Mưa lớn gây thiệt hại tại nhiều địa phương

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 1 đã đi vào đất liền các tỉnh miền nam Thái-lan. Chiều 5-1, vị trí tâm bão cách tỉnh Phu-khét (Thái-lan) khoảng 260 km về phía tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km từ tâm bão. Trong 24 giờ sau đó, bão số 1 không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Ðây là tin cuối cùng về bão số 1.

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT), do ảnh hưởng của bão số 1 gây mưa lớn kèm theo dông, lốc đã làm hai người mất tích (một người ở Cà Mau, một người ở TP Hồ Chí Minh). Mưa, bão cũng làm 76 nhà bị sập; trong đó, Trà Vinh sập 19 nhà, Kiên Giang hai nhà, Bạc Liêu 54 nhà, Sóc Trăng một nhà; 162 nhà bị tốc mái; sáu tàu chìm; 75 xuồng, ghe và bốn lồng bè chìm; 14.196 ha lúa bị ảnh hưởng; 162 ha hoa màu và 3.969 ha lúa bị thiệt hại. Ðây là cơn bão trái mùa, tuy không đổ bộ trực tiếp vào nước ta nhưng đã gây gió rất mạnh trên biển khu vực đông tàu thuyền hoạt động và đã gây thiệt hại lớn.

Do mưa lớn, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có 365 ha lúa vừa gieo sạ bị ngập úng, chủ yếu là ở các huyện Phú Vang, Quảng Ðiền, thị xã Hương Trà. Các huyện đang huy động trạm bơm điện, kết hợp trạm bơm dầu bớt nước chống úng cho những đồng ruộng bị ảnh hưởng, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả. Ðồng thời lên phương án chuyển đổi sang gieo cấy giống ngắn ngày để bảo đảm lịch thời vụ.

Ðợt mưa lũ bất thường những ngày qua đã làm 5.059 ha lúa vụ đông xuân ở Phú Yên bị thiệt hại hơn 70% và 811,1 ha bị thiệt hại 30 đến 70%. Một số diện tích bị nước cuốn trôi hoàn toàn và khoảng 330 tấn lúa giống đã ngâm ủ phải đổ bỏ vì không thể gieo sạ. Tỉnh đã đề nghị Cục Trồng trọt xem xét, hỗ trợ 120 tấn lúa giống thuần để hỗ trợ nông dân gieo sạ lại.

Tại tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 đã gây mưa lớn làm hơn 620 ha lúa mùa và lúa tôm ngã đổ. Mưa to kèm theo dông lốc làm 10 nhà bị tốc mái, hai nhà bị sập. Sóng to, gió lớn cũng đã nhấn chìm một tàu cá. Cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ cứu vớt sáu thuyền viên trên tàu cá gặp nạn, đưa vào bờ an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Cà Mau có thông báo cho phép tàu cá hoạt động bình thường từ 7 giờ 30 phút ngày 5-1, đồng thời đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng hướng dẫn tàu cá ra biển bảo đảm trật tự, an toàn.

Ngày 5-1, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ 23 giờ ngày 4-1, tất cả các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Bạc Liêu đã có thể ra khơi hoạt động bình thường. Hiện, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh đang yêu cầu các địa phương báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại những ngày qua trên địa bàn do lốc xoáy và ảnh hưởng của bão số 1.

Tại tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra mưa dông, lốc xoáy, làm gần 100 nhà bị hư hỏng, hơn 2.000 ha lúa đông xuân bị đổ ngã; gần 500 ha lúa mới xuống giống ở huyện Mỹ Tú, Châu Thành bị ngập sâu, 20 ha mía bị đổ, 60m bờ bao và đường đai ở các địa bàn Cù Lao Dung, Long Phú, Kế Sách bị sạt lở, hư hại... Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã cứu hộ, cứu nạn thành công 11 thuyền viên trên một tàu hàng gặp nạn trên biển. Trước đó, hồi 11 giờ 20 phút ngày 4-1, Ðồn Biên phòng đảo Cồn nhận được tín hiệu cầu cứu của tàu hàng vận tải Vũ Gia 09, tàu có 11 thuyền viên. Ðến hơn 13 giờ cùng ngày, 11 thuyền viên trên tàu đã được đưa vào đất liền an toàn.

Theo Chi cục Kiểm ngư Vùng 3, sau hai ngày, tàu KN 269 đã đưa tàu cá BL 93222 TS cùng tám thuyền viên cập cảng Côn Ðảo an toàn. Trước đó, ngày 2-1, tàu cá Bạc Liêu số hiệu BL 93222 TS đang đánh bắt ở vùng biển phía nam đã bị hỏng máy trôi dạt cách Côn Ðảo 52 hải lý về phía đông nam. Tàu KN 269 xuất phát đi cứu, kéo tàu cá gặp nạn. Tuy nhiên, do sóng gió to kèm mưa, gió giật mạnh, đến sáng 3-1, tàu KN 269 mới buộc được dây và kéo tàu BL 93222 TS về bờ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường cộng triều cường gây sóng lớn ở khu vực biển Cửa Ðại, TP Hội An (Quảng Nam) làm hàng trăm mét kè mềm bờ biển Cửa Ðại bị sạt lở nặng. Hiện UBND thành phố Hội An giao các ngành chức năng kiểm tra, khảo sát để tính toán phương án xử lý tạm thời. Những năm qua, tuyến kè Cửa Ðại đã được đầu tư hơn 78 tỷ đồng, nhưng tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Ðại chưa chấm dứt.

Hiện TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã cơ bản thống nhất việc xây dựng hai đập điều tiết nước tại sông Quảng Huế và sông Vĩnh Ðiện. Ðây là nguồn cấp nước chính cấp cho 11 nghìn ha lúa, 4.000 ha màu và nước sinh hoạt cho huyện Ðại Lộc, Ðiện Bàn và TP Hội An (Quảng Nam) và cấp nước cho Nhà máy nước cầu Ðỏ công suất 280 nghìn m3/ngày đêm của Ðà Nẵng. Trước nguy cơ nhiễm mặn, thiếu nước gay gắt trong mùa khô năm 2019, ngành nông nghiệp hai địa phương đã đề xuất xây dựng đập Quảng Huế (huyện Ðại Lộc) tăng lưu lượng nước về sông Vu Gia để cấp nước cho Ðà Nẵng; xây dựng cầu kết hợp đập ngăn mặn có van điều tiết trên sông Vĩnh Ðiện (thị xã Ðiện Bàn) để ngăn mặn và cấp nước cho sản xuất khu vực Ðiện Bàn, Hội An.

Năm 2018 có bốn cơn bão đổ bộ trực tiếp vào nước ta

Trong năm 2018 có chín cơn bão, trong đó có năm cơn bão không ảnh hưởng đến đất liền, bốn cơn bão ảnh hưởng đến đất liền, làm 70 người chết, mất tích. Cụ thể, các cơn bão không ảnh hưởng đến đất liền gồm bão số 1, 2, 5, 6, 7: sau khi đi vào Biển Ðông suy yếu và tan dần hoặc đổ bộ vào Trung Quốc. Các cơn bão ảnh hưởng đến đất liền là bão số 3: đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm 35 người chết, mất tích. Bão số 4 đi vào vùng biển Nam Ðịnh - Thanh Hóa, gây mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất làm 13 người chết và mất tích. Bão số 8 cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, gây lũ quét lở đất làm 20 người chết và mất tích. Bão số 9 đổ bộ vào khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre làm hai người chết.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38813802-mua-lon-gay-thiet-hai-tai-nhieu-dia-phuong.html