Mưa lớn gây sạt lở, 13 người chết và mất tích, 44 người bị thương

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, cho nên khu vực Nam Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to và tập trung trong thời gian ngắn. Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), từ tối 17-11 đến ngày 18-11 mưa lớn, sạt lở đất khiến 13 người chết, mất tích và 25 người bị thương.

Nhiều hàng quán bị lốc xoáy giật sập ở Gành Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên).Ảnh: HOÀI NAM

Nhiều hàng quán bị lốc xoáy giật sập ở Gành Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên).Ảnh: HOÀI NAM

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, cho nên khu vực Nam Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to và tập trung trong thời gian ngắn. Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), từ tối 17-11 đến ngày 18-11 mưa lớn, sạt lở đất khiến 13 người chết, mất tích và 25 người bị thương.

Các điểm sạt lở này xảy ra tại các phường Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa và xã Phước Đồng, khiến hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp, đè chết người.

Riêng tại phường Vĩnh Hòa, hồ chứa nước khu đô thị Hoàng Phú bị vỡ. Tại xã Phước Đồng, vụ sạt lở đất phía sau chùa Lâm Tỳ Ni khiến nhiều người chết và bị thương. Trong ngày 18-11, TP Nha Trang đã huy động 400 cán bộ, chiến sĩ cùng các ngành chức năng của tỉnh và thành phố triển khai công tác ứng cứu tại các điểm sạt lở, tìm kiếm người bị vùi lấp, mất tích và đưa người bị thương đi cấp cứu. Đồng thời di dời khẩn cấp 250 hộ với 1.400 nhân khẩu tại khu vực chùa Lâm Tỳ Ni đến nơi an toàn tránh trú.

UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo TP Nha Trang cần rà soát, di dời toàn bộ các hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn tránh trú; tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ứng cứu cho người dân vùng bị nạn; sớm triển khai thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các gia đình có người chết hoặc mất tích, những người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, cần sớm tiến hành thống kê thiệt hại của dân để việc hỗ trợ của Nhà nước được bảo đảm kịp thời, công bằng và chính xác.

Ngày 18-11, quốc lộ 1 bị tê liệt tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) do nước ngập sâu. Có chỗ ngập tới hơn 1m, giao thông ách tắc, nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 1 ở TP Nha Trang cũng bị ngập nặng. Tại khu vực xã Vĩnh Phương và Vĩnh Lương xuất hiện các điểm sụt trượt lớn, khiến giao thông bị chia cắt. Mặt đường bê-tông nhựa bị bong tróc, hư hỏng; trôi dải phân cách giữa; hư hỏng lề đường, mái ta-luy; mặt đường bị ngập nặng; đất đá, cây cối sạt lở tràn xuống mặt đường gây tắc nghẽn giao thông. Tại quốc lộ 27C (Sơn Thái, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) cũng xảy ra tình trạng đất, đá sạt lở và rơi từ ta-luy dương xuống, làm lấp rãnh dọc và mặt đường.

Để điều tiết hồ chứa nước Suối Dầu thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa đã xả lũ ngay từ 13 giờ ngày 18-11 đến hết ngày 23-11, với lưu lượng tối đa ban ngày 200 m3/giây và 70 m3/giây vào ban đêm. Theo đó, vùng hạ lưu là các huyện Cam Lâm, Diên Khánh và TP Nha Trang cần có biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn.

Ngày 18-11, lốc xoáy xảy ra tại khu vực danh thắng gành Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên) khiến 19 người bị thương và 45 nhà dân bị tốc mái. Mưa lớn cũng gây chia cắt nhiều khu vực thuộc các huyện Tuy An, Đồng Xuân và Tây Hòa. Tại huyện miền núi Đồng Xuân, mưa lớn đã gây ngập cầu suối Trầu cũ thuộc xã Xuân Phước, chia cắt hoàn toàn với hai xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ. Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh, huyện Tuy An và xã An Ninh Đông đã có mặt kịp thời để chỉ đạo khắc phục. Đồng thời huy động lực lượng ứng cứu, giúp nhân dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa, lều quán; thăm hỏi động viên những người bị thương.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tại tỉnh Ninh Thuận có mưa khiến mực nước trên các sông đang lên. Mực nước trên sông Cái Phan Rang tại trạm thủy văn Tân Mỹ là 34.08m, dưới mức báo động (BĐ) 1 là 1,42 m; tại trạm Phan Rang đo được là 0,37 m, dưới mức BĐ 1 là 2,13 m. Mưa lớn làm một số vùng nông thôn đã xảy ra ngập cục bộ. Hiện nay, các hồ Trà Co, Cho Mo đã mở từ hai đến ba van xả lũ từ 3,88 đến 75,71 m3/giây; các hồ Phước Trung, Núi Một xả tràn tự do 0,87 đến 4,07 m3/ giây.

