Mùa hè vui tươi, an toàn với trẻ

Chỉ còn ít ngày nữa, hàng chục ngàn học sinh toàn tỉnh sẽ tạm chia tay mái trường để bước vào kỳ nghỉ hè năm 2019. Đây cũng là thời điểm các em phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn nếu thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và những sân chơi lành mạnh ở cộng đồng.

Học sinh huyện Nhơn Trạch tham gia Ngày hội đọc sách hè được Huyện đoàn tổ chức lưu động về các xã vào ngày 19-5 Ảnh: C.NGHĨA

Học sinh huyện Nhơn Trạch tham gia Ngày hội đọc sách hè được Huyện đoàn tổ chức lưu động về các xã vào ngày 19-5 Ảnh: C.NGHĨA

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho hay: “Mỗi khi hè đến chúng tôi lại thêm lo lắng về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, nhất là các nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông, đuối nước, xâm hại tình dục… Do đó, các gia đình phải rất coi trọng việc chăm sóc và giám sát con em mình trong thời gian nghỉ hè”.

* Tiềm ẩn nguy cơ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng ban Chỉ đạo hè tỉnh cho biết: “Hoạt động hè cần tổ chức đem lại hiệu quả thực chất, trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, không được giao khoán cho Đoàn. Cần đặt tiêu chí đảm bảo an toàn cho trẻ em lên hàng đầu trong thời gian nghỉ hè; hướng hoạt động hè vào việc tạo sân chơi rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng phòng chống đuối nước, đề phòng trẻ bị xâm hại. Khi khen thưởng thì cần linh hoạt nhưng phải đúng người, đúng việc”.

Mùa hè thường trùng với mùa mưa, do đó luôn gia tăng các nguy cơ về mất an toàn cho học sinh vì tai nạn đuối nước. Vào đầu tháng 5 vừa qua, trên đường đi học về nhà 2 học sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã bị nước cuốn trôi và tử vong. Vào thời điểm xảy ra tai nạn trời có mưa lớn, nước dâng cao quá mặt đường khiến các em không thể phân biệt được đâu là đường, đâu là suối thoát nước. Vụ tai nạn đuối nước thương tâm này đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc rà soát lại các rào chắn, biển báo an toàn ở những khu vực giao thông giáp với sông, suối nguy hiểm.

Không chỉ có tai nạn đuối nước đe dọa tính mạng học sinh trong dịp hè, nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục nếu không được giám sát chặt chẽ cũng rất dễ xảy ra. Hậu quả của tình trạng trẻ em bị xâm hại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài mà còn để lại những vết thương tinh thần khó lành. Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: “Đã có những vụ việc đáng tiếc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em những năm qua, trong đó mùa hè là thời điểm dễ xảy ra nguy cơ trẻ bị xâm hại do các em thường ở nhà một mình, cha mẹ bận đi làm không thể giám sát con em liên tục”.

Chị Lê Thị Khánh Hà làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) bày tỏ, hè đến vợ chồng chị có thêm nỗi lo, đó là việc 2 con gái của chị nghỉ học trong thời gian khá dài, còn chị vẫn đi làm bình thường, thậm chí có ngày tăng ca tới 21 giờ. Ở nhà trọ, 2 con chị Hà thường chơi với nhau, thỉnh thoảng chở nhau bằng xe đạp đến nhà bạn bè chơi. Chị Hà cho biết: “Hè đến tôi có cho con đi học thêm ở nhà cô giáo, tiện nhờ cô giáo trông coi giúp nhưng mỗi tuần chỉ 3 buổi. Để các con ở nhà chơi với nhau tôi rất lo lắng vì nguy cơ mất an toàn với điện, hỏa hoạn, tai nạn giao thông khi con ra đường không có người lớn đi cùng. Tôi còn lo lắng hơn khi các con ở nhà dễ bị xâm hại vì tình hình an ninh trật tự nhà trọ khá phức tạp”.

* Khó khăn tổ chức sân chơi

Theo thống kê, từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2019, cơ quan cảnh sát điều tra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khởi tố 67 vụ trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại. Còn từ tháng 1 đến tháng 4-2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ xâm hại trẻ em.

