Mưa lũ ở Hà Giang lớn nhất trong vòng 60 năm qua

Tại Thành phố Hà Giang, mưa đặc biệt to diễn ra từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7, đạt 347mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay…

Theo thống kê nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Hà Giang, tính đến 6h sáng 22/7, mưa lớn kèm sạt lở đất vào nhà làm 5 người chết do bị đất đá vùi lấp, đuối nước, trong đó có 2 người ở thôn Cóc Nắm, xã Bản Nhùng, Hoàng Su Phì, 1 người ở xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, 1 cháu bé bị đuối nước tại xã Tân Quang, Bắc Quang, 1 người ở xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê.

2 người bị thương, gồm 1 người bị thương do nước cuốn trôi ở xã Túng Sán, Hoàng Su Phì và 1 người bị thương ở xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. Mưa lớn cũng làm một số nhà dân bị sập hoàn toàn.

Mưa lũ, sạt lở đất ở Hà Giang gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Mưa lũ, sạt lở đất ở Hà Giang gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Mưa lũ còn gây thiệt hại về nhà cửa của người dân. Cụ thể, 2 ngôi nhà bị đất đá vùi lấp, cuốn trôi; 64 nhà bị sạt đất đổ tường; gần 3.000 ngôi nhà bị ngập úng, đổ, sập. Riêng tại huyện Bắc Mê có 6 thôn của xã Yên Định và 2 thôn xã Minh Ngọc bị ngập.

Bên cạnh đó, 2 nhà máy thủy điện bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc (01 Nhà máy Thủy điện Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, 01 nhà máy thủy điện Thái An, huyện Quản Bạ); 33 xe ô tô, 250 xe máy và xe đạp điện bị ngập gây hư hỏng.

Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Giang khoảng 80 tỷ đồng.

Nhiều xe cộ, nhà cửa vị nước lũ nhấn chìm ở Hà Giang do mưa lớn.

Nhận định về nguyên nhân của đợt mưa này, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao đã gây ra mưa rào và dông cho các tỉnh Bắc Bộ, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to.

Đặc biệt, mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ đạt từ 100 – 300mm. Tại Thành phố Hà Giang có mưa đặc biệt to, lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347 mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay.

Mực nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang đã lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8m, đạt mức 101,37m (10h/21/7), trên BĐ2 là 0,37m, hiện nay đang xuống nhanh, đã xuống dưới BĐ1. Ngập lụt do mưa lớn tại các vùng trũng, thấp đã diễn ra tại TP. Hà Giang, huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Mê. Sạt lở đất đã xảy ra tại huyện Hoàng Su Phì, huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang.

Lượng mưa đo được 24 giờ ở Hà Giang lớn nhất trong vòng 60 năm qua.

Theo Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Trần Quang Năng, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao khu vực vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với tâm mưa tập trung tại tỉnh Hà Giang. Mực nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang đã lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8m, đạt mức 101,37m (10 giờ/21/7), trên BĐ2: 0,37m, hiện nay đang xuống nhanh. Ngập lụt do mưa lớn tại các vùng trũng, thấp đã diễn ra tại TP Hà Giang gây thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân.

Về nguyên nhân của đợt mưa lớn đang diễn ra ở Hà Giang và các tỉnh miền núi Bắc Bộ, ông Trần Quang Năng cho biết, đây là một trong những hiện tượng do áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào nội địa. Hình thái này kết hợp với xoáy và gió trên cao tồn tại lâu ở khu vực Hà Giang mà không di chuyển đi nơi khác, do đó, dẫn đến hiện tượng mưa các nơi không đồng đều.

Ông Trần Quang Năng cũng chia sẻ, hiện nay, khu vực Bắc Bộ đang bước vào thời kỳ mưa lũ chính vụ. Trong thời gian tới, các đợt mưa lớn, lũ lớn sẽ có nhiều nguy cơ tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ.

Lực lượng chức năng triển khai cứu hộ giúp người dân TP. Hà Giang.

Là chuyên gia kỳ cựu về thủy lợi, khi chia sẻ về giải pháp cho người dân ở Hà Giang để đối phó với hiện tượng ngập lụt hiện nay, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng chỉ còn cách sống chung và dùng các biện pháp thụ động vì đường thoát nước chính ra sông Lô đã không còn khả thi.

"Ở Hà Giang cần có giải pháp thụ động, dựa vào cao trình nước ngập tối đa theo số liệu theo dõi nhiều năm. Các hộ dân cần xây dựng những tầng, phòng trên cao độ này để khi xảy ra mưa lũ có nơi tránh trú an toàn", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.

Ngoài chỗ trú cho người và chứa đồ dùng gia đình, ông cũng lưu ý các gia đình có xe ô tô cũng nên bố trí chỗ đậu xe cao ráo, tránh bị nước mưa nhấn chìm, gây thiệt hại về tài sản.

Một số tuyến đường ở Hà Giang vẫn đang ách tắc do đất, đá sạt lở.

Ở Đà Lạt, chuyên gia này cho rằng chính quyền địa phương nhân dịp mùa mưa phải xem lại các tuyến nước mưa, nếu bị chặn, nghẽn ở khu vực nào thì phải giải phóng khu vực đó. Đây cũng là giải pháp có thể áp dụng cho khu vực xảy ra ngập ở đảo Phú Quốc.

"Dựa vào từng lượng mưa cụ thể, các đơn vị của thành phố phải tính toán được chiều rộng, chiều sâu của từng tuyến thoát nước mưa", GS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.

5 người chết do mưa lũ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi công điện khẩn

Trước tình hình diễn biến phức tạp do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, sáng 22-7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có Công điện khẩn gửi Sở GD&ĐT các tỉnh miền núi phía Bắc, đề nghị chủ động ứng phó với mưa, lũ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Công điện yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ về đợt mưa lũ, đặc biệt ở vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập.

Thủ trưởng các cơ sở GD&ĐT có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên; chủ động tạo điều kiện cho người dân tránh trú trong điều kiện cho phép.

Đồng thời lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại tài sản, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mua-lu-o-ha-giang-lon-nhat-trong-vong-60-nam-qua-20200722152007776.htm