Mùa Halloween đi tìm lời giải thích cho nghịch lý 'sợ ma nhưng mê nghe chuyện ma' của teen

Cứ dịp Halloween về, duy nhất hội 'sợ ma' bị 'réo tên' khắp mặt trận, từ trêu cho vui cho đến dọa 'có chủ đích'. Hội 'sợ ma' thường bị ghẹo bằng những biệt danh không mấy tích cực: Đồ con nít, đồ yếu bóng vía, đồ nhát gan... Quản lý cộng đồng có hơn 310.000 thành viên chuyên thảo luận về đề tài kinh dị, anh Phi Vũ đã tiết lộ nguyên nhân đằng sau hội chứng này mà ít người biết.

Nhận biết các dạng "ông kẹ" của Hội "sợ ma"

#Team_tưởng tượng:Nếu bỏ các bạn ấy một mình trong bóng đêm, trí tưởng tượng các bạn ấy bay cao, bay xa như... phi thuyền Apollo 11 được phóng lên Mặt Trăng. Bạn Châu My (Quận 7, TP.HCM)kể: “Mỗi khi đi một mình trong đêm thì trong đầu mình xuất hiện hơn 7749 kiểu sinh vật huyền bí, hay còn gọi bình dân là ma. Mình còn tưởng tượng rằng có người đang đi theo sau mình. Kiểu giống một dạng ám ảnh tâm lý ấy!”.

Mùa Halloween luôn là thời điểm bị trêu chọc nhiều nhất của Hội sợ ma - Ảnh: Internet

Mùa Halloween luôn là thời điểm bị trêu chọc nhiều nhất của Hội sợ ma - Ảnh: Internet

#Team_sợ_do_xem_phim_kinh_dị: Mỗi khi nhớ lại những phân cảnh đáng sợ trong phim kinh dị, hội "sợ ma" lại cảm thấy "rùng mình" và lạnh sống lưng. Bạn Hồng Minh (Quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Những phân cảnh hù dọa của phim kinh dị, mình đều bịt tai, nhắm mắt. Tuy nhiên, mình bị ám ảnh lắm, nhất là khi phải ngủ một mình nữa."

Thục Linh - tác giả truyện kinh kinh dị "Ngôi làng cổ mộ" được yêu thích trên mạng xã hội chia sẻ về ý tưởng phim kinh dị xuất phát từ những cơn ác mộng. Ảnh: NVCC

#Team_gặp_ác_mộng: Những giấc mơ kì lạ nhưng không mấy dễ chịu thường xuyên xuất hiện trong giấc ngủ ban đêm của hội "sợ ma". Chị Thục Linh(tác giả truyện kinh dị "Ngôi làng cổ mộ") kể: “Vào thời điểm mình chắp bút viết về "Ngôi làng cổ mộ" - tác phẩm đầu tay vừa được xuất bản của mình, bản thân đã nằm mơ thấy một khung cảnh của ngôi làng mỡ người nổi lên chằng chịt cùng những oan hồn vất vưởng... Sau khi tỉnh dậy, thấy sợ hãi về điều đó và cũng ấn tượng với những chi tiết kinh dị đến rợn người nên mình đã sáng tác truyện ngay lập tức”.

Lời giải đáp về chứng "sợ ma" và nghịch lý "sợ ma nhưng thích đọc truyện kinh dị"

Anh Phi Vũ (quản lí của nhóm cộng đồng “Không Sợ Ma, Xóa Group!” với hơn 310.000 thành viên)chia sẻ: “Chúng ta luôn có những nỗi sợ vô hình và hữu hình, mang những hình thái khác nhau. Như ngày xưa, ông bà cha mẹ thường dùng hình ảnh Ông Kẹ (Ông Ba Bị, Slender Man…) để hù dọa mỗi khi ta quấy khóc và kết quả là chúng ta nín khóc ngay lập tức. Ngày nay, xã hội chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông nên hình ảnh về thế giới tâm linh ngày càng đa dạng để phục vụ nhu cầu tò mò và giải trí của con người. Điều không hay ở chỗ: Việc ấy làm một số bạn nhạy cảm hoang mang, sợ hãi hơn”.

Anh Phi Vũ (quản lí của cộng đồng “Không Sợ Ma, Xóa Group!”) lý giải về nỗi sợ ma của nhiều bạn trẻ trong thời hiện đại. Ảnh: NVCC

Chứng "sợ ma" cũng tương tự những chứng sợ hãi khác: Sợ sấm, sợ rắn, sợ chó, sợ mèo... Nó xuất phát từ bản năng “muốn bảo vệ vệ mình và thông báo cho cộng đồng” trong tập tính sinh hoạt hàng trăm ngàn năm của con người. Cơ chế này sinh ra chỉ để bạn không gặp nguy hiểm.

Khị bạn sợ, cơ thể sẽ chào đón một “cơn lũ” hoóc-môn. Theo trang Psychology Today, lúc sợ hãi, lượng adrenaline dâng trào và giải phóng endorphin (loại giảm bớt đau đớn) và dopamine (loại làm bạn cảm thấy hạnh phúc, hưng phấn).

Khi bạn biết được mình an toàn, nỗi sợ hãi sẽ giảm bớt và chỉ còn lại cảm giác nhẹ nhõm, hạnh phúc vì còn chút “lưu luyến” của các hoóc-môn. Điều này giải thích cho việc một số bạn dù sợ vẫn “thích chí” tiếp xúc với các tác phẩm kinh dị vì những lần “sảng khoái”.

Nhiều câu chuyện kinh dị trong "vũ trụ" văn học trở thành nguồn cảm hứng thú vị đối với teen. Ví dụ bài rap "Bắc Kim Thang" của anh chàng rapper Ricky Star từng "gây bão" mạng xã hội.

Thực tế, không thiếu câu chuyện kinh dị trong "vũ trụ" văn học và đó luôn là điều tạo cảm giác kích thích, xen lẫn sợ hãi, được truyền tai từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từ đồng dao “Bắc kim thang”, “Cô dâu chú rể đập bể bình bông” đến cả trong những câu thơ trung đại: “Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng” (Truyện Kiều), “Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người” (Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du) cho đến con ma nhà Pá Trá, niềm tin của người dân Tây Bắc trong (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)...

Bạn Khánh Ly (Như Thanh, Thanh Hóa) có cách lí giải khác về hội chứng "sợ ma" của mình: “Khi sợ ma hay khi bạn tin rằng trên thế giới này có ma quỷ, đại diện cái ác, thì ắt sẽ tin vào thiên thần đại diện cái thiện. Những lúc bạn cảm thấy tiêu cực thì chính nỗi sợ ấy sẽ ngăn cản bạn lại bằng ý nghĩ nếu ta hành động như thế sẽ trái với lương tâm và ta buộc phải chịu trừng phạt."

Còn bạn, bạn có suy nghĩ như thế nào về hội "sợ ma"?

Chí Cường - Wann

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hht-kham-pha/mua-halloween-di-tim-loi-giai-thich-cho-nghich-ly-so-ma-nhung-me-nghe-chuyen-ma-cua-teen-1743053.tpo