Mua láng giềng gần

Những ngày giáp Tết, xen lẫn với tiết trời se lạnh là những buổi tiệc tất niên xóm. Vượt ra ngoài một lệ cúng thông thường, tất niên xóm mang lại nhiều ý nghĩa to lớn và thiết thực, phù hợp với nội dung của Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh' mà H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang thực hiện.

Người dân khu vực cầu Giăng (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) tổ chức cúng tất niên xóm.

Năm nào cũng vậy, mặc dù thời điểm cuối năm, ai nấy đều bận rộn thế nhưng mọi người dân ven khu phố chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) đều cố gắng sắp xếp công việc để cùng nhau tổ chức tất niên. Anh Nguyễn Thế chia sẻ: "Quanh năm đi làm vất vả, mỗi người một công việc khác nhau gặp gỡ hàng xóm láng giềng cũng ít. Chính vì vậy, tất niên là dịp để mọi người cùng nhau ngồi lại tâm sự về công việc, cuộc sống, hiểu thêm về nhau, tình cảm ngày càng thắt chặt hơn. Những gia đình có xích mích trong năm cũ cũng cùng nhau nâng ly, xóa bỏ những hiềm khích để đón một năm mới vui vẻ hơn"... Không chỉ trong các xóm, mà các tiểu thương buôn bán ở chợ cũng đóng góp làm mâm cơm cúng tất niên để cầu mong năm mới đến, mua may bán đắt. Sau một năm buôn bán vất vả, mọi người cùng nhau quây quần vui chơi, trò chuyện rôm rả, kể cho nhau những câu chuyện mà ngày thường do tất bật với việc bán buôn không có thời gian để tâm sự. Từ những hoạt động này, tình cảm của các chị, em ở chợ ngày càng gắn bó, những xích mích trong quá trình buôn bán cũng nhân dịp này mà bỏ qua.

Ông Nguyễn Khương (thôn 5, xã Hòa Khương) cho biết, trước đây, nhiều nhà trong làng tổ chức cúng tất niên rồi mời qua, mời lại rất tốn kém thời gian. Nhiều khi, trong một buổi phải dự 2, 3 nhà rất mệt. Từ khi có ngày cúng tất niên xóm, tôi thấy trong lòng cởi mở hơn, không còn áy náy việc phải đi nhà này, bỏ nhà nọ. Mọi người đủ mọi lứa tuổi cùng nhau quây quần bên bàn tiệc chúc nhau sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Những việc này, ngày thường đâu có do nhiều người bận làm ăn, học tập xa quê nên ít khi gặp được... Ở ngã tư cầu Giăng (xã Hòa Nhơn), cứ đến chiều 20 tháng Chạp hằng năm, gần 20 hộ dân xung quanh lại bận rộn với việc lên kế hoạch vừa cúng xóm, vừa cầu mong bình yên cho người đi đường. Sự đóng góp của các gia đình cho buổi tất niên này dựa trên tinh thần tự nguyện, chứ không đặt thành quy định bắt buộc nên dễ dàng được mọi người vui vẻ chấp thuận. Chẳng phải mâm cao cỗ đầy, không có chủ cũng không có khách. Bên ly rượu tất niên, qua những câu chuyện được hàn huyên, chia sẻ, mọi người nhắc nhở nhau chuyện giữ gìn ANTT thôn xóm, giữ vệ sinh chung, chia sẻ khó khăn với những gia đình neo đơn; hạn chế tình trạng lạm dụng bia rượu, tránh việc bạo lực gia đình, khuyên bảo thanh thiếu niên chăm lo học hành, tránh xa các tệ nạn xã hội...

Người xưa có câu: "Bán anh em xa mua láng giềng gần", hàng xóm, láng giềng là những người tối lửa tắt đèn bên nhau. Mặc dù, mỗi người, mỗi gia đình có những hoàn cảnh, công việc khác nhau. Cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại, con người cũng ngày càng tất bật, bận rộn với công cuộc mưu sinh; việc gặp gỡ cùng nhau trò chuyện cũng trở nên khó khăn hơn nên những buổi tiệc tất niên xóm cuối năm là rất cần thiết. Nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng như tất niên xóm tuy mới hình thành nhưng đều được tổ chức trang trọng, nghiêm túc. Những hoạt động như thế này vừa tạo sự gắn kết tình cảm, vừa là dịp để nhắc nhở nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, phong trào cúng tất niên xóm cần được phát huy và nhân rộng.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_201407_mua-lang-gieng-gan.aspx