Mưa Huế, một sản phẩm du lịch

Ai đó đã nói rất đúng rằng, đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm, đến Huế mà chưa được rong ruổi trên các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm thâm… thì cũng coi như chưa một lần đến Huế.

Ai đó đã nói rất đúng rằng, đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm, đến Huế mà chưa được rong ruổi trên các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm thâm… thì cũng coi như chưa một lần đến Huế.

Thiếu nữ và mưa Huế

Thiếu nữ và mưa Huế

Kéo dài suốt từ tháng Chín ta đến Tết, mưa Huế dai dẳng trùm lên cả mùa thu và mùa đông của xứ sở này.

Từ xa xưa, người dân chốn kinh thành đã cảm về mưa Huế trong âm thanh sầm sịch của biển Đông gọi gió, trong tiếng rơi nặng hạt đe dọa con nước tràn bờ:

Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài bể bắc

Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên

Muốn làm lơ đi mà ngủ cho yên.

Sợ mưa già nước ngập, biết tựa con thuyền

nơi mô.

(Dân ca Bình Trị Thiên)

Duyên dáng, nũng nịu, người Huế tự xưa âu yếm gọi hạt mưa xứ mình là "hạt mưa tình". Cũng như cô gái Huế gọi về những giọt nhớ, giọt thương, nhẹ nhàng mà sâu lắng, trầm tư tựa như nét duyên thầm, nghe như tiếng dạ thưa ngọt lịm... Người Huế yêu vô cùng đất trời, thành quách; người Huế nhớ vô cùng hạt lệ trời ban...

Một người Huế, sống xa quê, một lần so sánh: Hạt mưa Huế vừa nặng, vừa sâu, từ từ, chầm chậm, trong khi đó cơn mưa Sài Gòn rộ lên rồi tắt làm người ta chưa kịp nhận ra độ nặng nhẹ của giọt mưa. Mưa xứ Bắc thì phơi phới bay, thiếu đi độ nặng, độ dày. Huế vào mùa mưa, đất trời tắm mình trong muôn ngàn hạt đọng. Có lẽ, gọi mưa Huế bằng giọt mới đúng hơn. "Giọt Huế" - tặng phẩm của tạo hóa ban cho để muôn đời cố đô nâng niu, thương nhớ...

Con người, thiên nhiên hài hòa, quyến rũ. Ai đó nói rằng, thiên nhiên là một phần của tâm hồn con người, là nơi trú ngụ của trái tim đa cảm và thanh cao. Vậy thì, mưa Huế là một phần của tâm hồn Huế vậy! Còn nhớ, một lần trên con đường nước non ngàn dặm thuở đất nước còn chia cắt, nhà thơ Tố Hữu từ Trường Sơn nhìn về đất mẹ trong khoảng trời trắng xóa mưa rơi.

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.

Nghe trong mưa tiếng nói của nỗi niềm

da diết.

Bởi "nỗi niềm chi rứa" nên thành Huế mới phủ trắng một màu mưa để cho đất trời đượm buồn man mác. Thấp thoáng bên hiên nhà, con người xứ Huế vốn đã ít lời nay lại càng lặng lẽ hơn. Chợt nhớ ngày trước, chàng trai đa sầu, đa cảm Huy Cận viết "Buồn đêm mưa" trong nỗi cô đơn của đất trời và lòng người... Nhà thơ họ Cù như đang đếm mưa rơi bằng cảm giác và tâm trạng lẻ loi, nghe như mênh mang, xa vắng:

Rơi rơi... dịu dịu rơi rơi...

Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...

Mưa Huế sao nghe da diết quá! Những hạt mưa như cởi mọi u buồn, gắn kết những người con xứ Huế, níu kéo tâm hồn của những người đi xa. Giọt thương, giọt nhớ, giọt lệ... mỗi giọt mưa Huế gắn với cuộc sống, tình yêu của mỗi con người, "trận mưa nào cũng đọng giọt tâm tư" (Hải Bằng). Có sống với Huế, với mùa mưa mới thấm thía để khi đi xa lại "thèm" chút mưa trên đất mẹ. Hãy chia sẻ nỗi nhớ rất đỗi dễ thương mà có sức nặng đến se lòng của Hồ Đắc Thiều Anh để yêu hơn mảnh đất này:

Khi mô anh về thăm Huế xưa

Nhớ gói giùm em một chút mưa

Gói thêm mớ lạnh từ chân tóc

Buốt thấu buồng tim vẫn chưa bưa.

Thôi thì:

Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm

Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn

Nghe như rả rích trong đêm vắng

Để nhớ vô cùng những tháng năm.

Mỗi mùa mưa về, mệ tôi hái khế xuống dầm nước mưa nấu canh trong mùa lụt. Khế dầm nước mưa nấu canh cá lóc sẽ ngọt hơn nhiều so với khế hái từ cây. Ông thì vội vã đem áo quần ra giặt, ông cười hiền "Áo trắng lắm con ơi...". Tần tảo trên vai đòn gánh dẻo, cô gái Huế xõa tóc thề gánh hàng đến chợ, nghe trong tiếng mưa rơi bước chân duyên gánh cả cơn mưa đất trời đến chợ, tạo nét Huế thầm gom nỗi nhớ mùa đông. Giọt Huế - giọt mưa, giọt bền bỉ, dẻo dai, giọt trong mắt mẹ, mắt bà, giọt vai gầy, giọt duyên thầm của em... Thương lắm ơi mưa Huế, giọt nhớ, giọt yêu...

Còn nhớ, với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển- Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử, nét độc đáo và mới lạ của Festival Huế 2012 là mưa Huế trở thành sản phẩm du lịch. Du khách được chiêm ngưỡng một không gian thưởng lãm nghệ thuật trong mưa như triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, các tác phẩm điện ảnh, nhạc phim về mưa Huế, nhạc mưa, trình diễn thời trang dưới mưa… Tôi thầm nghĩ thêm, sao Huế không biến lụt Huế thành sản phẩm du lịch mùa đông? Một đoàn xe xích lô chở du khách dạo quanh phố phường ngắm mưa Huế, lụt Huế thật dễ thương và rất khả thi, tại sao không?

Toản Văn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_214991_mua-hue-mot-san-pham-du-lich.aspx