Mưa lũ gây ngập lụt, chia cắt nhiều nơi

Đến thời điểm hiện nay, các địa phương vẫn đang phải ứng phó với mưa lũ do bão số 9 gây ra.

Mưa lũ gây ngập lụt ở Phú Yên - Ảnh: ẢNH: ĐỨC HUY

Ngày 26.11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt các huyện. Nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn như H.Đồng Xuân, một số xã của H.Tuy An và TX.Sông Cầu. Nhiều khu dân cư ở xã An Hiệp (H.Tuy An) ngập nặng khiến người dân không thể đi lại. Nặng nhất là tại thôn Mỹ Phú 2, nước lũ dâng cao đến nửa nhà. Trạm y tế xã An Hiệp bị ngập sâu trong nước.

Do lũ đổ về quá nhanh nên nhiều hộ gia đình mới chỉ kịp chạy thoát ra ngoài chứ chưa di dời được tài sản. Vợ chồng ông Lương Tấn Tâm và bà Phạm Thị Ngọc Kha (ở xã Hòa Bình, H.Tây Hòa) chở nhau trên xe máy, khi đi qua cống Hoa Ly trên QL1 thuộc thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, H.Tuy An, đã bị nước chảy xiết làm ngã xe. Rất may, người dân và chính quyền địa phương kịp thời cứu 2 vợ chồng, còn chiếc xe bị nước lũ cuốn trôi.

Cứu 5 ngư dân trên biển

Lúc 8 giờ 15 ngày 26.11, tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đã đưa 5 ngư dân ở TP.Vũng Tàu vào bờ an toàn. Khoảng 15 giờ ngày 25.11, khi thấy sóng lớn liên tục đánh vào 4 ghe cá đang neo đậu để tránh bão ở Bãi Trước (TP.Vũng Tàu), 5 ngư dân này đã lên 1 thúng máy chạy ra ứng cứu không cho ghe chìm. Tuy nhiên, khi các ngư dân lên được ghe để bơm nước chống tràn thì thúng máy bị sóng đánh chìm. Đến 19 giờ cùng ngày, nhận thông tin vụ việc, tàu SAR 413 đang ứng trực bão số 9 tại khu vực Sao Mai - Bến Đình được điều đến cứu các ngư dân, đưa vào bờ. ( Nguyễn Long)

Tại huyện miền núi Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ lên nhanh gây ngập sâu 3 tuyến đường chính về trung tâm TT.La Hai là QL19C, ĐT641 và đường đi H.Vân Canh (Bình Định), chia cắt hoàn toàn H.Đồng Xuân.

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ, Sở đã có công văn chỉ đạo các trường chủ động cho học sinh nghỉ học khi thấy không an toàn và bố trí thời gian dạy bù cho phù hợp với chương trình.

Tối 26.11, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), nhiều tràn giao thông tại các phường Trần Quang Diệu, Nhơn Phú, Nhơn Bình và xã Phước Mỹ ngập cục bộ từ 0,2 - 0,5 m. Trong khi đó, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đều dưới mức báo động 1, riêng mực nước sông Hà Thanh tại trạm Diêu Trì (H.Tuy Phước) đã dưới mức báo động 3 khoảng 0,35 m. Tuy nhiên, Đài khí tượng thủy văn Bình Định cảnh báo từ nay đến ngày 28.11 khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng phổ biến từ 100 - 200 mm nên lũ trên các sông khả năng sẽ dâng cao hơn.

Sạt lở đường Nha Trang - Đà Lạt

Chiều 26.11, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Cục QLĐB III, Tổng cục Đường bộ VN), cho biết mưa lớn những ngày qua khiến dọc tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Ước tính có khoảng 16.000 m3 đất, đá sạt lở, tràn xuống đường, gây ách tắc giao thông. Các nhà thầu đã có mặt nỗ lực khắc phục, dự kiến từ 9 giờ sáng hôm nay (27.11), các phương tiện có thể lưu thông trên tuyến đường này.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết mưa lũ cũng khiến tỉnh lộ 9 nối TP.Cam Ranh đi huyện miền núi Khánh Sơn hư hỏng nghiêm trọng. Tại Km 28+700 có điểm sạt lở ta luy âm rất sâu, 2/3 đường bị cuốn trôi nên ô tô không thể lưu thông. Do thời tiết xấu nên ngày 27.11, lực lượng chức năng mới có thể khắc phục vị trí này.

