Mưa lũ dồn dập làm 3 người chết, hàng nghìn hộ dân bị cô lập

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã có mưa to đến rất to gây ngập lụt nghiêm trọng. Hàng nghìn hộ dân bị cô lập. Tại miền Trung, thủy điện ồ ạt xả lũ khiến người dân nháo nhào.

Theo dõi chặt chẽ mưa lũ

Sáng nay, 31-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương ứng phó với lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long và mưa lũ tại Bắc Bộ.

Theo công điện, mực nước sông Cửu Long đang tiếp tục lên. Mực nước cao nhất ngày 30-8 trên sông Tiền (Tân Châu) dưới báo động 2 là 0,02 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc trên BĐ2 là 0,05m.

Dự báo ngày 5-9, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc và đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức BĐ2-3, có nơi trên BĐ3. Vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An có nguy cơ xảy ra ngập lụt.

Nhiều địa phương ở Hòa Bình chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ

Trong khi đó, ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trải qua đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến 150-250 mm, có nơi gần 600 mm. Các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa có lũ lớn tương đương trận lũ lịch sử năm 2007, ngâp lụt cục bộ và thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

“Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long về sớm so với mọi năm và lớn nhất từ năm 2014 đến nay. Mưa lớn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ kéo dài nhiều ngày, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất”, công điện nêu rõ.

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó.

Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất.

Giao thông tại nhiều địa phương đang bị ách tắc do sạt lở

Với các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Thủ tướng đề nghị thực hiện nghiêm túc công tác phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó, cần khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ.

Bác tin đồn vỡ thủy điện Trung Sơn, Bản Vẽ

Trong khi đó, do thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, Nghệ An đã xả lũ tối đa nên đã xuất hiện tin đồn làn truyền võ đập trên mạng xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Tương Dương, Nghệ An đã bác bỏ thông tin này.

Sáng 31-8, mực nước hồ Thủy điện Bản Vẽ là 200m, lưu lượng về hồ là 3.844m3/s, lưu lượng xả qua công trình: 3844m3/s, cao nhất từ khi công trình thủy điện Bản Vẽ đi vào hoạt động từ trước đến nay.

Tương tự, thủy điện Trung Sơn, Thanh Hóa cũng đang xả lũ với mức 1.800m3/s và một số người sử dụng mạng xã hội đã tung tin đồn vỡ đập làm người dân ở khu vực xung quanh thủy điện hoang mang. Tuy vậy, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa sáng 31-8 đã bác bỏ thông tin không chính xác này.

Cũng trong sáng 31-8, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đã chính thức xả lũ tại đập Tha La và đập Trà Sư (huyện Tịnh Biên). Vào thời điểm xả, mực nước trên đập trạm ngưỡng 4 m, cao hơn 20cm so chiều cao đập. Sau khi xả đập, nội đồng trên địa bàn An Giang mực nước sẽ lên từ 30 -35 cm, còn khu vực Kiên Giang và Cần Thơ sẽ cao lên khoảng 20 cm.

3 người chết, nhiều địa phương cô lập

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 31-8, mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc đã làm 3 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng nặng. Đặc biệt, giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng.

Đến chiều 31-8, QL6 qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã được khắc phục, thông xe bước đầu; các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên về cơ bản đã được thông xe; Quốc lộ 37 qua địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đang được xử lý, dự kiến 9h30/31/8 sẽ được thông xe; Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được.

Còn trên địa bàn tỉnh Sơn La, ba trường học gồm THCS Nà Ớt, Tiểu học, THCS Tà Hộc bị nước lũ tràn ngập toàn bộ. Hiện nay, ba xã Nà Ớt, Tà Hộc, Phiêng Pằn bị cô lập do đường ngập.

Các tuyến tỉnh lộ 110 từ thị trấn Hát Lót vào Nà Bó, Tà Hộc và tỉnh lộ 113 từ Cò Nòi đi Chiềng Lương, Phiêng Pằn, Nà Ớt nhiều đoạn bị sạt lở gây ách tắc đến nay vẫn chưa thông tuyến. Hai cầu treo của xã Hát Lót bị nước lũ cuốn trôi.

Hạ Quỳnh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/mua-lu-don-dap-lam-3-nguoi-chet-hang-nghin-ho-dan-bi-co-lap/780364.antd