Mùa lạnh: Hơn 1.000 trẻ nhỏ nhập viện mỗi ngày vì tiêu chảy Rota

Bắt đầu thời điểm mùa đông, tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, số lượng bệnh nhi lên đến khoảng 3 nghìn bệnh nhân/ngày. Đáng lưu ý, chiếm nửa trong số đó là trẻ đến thăm khám, điều trị tiêu chảy.

Uống vắc xin là cách tốt nhất để phòng tránh tiêu chảy do Rota

Bên cạnh bệnh lý về hô hấp, tiêu chảy là căn bệnh chực chờ ‘tấn công’ nhiều trẻ nhỏ trong thời tiết giá lạnh.

Đó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng chỉ đứng sau tả, khiến trẻ mất nước, thậm chí tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới hàng năm, Thế giới có khoảng 1,5 tỉ lượt trẻ dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy và 4 triệu trẻ chết vì bệnh này. Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có một trẻ là do nhiễm vi-rút Rota.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương cũng cho biết, thời điểm này hàng năm, trẻ nhỏ bị tiêu chảy do virut Rota tăng mạnh. Lí do vì môi trường và nhiệt độ thấp, ẩm là điều kiện thuận lợi cho virut này phát triển. Bên cạnh đó, bệnh dễ lây truyền qua phân – miệng, chưa có thuốc đặc trị nên càng gia tăng số ca mắc bệnh.

Bệnh có thể gặp ở mọi người nhưng dễ mắc nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Có khoảng 95% trẻ bị nhiễm tiêu chảy Rota ít nhất 1 lần trước 5 tuổi.

Virut Rota có ở môi trường, khi trẻ dễ nhiễm bệnh khi cầm, nắm, ngậm đồ chơi có virut hoặc lây bởi trẻ nhiễm bệnh khác.

Cách phân biejt tiêu chảy do virut Rota và các nguyên nhân khác

Khi mắc bệnh, trẻ thường có các triệu chứng như nôn vào những ngày đầu và giảm dân khi bắt đầu đi tiêu chảy. Sau khoảng 6 – 12h khi nôn, trẻ đi ngoài phân lỏng, không đờm nhớt, không có máu. Số lần đi ngoài có thể tăng trong những ngày đầu và giảm dần khoảng 3 - 8 ngày sau đó. Cá biệt, có trường hợp kéo dài đến 2 tuần. Kèm theo đó, trẻ có thể sốt trong những ngày đầu.

Để phân biệt tiêu chảy do Rota virut hay tác nhân khác thường dựa vào các triệu chứng nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm.

Việc đi ngoài quá nhiều gây ra tình trạng mất nước ở trẻ khiến trẻ khô môi, trũng mắt, da kém đàn hồi... Theo BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung Ương, với trẻ mắc tiêu chảy việc đầu tiên cha mẹ phải bù nước bằng dung dịch oresol, tiếp đó phải bổ sung kẽm theo kê đơn của bác sĩ.

Nếu nhà không có sẵn oresol, cha mẹ có thể tự pha dung dịch bù nước cho trẻ theo công thức 1 lít nước, 1/2 thìa muối, 2 thìa đường và nửa quả cam.

Nếu trẻ không thể bù nước bằng đường uống và có biểu hiện của sự mất nước thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để có phương án đối phó kịp thời.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, ăn nhiều hoa quả để bù nước. Nhiều gia đình thường kiêng khem khi trẻ mắc bệnh là không tốt. Trẻ cần ăn chế độ bình thường để có sức phục hồi, tránh suy dinh dưỡng.

Đặc biệt, phụ huynh không được mua các loại thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì thuốc có thể gây những biến chứng nguy hiểm như làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Từ đó khiến virus Rota ứ đọng lâu hơn, lâu ngày có thể dẫn đến chướng bụng, tắc ruột, tử vong,…

Ngoài ra, các trường hợp sử dụng kháng sinh không có tác dụng làm giảm nhẹ bệnh mà có thể còn làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu chảy.

Để phòng tránh tốt nhất nguy cơ mắc bệnh, uống vắc-xin được xem là cách phòng ngừa hữu hiệu, chủ động và kinh tế nhất.

Hồng Ngọc

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/mua-lanh-hon-1000-tre-nho-nhap-vien-moi-ngay-vi-tieu-chay-rota-d3893.html