Mùa lễ hội 2019: Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp

Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 do Bộ VHTT&DL tổ chức, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ.

Năm 2018 vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội

Năm 2018 vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội

Nhiều lễ hội dân gian có quy mô lớn như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Phủ Dày (Nam Định), bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Núi Bà Đen (Tây Ninh)... được đầu tư tổ chức công phu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí tưng bừng của phần hội.

Đặc biệt, nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm khôi phục và tổ chức. Năm 2018, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ghi danh 17 lễ hội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (trong đó có ba lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số).

Tuy nhiên công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 còn một số hạn chế, như vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội. Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Vẫn còn hiện tượng khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.

Tại hội nghị, bà Hương đã điểm lại một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội.

Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời...

Chuẩn bị bước vào mùa lễ hội năm 2019, Bộ yêu cầu ngành văn hóa các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng nhân dân.

Quản lý chặt chẽ việc thông báo và đăng ký tổ chức lễ hội trên địa bàn. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.

Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Kiên quyết không cho phép tổ chức lễ hội có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực.

Định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội. Vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Tố Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/mua-le-hoi-2019-bao-ton-co-chon-loc-nhung-phong-tuc-tap-quan-tot-dep-437338.html