Mùa hè của em ở trên rẫy, trên nương

Đi trại hè, tham quan, du lịch hoặc tham gia các lớp học kỹ năng sống… là các hoạt động vui chơi, giải trí phổ biến của trẻ em thành thị mỗi dịp hè về. Ngược lại, với trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS), đó là những điều quá ư xa xỉ. Dịp nghỉ hè là thời điểm các em cùng bố mẹ đi làm nương, làm rẫy ở lưng chừng núi, đi chăn trâu, bò trong rừng hoặc ở nhà trông em.

Bố mẹ đi làm nương, các em nhỏ ở Kỳ Sơn, Nghệ An tự trông nhau và trông nhà. Ảnh: Bích Nguyên

Bố mẹ đi làm nương, các em nhỏ ở Kỳ Sơn, Nghệ An tự trông nhau và trông nhà. Ảnh: Bích Nguyên

Nghỉ hè” trên nương

Chúng tôi tới công tác tại các xã biên giới tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đúng dịp cả nước tưng bừng tổ chức Tết thiếu nhi 1-6. Trái ngược với không khí náo nức, vui vẻ của trẻ em miền xuôi, ở các bản làng vùng cao nơi chúng tôi tới, trẻ em hầu như không biết tới ngày Tết của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, cô bé Cụt Thị Thu, 12 tuổi, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An thỏ thẻ: “Cháu không biết ngày 1-6 là ngày gì”. Không chỉ Thu mà nhiều bạn nhỏ khác ở cùng xã không biết tới ngày Quốc tế thiếu nhi, bởi chưa bao giờ các em được người lớn tổ chức cho vui chơi vào dịp này, cũng không có ai nói cho biết về ngày Tết lớn nhất của trẻ em này. “Năm ngoái, lần đầu tiên con được đi rước đèn Trung thu, rất vui. Còn Tết thiếu nhi con chưa được tham gia bao giờ” – Thu kể.

Năm nay, ngày kết thúc năm học, bắt đầu kỳ nghỉ hè cũng là thời điểm Thu phải cùng mẹ và chị đi phát nương, gieo hạt cho mùa trồng lúa mới. Cô bé cho biết: “5 ngày vừa rồi, con cùng mẹ lên nương phát cỏ, trỉa lúa. Mệt lắm, cô ạ. Con chỉ thích được đi chơi với bạn bè thôi”. Ước muốn nhỏ bé của Thu cũng là điều mong ước chung của nhiều em bé DTTS khác ở đây, bởi các em không có sân chơi riêng cho mình. Mùa hè của các em thường lên nương, rẫy làm việc cùng cha mẹ.

Tuổi thơ của cô bé Tám, người dân tộc Khơ Mú, ở xã Bắc Lý cũng gắn liền với nương rẫy. Từ nhiều năm nay, cô học trò lớp 8 này phải “cất” niềm mong ước được thoải mái vui chơi sang một bên để giúp đỡ gia đình. Cô bé cho hay: “Lúc chúng cháu được nghỉ hè cũng là lúc mùa làm rẫy bắt đầu. Vì thế cháu thường phải giúp bố mẹ đi phát rẫy sau đó trỉa lúa, khi lúa lên thì đi nhổ cỏ”. “Cháu không đi chơi cùng các bạn sao?”. Trả lời câu hỏi của tôi, Tám buồn rầu đáp: “Cháu không có bạn nào đi chơi cùng vì các bạn ấy cũng đi làm rẫy cả”.

Dù muốn con được vui chơi, được đảm bảo an toàn, nhưng chị Lầu Y Hừ, một phụ nữ Mông ở xã Nậm Càn cũng như bao bà mẹ khác buộc phải đưa con đi làm nương cùng. Chị có 4 con, trong đó, con lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất hơn 1 tuổi. Mỗi lần đi nương, vợ chồng chị mang cả 4 con theo. Chị dựng tạm một cái chòi nhỏ trên nương để các em ở đó tự chơi, tự trông nhau. “Chúng ở đó, tự chơi với nhau thôi. Đứa lớn trông đứa bé. Mình để sẵn nước và gói cơm ở đó để chúng tự lấy ăn” – Chị Hừ cho biết.