Trong khi đó, tại H.Đức Trọng (Lâm Đồng), lũ xuất hiện trên thượng nguồn sông Đa Quyn làm ngập cầu số 7, K62, K65 (xã Đa Quyn), chia cắt 3 thôn Ma Kia, Ma Póh và Cha Răng Hao. Ngoài ra cầu Bà Trung (xã Tà Năng) bị nước ngập sâu hơn 1,5 m, cầu Bà Bống (xã Đà Loan) nước ngập sâu 1,2 m chia cắt đường giao thông 729 không đi vào được xã Tà Năng và các đường liên thôn. Còn tại H.Đơn Dương, cầu Ông Thiều (nối từ TT.Thạnh Mỹ qua xã Tu Tra) nước dâng cao ngập quá mặt cầu hơn 1 m nên suốt 2 ngày qua dân quân, công an xã Tu Tra và TT.Thạnh Mỹ phải túc trực hai đầu cầu 24/24 để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện…

[FLYCAM] Sài Gòn từ trên cao trong trận ngập lịch sử vì bão số 9

Hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng

Báo cáo của BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho biết trên địa bàn có 4.220 ha cây màu bị ngập úng; nhiều công trình nhà ở, giao thông, thủy lợi, trường học... bị hư hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 150 tỉ đồng. Hơn 200 lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp (từ 8 - 10 tháng tuổi) của 61 hộ ở khu vực vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải) bị thiệt hại ước khoảng 12 tỉ đồng do tôm, cá chết vì “sốc lũ”.

Ở Bình Thuận, chỉ riêng H.Bắc Bình có hơn 4.150 ha cây trồng, trong đó 1.208 ha thanh long và 435 căn nhà bị ngập sâu trong lũ. Huyện phải huy động các lực lượng tại chỗ di dời 394 hộ dân/1.049 người ra khỏi vùng ngập nặng. Mưa lũ cuốn trôi cầu Lệ Ngân, sập hàng rào Trường tiểu học Phan Hòa 1; QL1 đoạn cầu Nam xã Phan Rí Thành giáp ranh với H.Tuy Phong ngập sâu... Đáng lưu ý, trưa qua hồ Sông Quao xả lũ đạt 170 m3/giây khiến hạ du thuộc các xã Hàm Trí, Hàm Chính, Hàm Đức (H.Hàm Thuận Bắc) bị ngập hàng chục héc ta thanh long của dân. Các hồ thủy lợi như Sông Quao, Cà Giây, Ba Bàu, Cẩm Hang đều vượt công suất thiết kế và đang được điều tiết qua cửa xả.

Ước tính có hơn 12.000 hộ dân ở Bình Dương bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó 1 người bị nước cuốn mất tích. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị tê liệt, tắc nghẽn nhiều giờ, QL13 bị ngập nặng nề nhất với trên 8 điểm ngập, nhiều phương tiện tham gia giao thông ngập trong nước, làm chết máy và 1 ô tô bị nước cuốn trôi. Còn tại Tây Ninh, mưa lớn trong đêm 25 và sáng 26.11 làm 2 người bị thương, 60 căn nhà bị ngập, 11.846,8 ha hoa màu, lúa bị ngập nước và 6.000 cây trồng bị ngã đổ…

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở nam Trung bộ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 9 nên các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đến hết ngày 27.11 với lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa từ 40 - 70 mm/ngày; Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên có mưa từ 80 - 120 mm/ngày; ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa từ 100 - 150 mm/ngày.

Trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông chính phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2, các sông nhỏ lên trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và bắc Phú Yên. (Phan Hậu)

Thanh Niên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/mua-lu-gay-ngap-lut-chia-cat-nhieu-noi-1027432.html