Mùa lễ hội năm 2018: Sẽ xử lý quyết liệt các địa phương để xẩy ra 'vấn đề nóng'

Nhiều vấn đề nổi cộm khiến dư luận bức xúc về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017 sẽ được giải quyết triệt để và không còn để xảy ra trong mùa lễ hội năm 2018.

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kì tháng 1 năm 2018 ngày 2/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về những điểm mới trong công tác quản lý lễ hội năm 2018, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các vấn đề nổi cộm khiến dư luận bức xúc về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017 sẽ được giải quyết triệt để.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo các địa phương trong việc tổ chức lễ hội năm 2018. Đặc biệt, với những địa phương để xảy ra tình trạng quản lý lễ hội lỏng lẻo, gây bức xúc dư luận với những vấn đề nổi cộm trong năm 2017 sẽ phải kí biên bản cam kết và có báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về công tác tổ chức trong tháng 2 năm 2018.

“Từ đầu năm 2018 trước những vấn đề nổi cộm bức xúc năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo đến các địa phương về các vấn đề an ninh trật tự, môi trường, đổi tiền lẻ, an toàn giao thông… Bộ đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt giải quyết triệt để các vấn đề nổi cộm xảy ra năm 2017 đã khiến người dân bức xúc”, bà Thủy nói.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ngồi giữa) tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kì.

Bà Thủy cho biết, cũng trong ngày 2/2/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018. Tại hội nghị, điểm mới trong công tác quản lý lễ hội năm 2018 là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ bắt buộc các địa phương để xảy ra tình trạng nổi cộm về tổ chức lễ hội khiến nhân dân bức xúc như Yên Bái, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh… phải có báo cáo và cam kết trực tiếp xử lý dứt điểmvà không còn để diễn ra tình trạng trên. Cùng với đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra để nắm bắt tình hình và quản lý lê hội. Bộ cũng đã trình chính phủ công tác quản lý về lễ hội trong tháng 2 năm 2018.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ. Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn.

Lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu; 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm trâu...

Sự cố phát lộc phản cảm ở Chùa Hương không nằm trong kế hoạch của BTC Lễ hội Chùa Hương (Ảnh: Zing).

Tuy nhiên, mùa lễ hội 2017 vẫn xảy ra một số hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà các địa phương phải kiên quyết có phương án giải quyết, không để tái diễn ở mùa lễ hội năm 2018. Đó là hình ảnh chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại hội Lim (Bắc Ninh).

Tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã để xảy ra tai nạn chết người khi tổ chức tại vòng đấu loại. Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Cái Lân (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh); đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Đền Cô Bơ (Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa; Đền Bảo Hà (Lào Cai); Đền Sượt (Hải Dương)...

Một số di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; Nâng vé gửi xe không đúng quy định, còn hoạt động xóc thẻ, tán thẻ (Lễ hội đền Bia, Cẩm Giàng, Hải Dương). Công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời, hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều lễ hội.

Đó là những vấn đề được dư luận quan tâm, và ngành văn hóa đang nỗ lực để có những giải pháp kịp thời để từng bước đưa hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Bên cạnh các giải pháp tổng thể của các ngành chức năng, người dân cũng cần có ý thức và trách nhiệm tốt hơn đối với các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, bảo đảm giữ vững kỹ cương, mỹ quan và trật tự an toàn xã hội.

Phương Nam

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhung-van-de-noi-com-mua-le-hoi-nam-2018-se-duoc-giai-quyet-triet-de-d138148.html