng ba hải lý, tàu vận tải Công Thành 27 của Công ty Thành Thái (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) gồm 11 thuyền viên, chở 4.500 tấn clanh-ke bị sóng đánh chìm, các thuyền viên sử dụng phao rời khỏi tàu. Nhận được tin báo, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động một phương tiện của ngư dân từ bờ ra cứu nạn, điều các cán bộ, chiến sĩ tuần tra ven bờ tham gia cứu nạn. Ðến chiều tối cùng ngày, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện và cứu an toàn cả 11 thuyền viên, đưa về đồn Vinh Hiền chăm sóc sức khỏe.

63 vị trí đê xung yếu trong vùng mưa, lũ

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng chiều dài các tuyến đê từ Nghệ An đến Bình Thuận là 1.817 km. Qua rà soát của các địa phương, hiện nay trên hệ thống đê nêu trên còn tồn tại 63 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 148,4 km. Ngoài ra, vẫn còn có 40 công trình đê điều đang thi công. Ðây là các điểm cần hết sức chú ý khi mưa, lũ xảy ra.

Hiện nay, khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ chứa có mực nước đạt từ 12% đến 49% dung tích thiết kế (DTTK); khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ từ 12% đến 60% DTTK; còn 1.246 hồ chứa khu vực Tây Nguyên cũng đạt 57% đến 88% DTTK.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/mua-lu-o-nam-trung-bo-va-tay-nguyen-dien-bien-phuc-tap-619552/