Mưa lũ 'khủng khiếp': 4 người chết, hàng nghìn ngôi nhà đổ sập, hư hại

Mưa lũ đã khiến 4 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị sập đổ, phải di dời khẩn cấp, nhiều địa phương bị cô lập, học sinh không thể đến trường do trường hỏng, nước ngập…

Thiệt hại khủng khiếp do mưa lũ hoành hành

Thông tin mới nhất liên quan thiệt hại do mưa lũ, ngày 1/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, theo báo cáo nhanh các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An cho thấy, mưa lũ đã khiến 4 người chết (tăng 1 người tại Sơn La).

Mưa lũ đã khiến 179 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70% (Điện Biên: 14 nhà; Sơn La: 37 nhà; Yên Bái: 2 nhà; Cao Bằng: 2 nhà; Lạng Sơn: 3 nhà; Thái Nguyên: 1 nhà; Phú Thọ: 3 nhà; Thanh Hóa: 123 nhà; Nghệ An: 8 nhà);728 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 618 nhà; Hòa Bình: 18 nhà; Yên Bái: 75 nhà; Phú Thọ: 9 nhà; Nghệ An: 8 nhà).

Mưa lớn làm nhiều cây cầu bị hư hỏng.

Mưa lũ cũng làm hơn 1.120 ha lúa, hoa màu, thiệt hại (Điện Biên: 62ha; Sơn La: 615ha; Hòa Bình: 34ha; Lào Cai: 115ha; Yên Bái: 17ha; Bắc Cạn: 44ha; Phú Thọ: 90ha; Thanh Hóa: 196ha).23 con gia súc, 1.438 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 114 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 470m kè và 3.390m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại. Mưa lũ cũng gây sạt lở 42.532 m3 đất đá.

Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện tại các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành địa phương, chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông như các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa về cơ bản đã được thông xe; Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được.

Cùng với đó các tỉnh đã cử các đoàn xuống các khu vực bị ảnh hưởng để cập nhật thiệt hại, chỉ đạo các ban ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố ổn định cuộc sống cho người dân.

Sơn La:

Tính đến chiều 1/9, nhiều địa phương tại Sơn La vẫn đang bị cô lập do sạt lở đất, giao thông chia cắt như ở xã Mường Men (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) có đến 425 hộ dân bị cô lập do các tuyến đường vào xã này có 16 điểm sạt lở, giao thông chia cắt. Đáng chú ý, mưa lũ đã cuốn trôi 2 đoạn đường nhựa thuộc bản Páng của xã Chiềng Khoa và bản Pa Khôm (xã Mường Men) khiến giao thông chia cắt hoàn toàn.

Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ đã đến thăm điểm trường tại Sơn La nơi mà cách đây ít ngày các giáo viên và học sinh phải chạy lũ. Trong đó, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là một trong những điểm trường hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ vừa qua.

Điểm trường Bản Lắc Khén, Yên Châu bị lũ cuốn mất cầu.

Quốc lộ 6 đoạn qua Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, Sơn La).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp đến thăm, động viên các thầy, cô giáo, các lực lượng đang tham gia, hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ, tại trường THCS Nà Ớt (huyện Mai Sơn, Sơn La) và tận tình thăm hỏi, động viên giáo viên nhà trường khắc phục mọi khó khăn do mưa lũ gây ra, dọn dẹp trường lớp, cùng với các lực lượng hỗ trợ thu dọn bùn đất, thu gom những đồ dùng học tập còn sót lại để tổ chức ngày khai giảng đúng kế hoạch.

Báo cáo Bộ trưởng Nhạ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt cho biết, mưa lũđã làm vỡ kè chắn đất, cuốn trôi hầu hết đồ dùng nấu ăn trong bếp ăn bán trú, toàn bộ trang thiết bị, sách vở, tài liệu bị nước cuốn trôi, bị hỏng, mất 1,4 tấn gạo được cấp cho học sinh trong năm học mới, bùn đất tràn vào lớp học, tràn vào sân trường dày hàng chục cm rất khó thu dọn.

