Mùa lạc

Khi những cơn dông mùa hạ xuất hiện sau bao ngày nắng gắt, trên cánh đồng, lá lạc ngả từ màu xanh thẫm sang vàng nhạt lấm chấm như trứng cút, báo hiệu mùa lạc bắt đầu...

Mùa lạc

Khi những cơn dông mùa hạ xuất hiện sau bao ngày nắng gắt, trên cánh đồng, lá lạc ngả từ màu xanh thẫm sang vàng nhạt lấm chấm như trứng cút, báo hiệu mùa lạc bắt đầu...

Việc thu hoạch lạc phải thực hiện nhanh chóng nếu không lạc sẽ thối và mọc mầm, đặc biệt là khi trời mưa. Ảnh: Tăng Thúy

“Ngọc” trong đất

Cánh đồng lạc, những chiếc lá đã tàn và rệu rã, trông như mảnh đất bị bỏ hoang nhưng vẫn ấp ủ những củ lạc chắc nịch nằm sâu dưới đất đang chờ được thu hoạch. Nhìn chúng, tôi nhớ đến tác phẩm “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải - một minh chứng cho sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, gian khổ.

Thật vậy, để thu hoạch được những “viên ngọc” trong đất, người nông dân phải mất 5 tháng trần ai. Tháng Chạp, khi không khí Tết Nguyên đán bắt đầu về, thì nhà nhà tiến hành bóc lạc giống. Đây là thời điểm lý tưởng để trai, gái hò hẹn. Khi tôi còn bé, nhà ông bà ngoại tôi có 3 dì chưa lấy chồng, nên tối nào cũng có thanh niên đến chơi. Dĩ nhiên, các dì tranh thủ mang ra vài thúng lạc cho các anh còng lưng bóc. Bóc xong nhà này họ kéo đến nhà khác. Có khi chỉ hai người bóc, bóc từ ngoài thềm, chuyển vào nhà, rồi xuống bếp, trời thì giá rét, bếp lửa như chất keo, dì út và chú tôi cũng bén duyên từ đó.

Dân làng gieo lạc trước tết âm lịch khoảng 10 đến 20 ngày. Luống này cách luống kia tầm 30 phân, hạt này cách hạt kia khoảng 10 phân. Niềm vui tết chỉ trọn vẹn khi ra đồng, nhìn những mầm lạc đội đất vươn lên đều và sương muối cùng giá rét không ảnh hưởng đến màu xanh của chồi non. Ra tết, mọi người bắt đầu làm cỏ, xới đất. Sau hai đợt làm cỏ và xới đất, lạc bắt đầu nở những nụ hoa vàng be bé. Cuống hoa trắng muốt, nhỏ như chiếc tăm nảy ra từ kẽ lá. Cánh hoa mong manh nhỏ xíu như chiếc cúc áo của trẻ sơ sinh, hoa và nhụy màu vàng. Hoa luôn ẩn trong lá xanh chứ ít phô sắc ra ngoài. Đợi hoa hơi teo lại, thì sẽ vun đất. Đến tháng 5 (âm lịch), khi hè đã về, ve kêu inh ỏi, trẻ con nghỉ hè thì những củ lạc đã chắc mẫm. Lá vàng man mác cả cánh đồng, như thông điệp báo cho con người thu hoạch.

Lỗi hẹn những mùa vui

Mùa lạc quê tôi không có tiếng ù ù của máy tuốt lạc như trên Nông trường Điện Biên mà chỉ có tiếng người nói cười xa xa và thi thoảng có tiếng ồ ồ khe khẽ của rổ lạc được đổ vào bì. Không có máy móc thu hoạch, nhưng việc thu hoạch lạc phải khẩn trương nếu không là hỏng cả vì lạc sẽ mọc mầm. Bởi thế, mỗi lần đi nhổ lạc là phải huy động một lực lượng đông đảo, từ trẻ con đến người già, từ họ hàng đến làng xóm để thu hái. Lũ trẻ con nhà quê chúng tôi thường phải lao động từ nhỏ. Tầm 6 tuổi đã phải một buổi đi học, một buổi về chăn bò. Lớn hơn tí thì đi kiếm củi, làm cỏ, xới đất, vun gốc... Những việc vặt như nấu ăn, rửa bát, giữ em, ai cũng thạo từ nhỏ. Nói chung, 15 tuổi đa số đã “tinh nhuệ” mọi việc.

Trời nắng, cái nắng chang chang đầu tháng 6 hong thơm những hạt lúa, đủ thiêu đốt để nhuộm khô những cọng rơm vàng óng rải khắp đường làng và thêm “đặc sản” gió Lào táp về nữa là quá đủ để cho người dân xóm nghèo miền Trung này cháy sạm da. Dường như đã quen với cái nắng, cái gió này rồi nên người ta cũng không cằn nhằn, khó chịu nữa. Mẹ, tôi và các em khéo léo nhổ từng khóm lạc sai củ, rũ cho sạch rồi xếp thành từng hàng. Bố theo sau lấy đòn gánh, hoặc thanh gỗ, dạng chân đè lên, lấy liềm cắt phần gốc, bỏ ngọn. Mùi lạc tươi hăng hắc xông lên mũi. Lũ chim sẻ, lũ sáo nhảy lò cò theo những gốc lạc tìm giun hay thạch sùng nhìn rất dễ thương. Trẻ em trong làng tôi đa số đều nuôi chim chóc, thường thì sáo và chào mào. Đến mùa lạc, lũ chim béo “ú na ú nần”, vì thường được người nhai lạc tươi mớm cho ăn.