Trong thời gian nghỉ hè, trẻ em rất cần những sân chơi lành mạnh để giải trí, rèn luyện kỹ năng, tránh các nguy cơ mất an toàn hay vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo hè tỉnh mới đây, có ý kiến cho rằng việc tổ chức các sân chơi trong dịp hè đòi hỏi có chiều sâu, thu hút được trẻ em tham gia là điều không dễ dàng. Ở một số nơi còn tình trạng ban chỉ đạo hè của xã, phường được thành lập với đầy đủ thành phần nhưng thực chất các hoạt động còn ít và mang tính hình thức. Có nơi hoạt động hè được địa phương giao khoán cho cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, việc cấp kinh phí cho hoạt động hè vốn đã thấp, không đủ chi tổ chức các hoạt động nhưng vẫn có tình trạng dùng chi cho các hoạt động khác.

Khó khăn trong tổ chức các hoạt động hè không chỉ nằm ở sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của chính quyền địa phương, về kinh phí hoạt động mà còn ở vấn đề con người. Theo một số cán bộ Đoàn - Hội - Đội tại các địa phương, trường học, hầu hết các hoạt động được giao cho cán bộ Đoàn - Hội - Đội ở xã, phường, trường học nhưng lực lượng này gặp khó vì địa bàn rộng, trẻ em đông. Hơn nữa ngày hè học sinh ở nhà, muốn huy động các em tham gia hoạt động không dễ dàng liên hệ. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động hè thấp nên không thể nghĩ đến việc chi bồi dưỡng cho cán bộ tham gia tổ chức hoạt động hè.

Cô Đặng Trần Minh Châu, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Phù Đổng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, vào dịp hè các giáo viên khác trong trường được nghỉ ngơi ở nhà, nhưng giáo viên Tổng phụ trách Đội như cô vẫn phải tích cực tham gia tổ chức hoạt động hè cho trẻ em địa phương như: tổ chức hoạt động vui chơi trải nghiệm sáng tạo, tham gia doanh trại quân đội, rèn luyện kỹ năng sống. Cô Châu cho biết: “Nếu tham gia tổ chức các hoạt động hè cho học sinh mà nghĩ tới thù lao bồi dưỡng chắc không làm nổi. Tôi làm vì đam mê và trách nhiệm là chính, thấy các em vui thì mình cũng vui theo”.

* Đổi mới hoạt động hè

Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, lo lắng nhất trong thời gian học sinh được nghỉ hè là tình trạng học sinh bị đuối nước, đặc biệt là ở những địa phương có nhiều ao hồ, sông suối như: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc… Do đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tiểu học và THCS phải duy trì định kỳ sinh hoạt hè ít nhất mỗi tuần một buổi cho học sinh đến tham gia. Trước khi nghỉ hè, Sở GD-ĐT cũng tập huấn cho trên 700 cán bộ các trường về các kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em và sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn.

Biểu đồ thể hiện số vụ trẻ em thiệt mạng do tai nạn thương tích từ năm 2016-2018. (Đồ họa: C.NGHĨA)

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Xuân Thanh cho biết, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy bơi cho trẻ em, Sở đề nghị chủ các hồ bơi tư nhân cho học sinh vào học bơi miễn phí hoặc giảm giá vé. Các trường đã có hồ bơi cần tăng cường mở cửa để đón học sinh vào luyện tập. Sở cũng tổ chức các giải bơi lội để khuyến khích học sinh tham gia phong trào học bơi. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường rà soát điểm ao hồ, sông suối mà học sinh thường tìm đến tắm mát để cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Bí thư Tỉnh đoàn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo hè tỉnh Nguyễn Cao Cường cho biết, hoạt động hè năm nay sẽ có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Cụ thể từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8 sẽ có 74 hoạt động của Ban Chỉ đạo hè cấp tỉnh tổ chức cho trẻ em tham gia và trải đều tại các địa phương nhằm giúp học sinh tăng cường khả năng trải nghiệm sáng tạo, bồi dưỡng kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, xử lý tình huống trước các nguy cơ bị xâm hại, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, bảo vệ môi trường…

Sáng 25-5, hoạt động hè cấp tỉnh sẽ chính thức khai mạc tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện kỹ năng. Tiếp đó vào Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6, các đơn vị cấp huyện cũng sẽ đồng tổ chức khai mạc hè cho trẻ em địa phương.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201905/mua-he-vui-tuoi-an-toan-voi-tre-2947483/