Năm học này, nhà trường có 347 học sinh với 273 em ăn, ở bán trú tại trường. Hiện nhà trường đang cùng với người dân, phụ huynh học sinh trên địa bàn, hơn 100 cán bộ, chiến sỹ của Ban chỉ huy quân sự huyện Mai Sơn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La ngày đêm dọn dẹp trường lớp, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, từ ngày 28/8 hết ngày 31/8, mưa lũ đã làm 1 người chết, 2 người bị thương; 1.521 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 37 nhà sập đổ hoàn toàn; 154 nhà bị sạt lở, thiệt hại nặng; 500 nhà bị ngập; 618 nhà phải di dời khẩn cấp.

Thiệt hại hơn 600 ha lúa mùa; gần 170 ha ngô, rau màu; hơn 17 ha cây ăn quả; gần 60 ha cây lâu năm; 103 ha ao cá, hơn 13 tấn cá bị cuốn trôi. Có 11 điểm trường học bị sạt lở, đổ tường dào và ngập khuôn viên ở các huyện: Mai Sơn, Vân Hồ, Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp.

Có 153 điểm ách tắc giao thông trên các quốc lộ, gồm: 37, 43, 4G, 279D, 6B, 6C, 279; có 64 điểm ách tắc giao thông trên các đường tỉnh; nhiều tuyến đường huyện, liên xã bị ách tắc đang tiếp tục được cập nhật.

Có 45 công trình thủy lợi bị thiệt hại; các hồ chứa trên địa bàn đã đạt mực nước dâng bình thường và đang tràn xả lũ an toàn như: Hồ Noong Đúc, Huổi Vanh, Suối Hòm, Lái Bay, Chiềng Khoi. Hệ thống điện trên địa bàn 25 xã của 8 huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Mường La, Yên Châu bị ảnh hưởng làm hơn 32.000 khách hàng bị mất điện.

Điện Biên: Thiệt hại 150 tỷ do mưa lũ

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết, ước tính tổng thiệt hại do các trận mưa lũ xảy ra từ ngày 27 – 31/8 trên địa bàn toàn tỉnh đã lên tới hơn 150 tỷ đồng.

Các thiệt hại được ghi nhận tại hầu hết các địa phương trong tỉnh và tập trung chủ yếu tại các huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên… Trong đó, mưa lớn đã khiến 125 nhà dân bị thiệt hại và di rời khẩn cấp; hơn 350ha lúa và hoa màu bị ngập úng, sạt lở, vùi lấp; hơn 50ha ao cá, gần 300 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 19 điểm trường, 15 công trình thủy lợi và hàng chục công trình trụ sở xã, trạm y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, điện lưới… bị thiệt hại. Đặc biệt, về giao thông, thống kê sơ bộ đã có hơn 1.000 điểm sạt lở, nằm rải rác trên các tuyến giao thông trong tỉnh, với gần 400.000m3 đất, đá sạt lở ta luy dương…

Hiện nay, thống kê thiệt hại vẫn đang được đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp cùng các địa phương khẩn trương rà soát bổ sung; đồng thời tăng cường lực lượng ứng cứu, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Thanh Hóa: Huyện Mường Lát bị cô lập hoàn toàn

Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại cho một số địa phương tại tỉnh Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy.

Tại huyện Mường Lát, đến trưa 1/9, mưa lũ, sạt lở đất đã làm sập 123 nhà dân, trên 50 nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng; 4.584 nhà bị ngập nước. Ngoài ra, hàng chục điểm trường bị hư hỏng do ngập úng, sạt lở đất đá. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông như quốc lộ 15C, 16, đường tỉnh và đường liên thôn, liên bản cũng bị sạt lở. Trong đó, tuyến quốc lộ 15C từ xã Trung Lý đi thị trấn Mường Lát có hàng chục điểm sạt lở dẫn đến bị tê liệt.

