Mùa hè của hành lý thất lạc

Khi các chuyến bay được mở lại, một cuộc khủng hoảng đang diễn ra mà người ta gọi là 'mùa hè của hành lý thất lạc' khiến nhiều hãng hàng không và sân bay quốc tế điêu đứng.

Để đề phòng hành lý ký gửi có thể bị thất lạc, Jenn Choi đã mua thiết bị theo dõi cho vali cho cả gia đình. Cô không muốn phụ thuộc vào các hãng hàng không trong thời điểm khủng hoảng thiếu nhân lực trầm trọng.

Nhờ đó, cô biết được cả 3 chiếc vali đều đựng đồ của chồng cô, một huấn luyện viên phát triển bản thân và con trai 1 tuổi của họ, đang lưu lạc tại Đức, cách Cancun, Mexico - nơi họ đến - 10.000 km vào tuần trước.

“Hành lý của chúng tôi vẫn chưa được tìm thấy. Tình trạng phổ biến này là một phần của việc đi du lịch ngày nay. Nhiều người đi du lịch Mexico mà thiếu đồ đạc đi cùng. Đây là một mớ hỗn độn mà tôi chưa từng trải qua bao giờ”, cô nói.

Mùa hè của hành lý thất lạc

Nhiều gia đình đang trải qua kỳ nghỉ hè đầu tiên sau 3 năm do đại dịch. Trước đó các hãng hàng không và sân bay đã cắt giảm nhiều nguồn lực khi nhu cầu giảm. Nhưng khi hành khách được bay trở lại, lượng hành lý bị thất lạc ngày càng tăng. Vào tháng 4, cứ 1.000 kiện hành lý thì có 6 gần kiện ký gửi bị các hãng hàng không Mỹ làm thất lạc tạm thời.

 Hành lý ngổn ngang ở sân bay Heatrow. Ảnh: Twitter/Christian Mitchell.

Hành lý ngổn ngang ở sân bay Heatrow. Ảnh: Twitter/Christian Mitchell.

Tỷ lệ thất lạc đã tăng 67% vào cùng tháng trong năm 2021 sau khi gần 30.000 chuyến bay đến, đi và trong nước Mỹ cũng bị hủy vào mùa hè này. Tỷ lệ hành lý bị xử lý sai trên toàn thế giới cũng đang gia tăng: tăng 24% vào năm ngoái, với 8,7 vali/1.000 hành khách quốc tế không đến đúng giờ.

Theo công ty bảo hiểm Mapfre SA, các yêu cầu bồi thường cho hành lý thất lạc đã tăng 30% vào năm 2019 và khi tỷ lệ hành khách bị chậm chuyến cao, một số sân bay có lượng hành lý bị chuyển nhầm chuyến tăng gấp 10 lần. Ở những nơi khác, một số dịch vụ vận chuyển hành lý toàn cầu ghi nhận việc không gửi hành lý ký gửi tăng gần gấp 3 lần so với tháng trước.

Một số người gọi đó là “mùa hè của hành lý thất lạc”, việc khiếu nại hành lý diễn ra như cơm bữa và dường như ngày càng phức tạp hơn.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu gia tăng không có dấu hiệu ngừng lại. Hôm 21/7, hãng Emirates cho biết họ đang đối diện cảnh tượng “airmageddon” (ghép bởi airport - sân bay và armageddon - tận thế - PV), điểm danh sân bay London Heathrow "thiếu năng lực" sau khi sân bay này giới hạn số lượng hành khách hàng ngày và yêu cầu các hãng hàng không ngừng bán vé máy bay.

Tình trạng ùn ứ hàng trăm kiện hàng thất lạc ở sân bay Heathrow bị đổ đống ở sảnh để xử lý khi hệ thống bị quá tải. Họ đổ lỗi cho các hãng hàng không đã không có đủ nhân viên mặt đất để làm thủ tục cho hành khách và sắp xếp hành lý, đồng thời cho rằng các hãng vận chuyển đang “đặt lợi nhuận lên trước sự an toàn và tin cậy của hành khách". Tình trạng tương tự đang diễn ra ở New York, Washington DC, Dublin, Amsterdam và nhiều sân bay khác.

Một số hãng hàng không có chính sách chỉ bồi thường cho quần áo và giày chỉ khi hành lý của du khách được trả lại sau hơn 3 tuần. Anh Pascal Sigg có 2 chặng bay từ Zurich đến Portland vào tuần trước, đã phải ở qua đêm tại London chỉ về sự chậm chuyến. “Chúng tôi có chuyến du lịch kéo dài bảy tuần ở Mỹ với bọn trẻ 2-4 tuổi, không biết liệu chúng tôi có nên mua sắm nữa không", anh nói.

Sigg cảm thấy như thể các hãng hàng không “đã quyết định vứt bỏ hành lý để mọi người thực hiện chuyến đi của họ”. Có những vali của hành khách chứa nhiều món đồ vừa có giá trị vật chất và vừa có giá trị tình cảm. Các đường dây nóng chỉ cung cấp vài sự trợ giúp, còn du khách thì bị mắc kẹt trong chính kỳ nghỉ lễ.