Thiếu vắng sân chơi cho trẻ

Do điều kiện kinh tế-xã hội ở miền núi còn khó khăn, thiếu thốn, trẻ em DTTS chưa được quan tâm đúng mức tới nhu cầu vui chơi giải trí. Việc tạo dựng các sân chơi cho trẻ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng rất hạn chế. Sân chơi của trẻ em DTTS thường ở trên nương rẫy, bên bờ suối, thậm chí là ở trên đường bụi đất.

Anh Lầu Bá Xềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Càn, Kỳ Sơn, Nghệ An bộc bạch: “Do điều kiện xã còn nghèo nên sự quan tâm tới các cháu thiếu nhi chưa được nhiều. Hằng năm, vào dịp Tết Trung thu, chúng tôi có tổ chức cho các cháu thiếu nhi rước đèn ở các điểm trường, tặng quà cho 20-30 cháu thiếu nhi thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực tế, chúng tôi rất thiếu kinh phí và cơ sở vật chất để tổ chức Tết thiếu nhi và các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi của xã mỗi dịp hè về”.

Trong suốt hành trình đi tới các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, hình ảnh chúng tôi thường gặp là những em bé cởi trần, người đen trũi, lấm lem bùn đất, thơ thẩn chơi quanh nhà hoặc đuổi nhau chạy trên đường dưới cái nắng chang chang. Hỏi chuyện mới biết, bố mẹ đi làm nương, các em ở nhà tự trông nhau. Không có chỗ chơi, chúng đuổi nhau chạy ngoài đường, lúc nóng quá, chúng chạy xuống suối tắm. Một cậu bé chia sẻ: “Tắm suối là trò chơi yêu thích nhất của bọn con. Ngày nào chúng con cũng rủ nhau ra suối tắm, té nước đùa nhau”.

Trên thực tế, có trẻ đã bị đuối nước khi đi tắm suối. Biết là chơi đùa ở khe suối, thác nước không đảm bảo an toàn, nhưng trẻ em DTTS không có sự lựa chọn nào khác, bởi chúng không có sân chơi riêng cho mình. Với các em, được té nước lên người nhau, được vùng vẫy thỏa thích trong những khe suối nước trong vắt là hạnh phúc lắm rồi.

Thực tế, trong quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất, các địa phương miền núi thường không để ý tới việc dành quỹ đất hay xây dựng các công trình đa năng, có thể làm khu vui chơi cho trẻ nhỏ. Cũng không có nhiều địa phương quan tâm tới nhu cầu vui chơi của trẻ em DTTS. Các tổ chức Đoàn thanh niên chưa nghĩ tới việc tổ chức sinh hoạt hè hoặc các hoạt động vui chơi khác cho trẻ em DTTS.

“Trên ti vi, cháu thấy các bạn nhỏ như mình được đi chơi, được tham gia các chương trình chơi mà học, học mà chơi rất thích thú. Cháu chỉ mong ước được vui chơi như vậy một lần. Cháu muốn sau này lớn lên sẽ tổ chức Tết Trung thu và Tết thiếu nhi 1-6 thật lớn để các em nhỏ không phải chịu thiệt thòi như cháu hôm nay” – Tám tâm sự.

Có thể thấy, những hoạt động vui chơi của trẻ em DTTS chủ yếu là tự phát, bên cạnh các trò chơi truyền thống như ô ăn quan, mèo đuổi chuột, nhảy lò cò, các em chỉ còn biết đi ra suối tắm mà không có sự giám sát của người lớn. Chính quyền nhiều địa phương vì nhiều lý do khác nhau chưa chú ý tới việc tổ chức các hoạt động vui chơi có quy củ cho thiếu nhi, thậm chí là bỏ trống mảng này.

Khát khao có một mùa hè vui chơi bổ ích của trẻ em là một ước mơ chính đáng cần được gia đình, xã hội quan tâm. Việc tạo dựng những sân chơi lành mạnh, những hoạt động tập thể cho trẻ em DTTS vui chơi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống giúp trẻ mạnh dạn hơn là điều cần thiết. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần quan tâm xây dựng các chương trình, sân chơi cho thiếu nhi nhiều hơn để các em được phát triển toàn diện và tránh được các tai nạn đáng tiếc xảy ra khi thiếu sân chơi, thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mua-he-cua-em-o-tren-ray-tren-nuong/