Mưa lớn vẫn không cứu được rừng nước Úc

Ngày 13/1, nhiều vùng bị cháy rừng ở Úc đã đón những trận mưa và giúp nhiệt độ hạ xuống. Tuy nhiên, giới chức nước này cảnh báo rằng các đám cháy lớn vẫn có khả năng tiếp tục bùng lên trong những ngày tới.

Một phụ nữ bế con gái trên xe bus chạy trốn khỏi đám cháy ở Nethercote. Ảnh: Guardian.

Một phụ nữ bế con gái trên xe bus chạy trốn khỏi đám cháy ở Nethercote. Ảnh: Guardian.

Cụ thể, trong các ngày 12 và 13/1, khu vực bờ biển Đông Úc - từ Sydney đến Melbourne - đã xuất hiện những trận mưa lớn. Các trận mưa xối xả cũng xuất hiện ở một số vùng của bang New South Wales (NSW). Giới chức địa phương cho biết những cơn mưa là “vị cứu tinh” cho lính cứu hỏa và những khu vực bị thiệt hại do cháy rừng. Tuy nhiên, họ đã đưa ra cảnh báo rằng nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao vào thứ Năm và các đám cháy ở Victoria và NSW có thể lại hợp nhất, tạo nên những đám cháy khổng lồ, dữ dội.

Ông Gladys Berejiklian - Thủ hiến bang NSW, phát biểu vào sáng 13/1: “Đây chưa phải lúc để vui mừng khi có tới hơn 130 đám cháy bùng lên trên cả bang. Những gì diễn ra chỉ là sự hồi phục, điều có thể đảm bảo là người dân đã di dời đến nơi an toàn”.

Tuy nhiên, dù đã tạm thời giảm nhiệt, nhưng khói từ cháy rừng vẫn ở mức rất cao và nguy hiểm. Bảo tàng Quốc gia Úc vẫn đóng cửa để “giảm thiểu mọi rủi ro cho người dân, nhân viên và các tác phẩm nghệ thuật.” Đại học Quốc gia Australia (ANU) cũng tạm ngừng hoạt động. Trên thực tế, Cục Khí tượng bang Victoria vẫn cảnh báo, tầm nhìn ở một số nơi của thành phố Melbourne và khu vực lân cận hiện vẫn chưa tới 1km.

Tuần qua được coi là là quãng thời gian tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng cháy rừng tại Úc, với hàng nghìn khu vực bị thiêu rụi. Những khu phố và thành phố lớn đều chìm trong hiện tượng “bầu trời đỏ”, ngập trong khói bụi khiến không khí trở nên ngột ngạt. Cho dù nỗ lực dập các đám cháy, nhưng người ta vẫn lo ngại không biết bao giờ cháy rừng bùng phát trở lại.

Bùng lên từ cuối tháng 7 năm 2019 và được coi là chính thức lây lan trên phạm vi rộng là từ ngày 28/12/2019, cháy rừng ở Úc đã tàn phá 3 tiểu bang, khiến 26 người thiệt mạng và phá hủy gần 2.000 ngôi nhà, giết chết gần 1 tỉ động vật, trong đó có nhiều loài được coi là đã tuyệt diệt.

New South Wales và Victoria được xác định bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngọn lửa đã xé nát vùng rừng rậm và nhiều công viên quốc gia tại hai tiểu bang này. 2 thành phố lớn nhất của Úc là Melbourne và Sydney cũng bị ảnh hưởng. Tại đó, đám cháy đã làm hư hại không ít ngôi nhà ở vùng ngoại ô và những đám khói dày khiến tầm nhìn bị che phủ ở trung tâm thành phố. Khói mù ở Sydney tệ đến nỗi chất lượng không khí đo được cao gấp 11 lần mức nguy hại. Các đám cháy có phạm vi từ khu vực nhỏ như tòa nhà biệt lập hay một phần của khu phố cho đến những “địa ngục lửa” khổng lồ nuốt trọn hàng triệu hecta đất.

Đáng lo ngại là các đám cháy đã “xích lại gần nhau”, tạo thành những “hỏa ngục” mà sự tàn phá vô cùng lớn; khiến cho việc dập lửa hầu như vô vọng. Người dân trong các khu vực cháy rừng đã buộc phải dời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, bỏ công việc đem theo con cái di tản sang những vùng khác. Theo Reuters, giới chuyên gia môi trường và xã hội Úc cho rằng, tối thiểu 10 năm nữa người dân mới có thể ổn định cuộc sống.

Tới thời điểm này, người ta nói nhiều về nguyên nhân các vụ cháy rừng. Phải chăng do biến đổi khí hậu khiến nền nhiệt tăng cao? Đúng, nhưng đó cũng chỉ là một trong những nguyên nhân và cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp. Vậy thì nguyên nhân chính là gì? Những chuyên gia thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường cho rằng, chính quyền đã không chủ động các phương tiện chữa cháy ở mức cần thiết; đồng thời cũng không dự báo được tình hình.

“Trận mưa các ngày 12 và 13/1 là rất quý giá. Nhưng nếu chỉ trông vào trời mưa để dập tắt “hỏa ngục” thì đó là điều không nên. Vì xong lần này sẽ còn lần khác”- Reuters dẫn lời một thành viên tổ chức bảo vệ môi trường bang Victoria.

Còn nếu nói về nhiệt độ không khí thì chắc chắn các đám cháy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vì thông thường nhiệt độ đạt đỉnh vào tháng 1 và tháng 2, đồng nghĩa với việc sẽ phải mất hàng tháng nữa tình trạng cháy rừng mới dịu bớt.

Ngọc Mai
(Nguồn: Reuters, South Wales New)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/mua-lon-van-khong-cuu-duoc-rung-nuoc-uc-tintuc456881