Mùa hè 2021, thời tiết cả nước sẽ diễn biến ra sao?

Theo nhận định của chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa hè 2021, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như năm 2020. Nhiệt độ trung bình trong các tháng 4 - 5/2021 trên cả nước phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời điểm nóng trong năm từ tháng 5 đến tháng 7

Theo ông Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, thời tiết năm nay sẽ ôn hòa, thiên tai không dồn dập như năm 2020. Theo dự báo, mùa hè 2021 nhiệt độ trung bình trong các tháng 4 - 5/2021 trên cả nước phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ, riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ trong tháng 4/2021 nhiệt độ thấp hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,50-1,0C.

Nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như năm 2020. Thời điểm nóng nhất trong năm ở khu vực Bắc Bộ là từ tháng 5 đến tháng 7, trong khi ở Trung Bộ là tháng 6 đến tháng 8

Liên quan đến dự báo chỉ số UV, trong những ngày hè, khi trời quang mây và có nắng gắt, cường độ tia cực tím UV sẽ rất cao, nguy hiểm đối với con người, đặc biệt là da và mắt.

Do đó, trong những ngày chỉ số UV ở mức 6 - 7 (mức gây hại cao) và từ 8 đến 10 và trên 10 (mức gây hại rất cao) thì khi ra đường chúng ta cần trang bị các vật dụng bảo vệ mắt và da như đeo kính và mặc áo chống nắng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài, đặc biệt là thời gian ban trưa và đầu giờ chiều, thời điểm tia UV thường đạt cực đại” - ông Hoàng Phúc Lâm đưa ra khuyến cáo cho người dân.

Tình hình hạn mặn đồng bằng Sông Cửu Long

Nhằm thông tin về tình hình hạn mặn ở đồng bằng Sông Cửu long có diễn biến ra sao và dự báo trước tình hình năm nay, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 ở mức cao hơn TBNN và không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Hiện tại xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức cao, chiều sâu ranh mặn 4g/l trên các sông Vàm Cỏ từ 85 - 95km, trên các cửa sông Cửu Long từ 45 - 60km, trên sông Cái Lớn từ 57 - 60km.

Sang tháng 4, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng độ mặn vẫn ở mức cao, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt từ 11 - 14/4, 24 - 30/4, trên sông Cái Lớn tiếp tục tăng cao từ 15 - 24/4. Từ tháng 5, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm dần.

Trước tình hình trên, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nêu rõ, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV để chủ động phòng chống.

Đặc biệt, thông tin thêm về tình hình diễn biến mưa bão lũ thời gian tới đây, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, hiện tượng La Nina còn duy trì trong tháng 4 - 5/2021 với xác suất khoảng 60%, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính vào nửa cuối năm 2021.

Trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4 - 6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Dự báo, tháng 4 và tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và ATNĐ trên Biển Đông; giai đoạn tháng 6 - 7/2021 bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những tháng 8 - 9/2021.

Hà Ánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mua-he-2021-thoi-tiet-ca-nuoc-dien-bien-ra-sao-414798.html