Do hoàn lưu của ATNĐ sẽ có khả năng gây mưa to, đến rất to, trên các sông sẽ xuất hiện lũ, tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch tại các khu vực ven biển; đồng thời, rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường ảnh hưởng, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở.

Tại TP Cần Thơ, mưa lớn khiến bảy cây xanh bật gốc, bốn cột đèn trên cầu Hưng Lợi bị ngã đổ. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm hai nhà dân bị tốc mái, chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ khắc phục sự cố.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 19 giờ ngày 18-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,3 đến 11,3 độ vĩ bắc; 107,5 đến 108,5 độ kinh đông, trên đất liền tỉnh Bình Thuận. Sau đó, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km tiếp tục suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, các tỉnh Nam Bộ hôm nay (19-11) có mưa vừa, mưa to và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 8.

Nhằm ứng phó với mưa, lũ lớn, ngày 18-11, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Công điện số 57/CĐ-TW điện các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, ven sông, suối để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, nhất là khu vực đang có mưa lớn, sạt lở đất. Duy trì lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu. Riêng tỉnh Khánh Hòa huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị nạn, cứu chữa người bị thương; khắc phục khẩn trương các điểm sạt lở, ngập úng để sớm ổn định đời sống nhân dân.

Không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Từ ngày 19-11, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 19 đến 22oC, vùng núi chuyển rét với nhiệt độ từ 15 đến 17oC.

Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông 2018 - 2019 có thể xảy ra vào khoảng nửa cuối tháng 12 với nhiệt độ trung bình xuống dưới 15oC.

Ngày 18-11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, một chuyến bay quốc tế của Hãng hàng không VietJet Air đến Nha Trang (Khánh Hòa) phải chuyển hướng hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi thời tiết tốt hơn, chuyến bay đã cất cánh về lại Nha Trang lúc 12 giờ 10 phút và hạ cánh lúc 13 giờ. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác đi và đến Nha Trang cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Các hãng hàng không cũng khuyến cáo hành khách lựa chọn tuyến đường tránh các điểm ngập úng, sạt lở, sắp xếp thời gian di chuyển để không bị lỡ chuyến bay.

Trong khi đó, thông tin từ ngành đường sắt cho biết, một số đoạn tuyến đường sắt thuộc khu gian Nha Trang - Lương Sơn đang bị ngập nặng khiến cho tàu SE7 không thể vào ga Nha Trang. Ngày 18-11, tàu SE7 phải nằm chờ tại ga Lương Sơn, đợi sau khi nước rút, bảo đảm an toàn mới cho tàu tiếp tục hành trình.

Hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, chiều 18-11, hai chuyến bay BL245 (Hà Nội - Đà Lạt) và BL424 (TP Hồ Chí Minh - Buôn Ma Thuột) đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) do ảnh hưởng thời tiết xấu ở khu vực sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Liên Khương. Jetstar Pacific cũng phải ngừng khai thác các chuyến bay BL425 (Buôn Ma Thuột - TP Hồ Chí Minh) và BL244 (Đà Lạt - Hà Nội).

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8. Theo đó, do ảnh hưởng của bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ngày 18-11 tại các tỉnh Nam Trung Bộ xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.

Theo dự báo, trong những ngày tới, mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ; kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu…

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay có một ATNĐ đang hoạt động ngoài khơi Phi-li-pin. Dự báo khoảng đêm 21 và sáng 22-11, ATNĐ sẽ vượt qua đảo Palawan (Phi-li-pin) và đi vào phía nam Biển Đông. Khi ATNĐ đi vào có thể đạt cường độ cấp bão và không loại trừ sẽ xuất hiện cơn bão số 9 trên Biển Đông, cường độ gió có thể đạt khoảng cấp 9, cấp 10.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38285702-mua-lon-gay-sat-lo-13-nguoi-chet-va-mat-tich-44-nguoi-bi-thuong.html