Mùa hè, đỉnh dịch viêm não

Viêm màng não mô cầu và viêm não Nhật Bản là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng đỉnh dịch là mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 8

PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo Viện Pasteur TP HCM, cho biết viêm màng não mô cầu (VMNMC) và viêm não Nhật Bản (VNNB) có những triệu chứng ban đầu thường gây nhầm lẫn với các bệnh cúm thông thường nên khó phát hiện sớm.

Tiến triển rất nhanh

TS-BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết VMNMC là tình trạng nhiễm trùng màng não, màng bao bọc não và tủy sống. VMNMC gây ra bởi vi khuẩn N. meningitides.VMNMC lây truyền qua đường hô hấp, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi nhưng đối tượng dễ mắc là trẻ sơ sinh, mẫu giáo và thanh thiếu niên.

Bệnh VMNMC tiến triển rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10%-20%. Tỉ lệ tử vong có thể từ 8%-15%, thậm chí có thể lên đến 50% khi không được điều trị kịp thời.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm

Còn VNNB là tình trạng nhiễm trùng não, gây ra do virus VNNB, lây truyền qua đường trung gian muỗi đốt. Tỉ lệ tử vong ở những người bị VNNB khá cao, có thể lên tới 30%. Nếu may mắn còn sống, bệnh có thể để lại di chứng vĩnh viễn với các mức độ từ nhẹ đến nặng. Hiện VNNB chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Trước đây, hằng năm Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 500 đến 600 trẻ viêm não, trong đó quá nửa là trẻ mắc VNNB. Đến nay, nhờ hiệu quả của tiêm chủng vắc-xin, tỉ lệ này giảm, còn khoảng 30-50 ca mỗi năm.

"Hiện tại, bệnh VMNMC và VNNB không có điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng với chi phí rất tốn kém" - BS Đỗ Thiện Hải thông tin.

Phòng ngừa bằng tiêm vắc-xin

Tại phía Nam, theo BS Trương Hữa Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, đến thời điểm này chưa ghi nhận có ca VMNMC hay VNNB. "Lâu nay, tỉ lệ trẻ mắc 2 loại bệnh nguy hiểm trên ghi nhận có giảm, nhưng nếu người dân lơ là trong việc phòng bệnh thì số mắc chắc chắn sẽ tăng trở lại"- BS Khanh lưu ý.

Theo thống kê, những ca mắc VMNMC và VNNB tại nước ta chủ yếu là do không tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ mũi, dễ thấy nhất là các trường hợp bỏ quên các mũi tiêm nhắc.

Tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa VMNMC và VNNB. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại các quốc gia dịch tễ của VNNB như Việt Nam, cần bảo đảm tỉ lệ tiêm ngừa cao để bảo vệ cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Vắc-xin phòng ngừa VNNB là 1 trong 10 loại vắc-xin bắt buộc tiêm cho trẻ em theo khuyến cáo từ Bộ Y tế.

"Gánh nặng do VMNMC và VNNB khó có thể đo bằng kinh tế, nó còn là sự căng thẳng tâm lý tột cùng cho phụ huynh, nhất là người mẹ có con mắc bệnh VMNMC và VNNB. Tôi không thể nào quên hình ảnh người mẹ bế con nhỏ mắc bệnh, cố chạy đến phòng cấp cứu nhưng thời gian không cho phép, đứa trẻ đã tử vong trên tay người mẹ. Hiện nay, dù số ca mắc VMNMC và VNNB đã giảm nhiều so với trước đây, song điều tôi mong ước là chúng ta sẽ không còn thêm ca nào nữa" - một chuyên gia của Hội Y học Dự phòng Việt Nam bày tỏ.

Theo giới chuyên môn, hiện trên thế giới có khoảng 3 tỉ người sống trong khu vực có VMNMC và VNNB lưu hành, trong đó có Việt Nam. Trong số người mắc bệnh được cứu sống thì 50% bị di chứng. Do vậy, khi tiêm vắc-xin quan trọng nhất vẫn là đúng lịch và đầy đủ các mũi sẽ là phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/mua-he-dinh-dich-viem-nao-20210416211211975.htm