Chậm trễ bồi thường

Theo dự đoán, ngành hàng không sẽ được phục hồi, với nhu cầu du lịch bằng máy bay tăng vào mùa hè. Nhưng sau khi hàng chục nghìn phi công, tiếp viên và nhân viên sân bay trên khắp thế giới bị dư thừa do các lệnh cấm đi lại quốc tế của đại dịch, ngành công nghiệp này đã chậm lại.

Tại Australia, hãng hàng không hàng đầu Qantas đã làm mất nhiều hành lý nhận được tại trung tâm khu vực ở Sydney. Họ bị thiếu nhân viên xử lý hành lý, phải thuê ngoài khoảng 1.700 công việc trong thời kỳ đại dịch. Nhiều nước ở châu Âu đã để xảy ra đình công do điều kiện làm việc và mức lương thấp.

Tỷ lệ hành lý bị xử lý sai đã tăng lên sau cuộc cắt giảm nhân sự trong đại dịch. Ảnh: Getty Images.

Để vali có thể tìm lại chủ, hãng hàng không Delta Air Lines điều một chiếc máy bay chở 1.000 vali bị thất lạc từ Anh về Detroit, Mỹ để giải quyết. Nhưng có nhiều chủ vali lại bỏ rơi hành lý của mình trong bối cảnh lộn xộn này.

Deborah Sergeant, bay từ thành phố Mexico City đến Lima bằng hãng hàng không Copa vào tháng 2/2022, cho biết: “Tôi đã đợi 3 giờ ở băng chuyền hành lý cho đến đầu giờ sáng, một nhân viên đến nói với tôi rằng chẳng có hồ sơ nào về hành lý của tôi trên hệ thống cả".

Cô ước tính chiếc vali khổng lồ của cô chứa tài sản trị giá 1.500 USD và cô đã hết tiền sau khi không được bồi thường và phải mua một tủ quần áo mới, cùng vô số vật dụng khác.

YouTuber Connor Colquhoun và nhóm của anh ấy đã bị mất tương đương 50.000 USD khi hai túi dụng cụ quay phim bị thất lạc trong hành trình từ Heathrow đến Los Angeles vào tháng sáu. Anh nói: “Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với hãng nhiều lần gần như mỗi ngày nhưng không nhận được tin gì. Rất khó để liên lạc được với họ".

Nếu như hành lý được tìm thấy, trong một số trường hợp, chúng bị hư hỏng và dập nát. Việc lên tiếng trên mạng xã hội đã giúp một số người nhận được khoản bồi hoàn. Một số người được gửi trả hành lý về tận nhà, nhưng phải chờ rất lâu sau đó.

Du khách người Mỹ Donna O'Connor đã đến Ireland vào ngày 30/6 để rải tro cốt của cha mẹ quá cố tại một trang trại gia đình, nhưng đã bị thất lạc túi tro sau 9 giờ chậm chuyến.

O'Connor đã đến sân bay Dublin mỗi ngày trong một tuần trong tháng này, thay vì đi đến trang trại như kế hoạch, cố gắng tìm chiếc túi chứa hài cốt quý giá của cha mẹ cô trong tuyệt vọng. Sau sự hỗ trợ ít ỏi từ hãng Air Canada, cô đột nhiên nhận được một cuộc gọi nói rằng họ đã gửi tro về nhà của cô ở Chicago.

Hành khách phải tự trang bị

Một phần nhờ vào tiến bộ công nghệ, số lượng hành lý bị mất tích đã giảm trong 10 năm qua, nhưng tới năm 2019, nó đã tăng vọt lên. Cứ 1.000 hành lý thì có 7 hành lý bị các hãng hàng không Mỹ xử lý sai vào tháng 6/2021.

Theo dữ liệu, mức độ hành lý bị xử lý sai trong năm nay vẫn chưa vượt quá tỷ lệ trước đại dịch, tính tới tháng 4/2022. Nhưng Marc Casto, một giám đốc điều hành công ty du lịch từ châu Mỹ của Flight Centre Travel Group, dự đoán dữ liệu của mùa hè sẽ phản ánh tình hình tồi tệ.

"Việc bị lạc hành lý sẽ xảy ra nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhất trong 25 năm làm việc của tôi. Mọi phân khúc của ngành du lịch đều phải đấu tranh với tình trạng thiếu lao động, từ nhân viên xử lý hành lý cho đến tiếp viên và phi công hàng không”, ông chia sẻ.

Ông dự đoán, chỉ khi các hãng hàng không và sân bay tuyển dụng và đào tạo nhân viên thì vấn đề mới giảm bớt đáng kể.

Casto cảnh báo: “Tôi chân thành khuyên tất cả du khách nên tránh hành lý ký gửi nếu có thể". Theo các chuyên gia, du khách nên giảm thiểu rủi ro bằng cách mua các thiết bị theo dõi, chụp ảnh các vật dụng có giá trị bên trong để báo cáo với bảo hiểm.

Mapfre SA cho biết hầu hết hành lý bị thất lạc sẽ được trả lại cho chủ nhân. Hôm 18/7, Choi vẫn chưa nhận được tin từ hãng hàng không, nhưng cô đã nhận thấy trên thiết bị theo dõi GPS của mình rằng túi của con trai cô đã đến Mexico.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khach-bay-di-mexico-hanh-ly-luu-lac-10000-km-sang-duc-post1338020.html