Mưa lớn gây thiệt hại tại Sơn La, Bến Tre

Rạng sáng 11-5, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra mưa to cục bộ, khiến sáu vị trí trên quốc lộ 37 từ TP Sơn La đi các huyện Bắc Yên, Phù Yên bị sạt lở; gây tắc đường ở một số vị trí thuộc các xã Song Pe, Tạ Khoa và Mường Khoa. Tổng lượng đất đá, sa bồi, sụt sạt tại các vị trí này khoảng 4.000 m3.

Công ty cổ phần Quản lý, sửa chữa và Xây dựng công trình Giao thông II Sơn La, huy động máy móc thu dọn đất, đá trên tuyến quốc lộ 37 từ TP Sơn La đi các huyện Bắc Yên, Phù Yên. Ảnh: THU THÙY

Công ty cổ phần Quản lý, sửa chữa và Xây dựng công trình Giao thông II Sơn La, huy động máy móc thu dọn đất, đá trên tuyến quốc lộ 37 từ TP Sơn La đi các huyện Bắc Yên, Phù Yên. Ảnh: THU THÙY

Công ty CP Quản lý, sửa chữa và Xây dựng công trình giao thông II Sơn La đã huy động máy móc, nhân lực tập trung dọn khối đất đá, sa bồi, đến trưa cùng ngày, quốc lộ 37 đã thông tuyến.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bến Tre cho biết, tại hai huyện Thạnh Phú và Ba Tri đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông lốc làm 22 nhà bị sập, 118 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Chính quyền hai huyện đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có thiệt hại về người và huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

Những ngày qua, tại tỉnh Kiên Giang xuất hiện nhiều cơn mưa lớn chuyển mùa làm giảm nguy cơ cháy rừng ở các lâm phần vùng U Minh Thượng, Hòn Ðất, Giang Thành, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc… Mưa lớn kéo dài đã bổ sung nguồn nước đáng kể cho các lâm phần, tăng độ ẩm trong rừng, lớp thực bì trên mặt đất ẩm ướt, giảm nguy cơ cháy rừng.

Ngày 11-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2019. Vụ đông xuân vừa qua, tỉnh đạt tổng sản lượng lương thực có hạt 178.739 tấn, trong đó sản lượng lúa đạt 107.583 tấn. Vụ hè thu năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng lương thực có hạt đạt 131.960 tấn.

Ngày 11-5, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2019. Năm nay, tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí, sửa chữa nâng cấp bốn công trình nước sạch ở các vùng nhiễm phèn, tăng thêm 4.000 hộ dân được dùng nguồn nước hợp vệ sinh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Sở NN và PTNT tỉnh Long An cho biết, do nắng hạn, nhiệt độ cao, khả năng cuối vụ, lượng mưa sẽ tăng và dồn dập là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh như: rầy nâu, rệp gié... gây hại lúa hè thu. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung từ ngày 13-5 đến 20-6, kiên quyết không xuống giống khi mùa mưa chưa bắt đầu, nhằm tránh thiệt hại.

Sau khi lây nhiễm vào tỉnh Ðồng Nai, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại tỉnh Bình Phước. Ngày 11-5, UBND huyện Ðồng Phú (Bình Phước) cho biết, huyện đã chính thức công bố dịch tại thị trấn Tân Phú và xã Tân Lập. UBND huyện đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động buôn bán, kiểm soát việc vận chuyển lợn và khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch.

Sau khi phát hiện ổ dịch tại huyện Na Rì (Bắc Cạn) vào ngày 8-5, đến nay, DTLCP đã lan ra thêm ở huyện Bạch Thông trên đàn lợn 15 con của hai hộ dân ở thôn Cốc Pái, xã Tân Tiến. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy lợn nhiễm dịch, phun tiêu độc, khử trùng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tỉnh Hà Giang đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn DTLCP. Các sở, ngành trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tại 11 huyện, thành phố; bố trí vật tư, hóa chất cho công tác phun tiêu độc khử trùng; duy trì các chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở những địa bàn giáp ranh.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40157002-mua-lon-gay-thiet-hai-tai-son-la-ben-tre.html