Mưa, lũ còn diễn biến phức tạp tại Trung Bộ và Tây Nguyên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 2-11, trên khu vực giữa Biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp. Hồi 13 giờ ngày 2-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,0 - 12,0 độ vĩ bắc; 115,0 - 116,0 độ kinh đông.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 2-11, trên khu vực giữa Biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp. Hồi 13 giờ ngày 2-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,0 - 12,0 độ vĩ bắc; 115,0 - 116,0 độ kinh đông.

Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp hầu như ít dịch chuyển và có khả năng mạnh thêm. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, vùng áp thấp có khả năng cao mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trong đêm 2 và ngày 3-11, ở khu vực giữa và nam Biển Đông có mưa rào và dông, có khả năng xảy ra gió giật mạnh cấp 6-7. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2 - 3m; biển động.

* Để chủ động ứng phó vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lũ diện rộng tại các tỉnh Trung Bộ, tối 2-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có thông báo, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo và diễn biến của vùng áp thấp, thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ tàu, thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; chủ lồng bè và cơ sở nuôi trồng thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; khẩn trương khắc phục các công trình bị sự cố, hư hỏng do bão số 5, kiểm tra, rà soát phương án sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân; tăng cường bảo đảm an toàn hồ chứa, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và điều tiết mực nước hồ hợp lý, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du...

* Liên tiếp hai ngày qua, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa tính đến ngày 2-11): ở Huế là 39 mm, Đà Nẵng 160 mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 86 mm, Quảng Ngãi 19 mm,… Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, ngày 2-11, mưa đã hết. Tuy nhiên, dự báo từ ngày 3-11, mưa lớn xuất hiện trở lại ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận.

* Theo Tổng cục PCTT, đến ngày 2-11, tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn 13 hồ xả điều tiết qua tràn là Đăk Srông, Đăk Srông 2, Đăk Srông 2A, Đăk Srông 3A, Đăk Srông 3B, Đrây Hlinh 1, Đăk Psi 2b, Đăk Pi Hao 2, Ia Đrăng, Vĩnh Sơn 5, Za Hưng, Sông Bung 6 và A Lưới. Do lũ các sông đã rút, lượng mưa giảm nên các hồ đang giảm dần lượng xả tràn.

* Tại tỉnh Quảng Nam, đêm và sáng 2-11 có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại một số trạm như Thăng Bình là 93,4 mm, Quế Sơn là 85,0 mm, Bình Phú là 81,4 mm… Mưa lớn còn tiếp tục, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các huyện Nông Sơn, Thăng Bình, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ.

* Do ảnh hưởng của bão số 5 kết hợp mưa lớn, triều cường dâng cao, khiến bờ biển Cửa Lở, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam) sạt lở nặng. Tình trang sạt lở cũng khiến hàng trăm cây dương liễu khu vực này gãy đổ. UBND xã Tam Hải cho biết, trong đợt mưa này bờ biển Cửa Lở bị sạt lở khoảng 1 km, điểm sạt lở chỉ còn cách khu dân cư thôn Bình Trung khoảng hơn 200 m.

* Ngày 2-11, sau trận mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Đà Nẵng và nhiều quận, huyện bị ngập nặng, nhiều tuyến đường ở các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà ngập sâu. Mưa lớn kéo dài cùng với triều cường đã đẩy một lượng rác thải lớn lên bờ biển Đà Nẵng. Sáng 2-11, các công nhân dọn vệ sinh môi trường của quận Sơn Trà đã ra quân thu gom rác thải trên biển.

* Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Phú Yên vừa có thông báo khẩn gửi các địa phương dọc sông Ba và các đơn vị liên quan về việc xả nước điều tiết qua tràn lần đầu hồ chứa thủy điện sông Ba Hạ. Theo đó, từ 16 giờ 30 phút ngày 1-11, Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ xả nước qua tràn với tổng lưu lượng nước về hạ du là 500 m3/giây, sau đó tăng dần lưu lượng xả theo lưu lượng nước về hồ.

* Đến 12 giờ ngày 2-11, toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Định bị thiệt hại do bão số 5 đã được khôi phục hoàn toàn, bảo đảm cung cấp điện trở lại phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh an toàn. Ngành điện tỉnh đã huy động gần 100 cán bộ, công nhân viên khẩn trương dựng lại 28 cột điện cao thế bị gãy đổ, khôi phục các trạm biến áp với tinh thần khẩn trương nhất, nhằm cung cấp điện cho các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội.

* Bão số 5 đổ bộ vào Bình Định đã quật đổ hơn 1.870 cây xanh; 140 chậu hoa giấy; gãy 20 trụ điện; 105 trụ đèn trang trí các loại trên địa bàn TP Quy Nhơn. Công ty CP Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã huy động hàng trăm công nhân làm việc xuyên đêm, đến ngày 2-11 khắc phục được 40% cây xanh bị ngã đổ.

* Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, chiều 1-11, tàu cứu nạn BP 09.19.01 đã cứu hộ sà-lan Bình Phương 12 bị lũ cuốn, trôi dạt tự do và chìm hơn 2/3 thân trên vùng biển Quảng Ngãi. Hiện sà-lan đã được đưa vào cửa biển Mỹ Á (huyện Đức Phổ) và bàn giao cho chủ sở hữu.

Nâng cao năng lực đối phó sóng thần tại Việt Nam

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa phối hợp Tổng cục PCTT tổ chức Hội thảo “Tăng cường đối tác, nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó sóng thần tại Việt Nam” tại tỉnh Quảng Nam. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình sáng kiến dự phòng và ứng phó sóng thần cấp khu vực của UNDP tại 18 quốc gia châu Á do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Tại Việt Nam, từ năm 2017, Tổng cục PCTT phối hợp các địa phương đã xây dựng và tổ chức chiến dịch truyền thông về an toàn trước nguy cơ của sóng thần. Sóng thần là một trong 21 loại hình thiên tai duy nhất chưa xảy ra tại Việt Nam cho đến nay, tuy nhiên, khi xảy ra có thể gây thiệt hại rất lớn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42118602-mua-lu-con-dien-bien-phuc-tap-tai-trung-bo-va-tay-nguyen.html