Giữa trưa, mồ hôi ai cũng túa ra như tắm, “thánh thót” rơi xuống đồng. Gió Lào thổi khô mồ hôi, đọng lại trên áo một lớp váng trắng như muối. Vào mùa lạc, để tiết kiệm thời gian, gia đình tôi thường mang cơm ra tận ruộng để ăn. Bữa cơm đồng lần nào cũng ngon đến lạ, bởi sau đó bố sẽ bồi dưỡng cho mỗi người một que kem. Các chú bán kem rất linh động, đạp xe đạp chở thùng kem vào tận đồng lạc. Bố tôi bốc một ôm lạc khoảng chừng 1kg củ đổi tù mù lấy 6, 7 que kem dừa. Mặt trời xuống núi, trong khi mẹ nán lại trên ruộng nhặt nhạnh những củ lạc già rơi vãi, bố con tôi nhanh chóng chất phần gốc lạc lên xe thồ đã lót thêm tấm áo mưa, chở về nhà.

Đến mùa thu hoạch lạc, cổng nhà nào cũng phơi đầy lạc, đi đứng phải nhẹ chân. Lạc được ném cả lên nóc nhà. Trẻ con được cho lên nóc nhà trở lạc, đỡ giẫm vỡ ngói. Người ta lấy cái nỉa có mấy mũi nhọn đi đảo lạc cho chóng khô. Nhà nào nhiều thì phơi lạc ngay tại đồng. Tối đến cử người ra canh. Trăng ở đồng rất đẹp. Nó không bị khuất lấp khiến cho bầu trời càng thênh thang. Những hôm trời mưa, cả nhà nháo nhào đi hốt lạc. Nhiều hôm ở nhà canh lạc, trời ập mưa bất ngờ, tụi trẻ con chúng tôi chỉ biết khóc.

Mùa lạc vất vả nhưng vui. Trước, gà lên chuồng đã đi ngủ. Nay, nhà nào cũng thức khuya, ăn cơm tối xong, mắc đèn ra sân ngồi vặt lạc, bên cạnh không thể thiếu rổ lạc luộc thơm ngon nóng hổi. Tụi trẻ con bới tìm những củ lạc non trong rổ. Bởi lạc non mềm, cắn ra hút được chút nước ngòn ngọt bên trong, thậm chí ăn được cả vỏ. Còn lạc già là những hạt khít đầy trong lớp vỏ cứng, béo ngậy và giòn, vừa ăn, vừa làm, vừa nói chuyện thì khỏi phải chê.

Kéo đòn gánh ngồi xung quanh đống lạc, rổ lạc chắc nịch cũng đầy dần theo những câu chuyện của bà, của mẹ. Họ kể từ chuyện con gà, con chó trong nhà, đến kinh nghiệm sản xuất, canh tác; từ chuyện làng trên xóm dưới, đến chuyện đại sự quốc gia. Sau mỗi câu chuyện lại rộ lên những tiếng cười ngiêng ngả. Chính cái hài hước và lạc quan ấy đã khiến người ta vượt qua những nỗi vất vả cực nhọc trong đời sống lao động sản xuất.

Có lẽ nhờ đất cát phù sa tươi tốt mà củ lạc ở bãi bồi bên sông Lèn (Hậu Lộc) rất chắc và mẩy. Sau khi phơi lạc khô, mẹ tôi không bán mà cất cẩn thận trong mấy chiếc chum đặt bên góc nhà. Rồi cứ đến ngày rằm hay dịp giỗ chạp, mẹ lại mang ra đồ xôi. Thỉnh thoảng, họ hàng trên thành phố, ngoài Hà Nội đến thăm nhà, mẹ lật đật đong lạc vào túi làm quà quê biếu tặng. Những ngày trời mưa to không tiện cho việc đi chợ, mẹ lom khom dưới bếp giã muối lạc làm thức ăn...

Mùa lạc cùng tuổi thơ chúng tôi dần trôi qua, đứa đi học, đứa đi xuất khẩu lao động, mỗi độ hè về tự nhiên bồi hồi nhớ quê, nhớ mùa lạc năm nào và nhớ bố mẹ tần tảo sớm hôm. Chúng tôi càng trưởng thành, bố mẹ càng già đi. Trở về thăm nhà, thương bố mẹ sớm hôm khó nhọc, tôi khuyên bố mẹ nghỉ ngơi, đừng làm ruộng nữa. Nghe vậy, bố tôi chậm rãi nói: “Đồng lương của chị hãy cứ dành dụm kiếm ít vốn mà lấy chồng. Bố mẹ tuy đã già nhưng vẫn dư sức để gieo lạc, trồng ngô”. Nghe xong, tôi bỗng thấy khóe mắt mình cay cay. Chiều lại chiều, bố mẹ tôi vẫn luôn miệt mài chăm bón, tưới tiêu cho những luống lạc như thể đi tìm một niềm vui giản dị. Công việc bận rộn trên thành phố khiến tôi không thể nán lại nhà lâu được. Vừa háo hức trở về rồi lại phải lật đật ra đi. Khi xe chuyển bánh, tôi vội vàng ngoái nhìn ra ngoài ô cửa nhỏ mà thấy lòng bịn rịn, chông chênh. Đành bỏ lại sau lưng những mùa lạc hãy còn dang dở...

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/mua-lac/102702.htm