'Múa Kiều' đẹp lộng lẫy và đầy cảm xúc

Giới chuyên môn cho rằng văn học cổ điển có năng lực gợi mở rất rộng, có thể thu hút nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều cách lý giải và diễn đạt

Vở "Múa Kiều" do các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trình diễn trong 2 đêm 10 và 11-3, tại Nhà hát TP HCM để lại những dư âm đẹp trong lòng người xem.

Kể "Truyện Kiều" theo cách riêng

Vở diễn đưa lên sân khấu tới 3 nàng Kiều cùng xuất hiện theo phong cách múa đương đại, do NSƯT Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang và Phan Tiểu Ly vào vai. Hình ảnh cô em gái Thúy Vân được diễn viên trẻ Đỗ Hoàng Khang Ninh thể hiện, nữ diễn viên Đinh Phương Dung trong vai Đạm Tiên, Hồ Phi Điệp đóng Kim Trọng, Phan Thái Bình đóng Kim Trọng và Từ Hải, Sùng A Lùng thể hiện hình ảnh Mã Giám Sinh; bà Yoo Oh Chun vào vai Giác Duyên…

Phần đầu của vở diễn với hình ảnh thanh xuân và chiếc áo yếm đằm thắm, tính chất lễ hội, âm nhạc tươi vui có thể nói là phân đoạn được yêu thích nhất bởi thể hiện đậm nét văn hóa Việt truyền thống. Cảnh đặc biệt xúc động, thậm chí khiến nhiều khán giả rơi nước mắt là khi gia đình Kiều gặp họa khiến nàng phải nén nỗi đau, chấp nhận bán thân để chuộc cha.

Cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích, giọng hát ca trù của NSND Thanh Hoài vang lên chỉ với cỗ phách mộc mạc: "Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/Buồn trông ngọn nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu…" thể hiện nỗi buồn da diết tái tê của thân phận nàng Kiều.

Cảnh trong vở "Múa Kiều" Ảnh: Trần Hoàng Sơn

Cảnh trong vở "Múa Kiều" Ảnh: Trần Hoàng Sơn

"Tôi ấn tượng nhất đoạn Kiều sa vào lầu xanh, tiếng roi vút đen đét, tiếng rên rỉ, những diễn viên mang mặt nạ, những cô gái múa phụ họa run rẩy như minh họa cho cuộc đời tủi nhục, và trên hết, điệu múa và diễn xuất của Kiều thật tuyệt vời. Thêm vào đó là hai đoạn hát ca trù và đoạn nhạc Hàn Quốc càng làm tăng tính thê lương và bi kịch của màn này. Dĩ nhiên, tôi có trông chờ sự xuất hiện của nhân vật Hoạn Thư, Từ Hải… nhưng không quan trọng, vì vở múa không phải là "kể" cốt truyện mà là tập trung vào thân phận của nàng Kiều" - giảng viên ngữ văn Trần Lê Hoa Tranh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhận xét.

Giảng viên Trần Lê Hoa Tranh cho rằng mình đi xem với tâm thế không biết người Hàn Quốc hiểu ra sao về "Truyện Kiều", về người Việt Nam và rồi họ sẽ diễn nôm "Truyện Kiều" thành một câu chuyện kể bằng ngôn ngữ múa thế nào. Thế nhưng sau buổi diễn, giảng viên Trần Lê Hoa Tranh nêu lên khía cạnh nghĩ về triển vọng của văn học cổ điển: "Tôi nhận ra rằng văn học cổ điển có năng lực gợi mở rất rộng, có thể thu hút nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều cách lý giải và diễn đạt. Ví dụ, "Truyện Kiều" có thể được cảm nhận dưới con mắt của một nghệ sĩ hiện đại, nước ngoài, vừa thổi hồn đương đại vừa không mất đi giá trị truyền thống".

Trao đổi với các du khách nước ngoài đến xem vở múa, trong đó có người từng đọc "Truyện Kiều", có người thậm chí chưa từng biết đến đại thi hào Nguyễn Du, thì yếu tố giao thoa văn hóa hai nước không quá quan trọng bởi đối với họ, cả hai đều là tính chất Á Đông; dù không hiểu được nội dung câu chuyện nhưng người xem cảm nhận vở múa đẹp mắt và thú vị.

Sau cao trào cảm xúc khi Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường là sự thanh bình trở lại với sự cứu chuộc nơi cửa chùa với sư Giác Duyên và cuộc sống làng quê tái hiện bình dị. Ở cảnh cuối này, có sự chuyển tiếp rõ rệt sang ngôn ngữ đương đại, giọng hát ca trù của NSND Thanh Hoài không đi cùng tiếng phách nữa mà được vang lên trên nền âm thanh trình tấu của cả dàn nhạc: "Cho hay muôn sự tại trời/Trời kia đã bắt làm người có thân/Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao… Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...".

PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, nhà nghiên cứu về tác phẩm "Truyện Kiều", nhận định: "Sự lựa chọn không kể lại "Truyện Kiều" là đúng. Hãy để khán giả cảm nhận cái đẹp của nội tâm nhân vật".

Những kết nối đặc biệt

"Tôi ấn tượng với tác phong nghiêm túc, sự tử tế của những người làm nghệ thuật hàn lâm chân chính" - giảng viên Trần Lê Hoa Tranh nhận xét. Bà cũng đặt vấn đề nếu một nghệ sĩ Việt Nam dựng "Truyện Kiều" sẽ có cách dàn dựng thế nào? Có chỉn chu, sang trọng, hiện đại không?". Còn PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cho biết bà rất vui khi thấy các nghệ sĩ trẻ tâm huyết và tôn vinh giá trị cổ điển.

Biên đạo Yoo Oh Chun đến từ Hàn Quốc, người ấp ủ nhiều năm ý tưởng về vở múa này, nói: "Tôi rất ngưỡng mộ đại thi hào Nguyễn Du. Mỗi lần đọc tác phẩm "Truyện Kiều", tôi luôn có cảm giác đau đáu trong lòng và vô cùng mong muốn có thể làm được một vở diễn, một tác phẩm nào đó để tái hiện "Truyện Kiều" trên sân khấu cùng với những tình cảm, tâm thế của xã hội hiện đại".

Bà Yoo Oh Chun đã biết về "Truyện Kiều" từ rất lâu nhưng cũng phải đợi mãi mới có một dịch giả Hàn Quốc dịch câu chuyện sang tiếng Hàn. Đi đâu bà Yoo Oh Chun cũng mang "Truyện Kiều" theo, đọc đi đọc lại "Truyện Kiều" rất nhiều lần, nghiền ngẫm tác phẩm rất kỹ rồi mới trao đổi về ý tưởng vở diễn với đồng đạo diễn - biên đạo Nguyễn Phúc Hùng.

Biên đạo Nguyễn Phúc Hùng cho biết: "Bà Yoo Oh Chun có rất nhiều trải nghiệm, cảm nhận về Việt Nam. Cảm xúc gắn bó thân thiết của nữ tác giả - biên đạo này về Việt Nam rất đặc biệt và có nhiều điểm đồng điệu với chúng tôi. Ngôn ngữ của múa là ngôn ngữ cơ thể nên chúng tôi tập trung diễn đạt vẻ đẹp của Kiều. Chúng tôi không quá lo sợ chuyện khán giả sẽ đặt kỳ vọng vào nội dung câu chuyện theo kiểu đọc "Truyện Kiều" thế nào thì bây giờ phải thấy tái hiện trên sân khấu y như thế. Ê-kíp thực hiện hy vọng "Múa Kiều" mở ra không gian tưởng tượng mới với "Truyện Kiều" và mang lại cho khán giả những cảm nhận sâu sắc về cái đẹp".

Nhiều loại hình nghệ thuật khai thác "Truyện Kiều"

Tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã từng xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, thanh xướng kịch… NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ) có lần táo bạo dựng vở kịch hình thể "Nguyễn Du với Kiều" sử dụng nhiều thể loại gồm ngâm thơ, hát chèo, hát xẩm, ca Huế, ca vọng cổ... vào trong vở diễn để nói về hành trình lưu lạc của nàng Kiều.

Tháng 3-2017, công diễn kịch "Kiều" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, sử dụng âm nhạc pop, rap nhưng câu chuyện cốt lõi vẫn giữ nguyên. Tác phẩm được kỳ vọng như một vở kịch "bom tấn" nhưng có vẻ hiệu ứng khán giả không như mong đợi.

Có lẽ bởi khách Việt chắc không có nhu cầu nghe kể lại "Truyện Kiều", còn khách du lịch thì có kể cũng không hiểu được hết. Vì vậy, "Múa Kiều" xuất hiện trên sân khấu Nhà hát TP HCM lần này ngoài sứ mệnh đưa lên sân khấu múa một tác phẩm nổi bật trong văn học cổ điển, còn lựa chọn cách thể hiện tập trung vào cảm xúc và nét đẹp, được dự báo có thể trở thành vở diễn hút khách lâu dài.

Hòa Bình

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/mua-kieu-dep-long-lay-va-day-cam-xuc-20180312214011586.htm