Hiện hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn huyện Mường Lát cũng đã bị cắt đứt hoàn toàn, không kết nối được (mạng điện thoại cố định, sóng di động, mạng internet), mất điện diện rộng.

Ngập lụt ở huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Vietnamnet.

Mưa lũ cũng làm 2 người tại xã Trung Lý (huyện Mường Lát) hiện đang mất tích, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại...Hiện, huyện cũng đã cho di dời hàng trăm hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở tới nơi an toàn.

Tại huyện Cẩm Thủy đến sáng 1/9, mưa lũ vẫn rất phức tạp. Mưa lũ đã khiến huyện Cẩm Thủy có 1 người bị chết đó là anh Bùi Văn Liêm (SN 1988, thôn Tiến Long, xã Cẩm Phú) và 2 người hiện đang mất tích.

Nước ngập đến nóc nhà. Ảnh: Vietnamnet.

Toàn huyện Cẩm Thủy có gần 4.200 hộ, gần 21.000 khẩu bị ngập; trên 3.800 hộ và trên 19.100 khẩu phải sơ tán. Có 1 nhà dân ở thôn Phâng Khánh, xã Cẩm Thành bị sập; Có 11 điểm trường; 5 trạm y tế; 24 nhà văn hóa thôn; 02 Bưu điện VH xã; 03 chùa; 01 đình làng; 1 trụ sở HTX, hạt kiểm lâm huyện; 6 cơ quan, nhà hàng; 1 trại lợn 1000 con bị ngập. Có 7 xã bị chia cắt gồm: Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Bình, Cẩm Lương, Cẩm Yên, Cẩm Giang, Cẩm Tú và một số thôn của xã Cẩm Sơn.

Nghệ An: Cầu Chôm Lôm bị đứt gãy do lũ

Tại Nghệ An, do việc xả lũ lớn và nước đổ với tốc độ nhanh đã khiến mố cầu Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) bị sập gẫy đứt đôi vào Vào lúc 6h 45 sáng 1/9.

Ngay trong sáng 1/9,UBND huyện Con Cuông đã huy động máy xúc, xe tải chở đá hộc để chèn đá vào điểm mố cầu đứt để cứu lấy cây cầu. Hiện các lực lượng chức năng đang canh gác để không có người và phương tiện qua cầu. Việc cầu bị đứt gãy gây khó khăn cho việc đi lại của người dân các bản Đồng Tiến, Chôm Lôm, Yên Hòa.

Ở một diễn biến khác, sáng ngày 1/9, Công an huyện Tương Dương đã tiến hành điều tra, sàng lọc, và bắt được các đối tượng tung tin thất thiệt Thủy điện Bản Vẽ vỡ đập.

Các đối tượng bao gồm Vũ Văn Phúc, SN 1988; Nguyễn Quang Trung, SN 1991, trú tại khối Hòa Trung, thị trấn Hòa Bình; Vi Thanh Định, SN 1997, Lô Bảo Ngọc, SN 1999, trú tại bản Phòng, xã Thạch Giám; Phân Thị Trân, SN 1982, trú tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng; Phan Duy Tùng, SN 1987, trú tại bản Quang Yên, xã Tam Đình ( Tương Dương).

Việc các đối tượng tung tin thất thiệt vỡ đập thủy điện Bản Vẽ đã khiến hàng trăm người dân thuộc xã Xá Lượng (Tương Dương) hoảng loạn chạy lên núi, gây hoang mang dư luận.

Ngay sau khi nhận được thông tin, bằng các biện pháp nghiệp vụ, dưới sự hỗ trợ của Công an tỉnh Nghệ An, Công an Tương Dương đã tiến hành điều tra, sàng lọc, phát hiện và triệu tập các đối tượng trên.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/mua-lu-khung-khiep-4-nguoi-chet-hang-nghin-ngoi-nha-do-sap-hu-hai-1108747.html