Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại Kon Tum

Ngày 12-10, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức họp trực tuyến các điểm cầu huyện, thành phố trên toàn tỉnh triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống lũ lụt do ảnh hưởng bởi bão số 6. Tính đến nay, tỉnh Kon Tum đã có hai người tử vong.

Ngày 12-10, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức họp trực tuyến các điểm cầu huyện, thành phố trên toàn tỉnh triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống lũ lụt do ảnh hưởng bởi bão số 6. Tính đến nay, tỉnh Kon Tum đã có hai người tử vong.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trong 12 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến đạt từ 60-100mm; riêng khu vực huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông và Đăk Glei lượng mưa đạt từ 100-170mm.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có hai người tử vong do bị nước lũ cuốn trôi. Em Y Liên (xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông), đang học đại học năm thứ 2 tại Đà Lạt. Trên đường từ Đà Lạt về Đăk Tô, khi đến điểm sạt lở, ngập nước ở xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông thì không may bị dòng nước cuốn đi. Trường hợp còn lại là Trung úy Phạm Ngọc Hải (SN 1981, trú tại huyện Đăk Tô), công tác tại Đồn Sông Thanh thuộc xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, trong quá trình thực hiện tuần tra tại chốt phòng, chống dịch Covid-19, đi qua đập tràn, không may bị dòng nước cuốn đi.

Tại địa bàn TP Kon Tum, nước ngập sâu hơn 50cm tại phường Lê Lợi; khoảng 50 ha diện tích rau màu, cây ăn quả dọc sông Đăk Bla thuộc thôn Kon Tum Kơ Nâm và thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất bị ngập sâu do nước sông dâng cao. Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập nước, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất tại các xã Đăk Cấm, Đăk Rơ Wa, Chư Hreng…

Tại huyện Kon Plong, khu tái định cư thôn Đăk Tăng (nhóm 59 hộ) bị sạt lở lớn khối lượng đất, đá, tuyến đường TL676 từ thôn Vi Rin vào UBND xã Đăk Tăng có hơn 10 điểm sạt lở đất phía ta-luy âm, dương, các phương tiện không lưu thông được. Cây cối ngã đổ vào đường dây cao thế khu vực xã Đăk Tăng gây mất an toàn cho người dân, ngành điện phải tạm thời ngừng cấp điện bốn xã: Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring và Đăk Nên, đến 15 giờ ngày 11-10 đã mở điện lại.

Tại huyện Đăk Hà, cầu treo dân sinh thôn Đăk Rơ Đương) và thôn Krong Đuân bị cuốn trôi hoàn toàn; cầu Hoàng Nhi vào Thủy điện Đức Nhân bị cuốn trôi một nhịp giữa sông; cầu Đăk Wét giữa xã Đăk Long và Đăk Psi và cầu Đăk Câu, xã Đăk Psi bị ngập sâu, UBND huyện đã cắm biển cảnh báo và cử lực lượng trực hai bên cầu không cho người, phương tiện qua lại nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tại huyện Kon Rẫy, sạt lở mố cầu treo Kon Lung từ Tỉnh lộ 677 qua làng Kon Lung có nguy cơ đứt gãy cầu, gây cô lập người dân trong thôn. Nhiều diện tích lúa, hoa màu, sắn, cà-phê của người dân hai bên bờ sông Đăk A Kôi bị ngập và bồi đắp. Sạt lở tám điểm trên tuyến đường Tỉnh lộ 677.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục những thiệt hại, nhằm bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt cho nhân dân trong vùng; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, triển khai công tác phòng, chống mưa, lũ trên địa bàn theo phương án đã phê duyệt; duy trì chế độ trực phòng, chống thiên tai.

Đồng chí yêu cầu các địa phương thực hiện tốt các chính sách cho người không may bị chết do mưa lũ. Những nơi có nguy cơ sạt lở phải cắm biển báo, cấm người qua lại, nhất là các em học sinh. Những vấn đề liên quan dân sinh thực hiện phương châm bốn tại chỗ, đặt tiêu chí an toàn cho người dân lên trên hết.

PHÚC THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/mua-lu-gay-nhieu-thiet-hai-tai-kon-tum-620072/