Mưa lũ lớn miền Trung: Áp thấp lại xuất hiện, nguy cơ lũ chồng lũ

Hiện giữa biển Đông đang hình thành một vùng áp thấp, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới. Nguy cơ lũ chồng lũ tại các tỉnh miền Trung hiện hữu...

Áp thấp xuất hiện trên biển Đông, nguy cơ lũ chồng lũ ở miền Trung

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho biết, hiện nay giữa Biển Đông đang hình thành một vùng áp thấp, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 10h ngày 9/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,5-13,5 độ Vĩ Bắc; 117,0-118,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 400km về phía Đông Bắc.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10h ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 250km về phía Bắc Đông Bắc.

Hướng di chuyển vùng áp thấp mới hình thành ở giữa Biển Đông. (Nguồn: kttv.gov.vn)

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ 114,0 đến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm.

Đáng chú ý, hiện nay, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to, riêng Quảng Bình - Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa 100-200mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Hải Lâm (Quảng Trị) 330mm, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) 315mm...Từ chiều 8/10, lũ ở các sông Quảng Trị đã đạt đỉnh.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên trong ngày 9/10 và 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 100mm. Từ ngày 11-13/10, ở các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Mưa lũ đã khiến 5 người chết, 8 người mất tích

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, thiệt hại ban đầu do mưa lũ tại các địa phương tính đến 06h ngày 9/10 đã có 5 người chết (Quảng Trị: 2, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đak Lak 1) và 8 người mất tích (Quảng Trị: 6, Thừa Thiên Huế: 1, Gia Lai: 1); 772 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Trị 538 ha; Thừa Thiên Huế 225 ha); 32.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi (Quảng Trị). Thiệt hại về giao thông: nhiều khu vực bị sạt lở, ách tắc (khoảng 30 điểm), 01 cầu tại Quảng Trị bị hỏng, 100 m đường bị sạt lở. Về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển: 9,0 km bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (2,5 km); xã Phú Thuận (2,0 km); xã Phú Diên (2,0 km); xã Phú Hải (1,5 km), xã Hải Dương (1,0 km).

Mưa lũ đã khiến 88 xã bị ngâp. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình có 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các Quốc lộ 15, Quốc lộ 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu từ 0,5 - 1m ; tỉnh lộ: 562, 559B bị ngập 1,5 - 2m gây cản trở giao thông. Hiện nước đã rút.

Lực lượng cứu hộ ở Quảng Trị đưa người dân bị ngập lụt đến nơi an toàn. Ảnh: Báo Quảng trị.

Tại Quảng Trị: Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, bao gồm 71 xã, phường, trong đó đặc biệt tại các huyện Hải Lăng và Triệu Phong hầu hết các xã đều bị ngập.

Tại Thừa Thiên Huế: QL49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 - 1m; nhiều tuyến Tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 - 0,5m; các thôn Tam Lanh xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.

Tại Đà Nẵng: Tại huyện Hòa Vang có 08/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông; hiện nước đã xuống, chỉ còn ngập cục bộ một số điểm ở vùng trũng thấp.

Mưa lũ gây ngập cục bộ, giao thông nhiều nơi bị chia cắt hoàn toàn, từ sáng 9/10, hơn 23.000 học sinh ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được nghỉ học cho đến lúc nước rút.

Tại cuộc họp chỉ đạo các công tác ứng phó với tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở các tỉnh miền Trung sáng 9/10, ông Trần Quang Hoài đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch, hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với các trang thiết bị, vật dụng trước khi cấp điện.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ có thể kéo dài để có biện pháp ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tình hình mưa lũ; hướng dẫn chính quyền cơ sở, người dân các biện pháp xử lý đảm bảo an toàn trong quá trình khắc phục hậu quả và sẵn sàng các phương án với mưa lũ kéo dài trong thời gian tới.

Mời độc giả xem thêm video Cập Nhật Diễn Biến Mưa Lũ Tại Các Tỉnh Miền Trung:

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/mua-lu-lon-mien-trung-ap-thap-lai-xuat-hien-nguy-co-lu-chong-lu-1445212.html