Mùa Giáng sinh nhân ái

Tiếng nhạc Giáng sinh ngân nga, nụ cười ân cần, ấm áp của các soeur dành cho các em yếu thế khiến lòng chúng tôi cảm giác nao nao, cảm nhận về một mùa Giáng sinh an bình, hạnh phúc.

Mùa Vọng ấm áp

Đêm 22-12, ở Giáo xứ Bắc Thành, Nha Trang diễn ra đêm nhạc “Hãy thắp sáng lên 3” do Ban Bác ái xã hội Caritas Giáo phận Nha Trang (viết tắt là Caritas Nha Trang) tổ chức, nhằm quyên góp để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn. Chập tối, các ca viên, học viên lớp giáo lý của Giáo phận Nha Trang đã náo nức chuẩn bị. Các em nam áo khoác đỏ, cầm đèn cầy; các em nữ mặc váy áo đồng phục; mấy em nhỏ còn đeo chiếc cài đầu gắn sừng tuần lộc xinh xinh.

 Trang trí cây thông Noel ở Mái ấm Nhân Ái.

Trang trí cây thông Noel ở Mái ấm Nhân Ái.

Khi khúc Hoan ca Giáng sinh cất lên, tất cả cùng say sưa hát: “Đẹp rộn ràng, chuông ngân vang/Giáng sinh, Giáng sinh đang về, hát lên khúc ca Giáng sinh”. Mấy bạn nhỏ ngồi dưới giơ tay, gióng nhịp, hát theo bài Chú bé đánh trống, do các em gái Giáo xứ Bắc Thành thể hiện: “Lòng thật vui, con khua vang Pá rum pum pum pùm! Nhịp này đây con dâng lên Pá rum pum pum pùm!...”. Nhiều người đã chấm mắt khi thấy những bàn tay không lành lặn chơi đàn, đánh trống. Soeur Trương Thị Huyền Trâm - Hiệu trưởng Cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ Sao Mai cho biết: “Hồi nhỏ, Đ.H.M.T (24 tuổi, bị down), người mềm như cọng bún, bệnh miết. 15 năm ở tại cơ sở, em đã lớn lên, chơi được đàn organ, múa. Đó là cả kỳ công”.

Linh mục Trần Huy Hoàng - Giám đốc Caritas Giáo phận Nha Trang, Giám đốc Phòng khám Mẫu Tâm, Chánh xứ Giáo xứ Bắc Thành chia sẻ, Caritas Nha Trang đảm nhận tổ chức đêm nhạc với ước mong đồng hành cùng những người kém may mắn, giúp họ vui hưởng mùa Giáng sinh an bình, hạnh phúc, kêu mời mọi người sống yêu thương, gắn kết, làm lan tỏa tinh thần bác ái đến cộng đồng.

Mùa Vọng là mùa của yêu thương và vui mừng. Điều đó thể hiện rõ qua nụ cười rạng rỡ và lời chia sẻ của Đ.H.M.T: “Em tập 2 tiết mục tham gia đêm nhạc hàng năm rồi. Em mong chờ đêm nhạc nhiều lắm. Đêm nhạc khiến em thấy rất ấm áp”.

Bác ái và phục vụ

Gần trưa, Mái ấm Nhân Ái (thôn Thống Nhất, xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh) rộn ràng tiếng trẻ vui đùa. Dẫn chúng tôi tới cây thông Noel, Kiều Thị Phương Ngọc (học lớp 6) tự hào khoe: “Soeur và chúng con trang trí đó”. Nguyễn Thảo Trà My (học lớp 6) bày tỏ rất thật: “Con mong tới Giáng sinh lắm, vì được dự lễ, được tặng quà, được chơi đồ dán hình..., nhưng con phải cố học xong môn Lịch sử đã. Làm bài kiểm tra không tốt, đón Giáng sinh mất vui”. Một bé nhanh nhẹn dẫn chúng tôi đi tham quan chốn học tập, phòng ăn, sân chơi... Tới đâu, cũng râm ran những tiếng chào lễ phép. Giờ ăn, tất cả trật tự ngồi theo lứa tuổi, đồng thanh mời cơm. Nhìn vẻ hồn nhiên của trẻ, thật khó hình dung các em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Tiết mục của các em nhỏ khuyết tật tại đêm nhạc Giáng sinh Hãy thắp sáng lên 3.

Mái ấm Nhân ái nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt từ năm 2008, lấy kinh phí từ Hội Dòng Mến Thánh giá Nha Trang, các ân nhân và nguồn thu từ 1 nhà trẻ ở Ba Ngòi do 3 soeur phụ trách... Hiện nay, mái ấm có 11 soeur trực tiếp chăm sóc và 10 nhân viên, nuôi dưỡng 75 em (nhỏ nhất 14 tháng tuổi, lớn nhất 23 - 24 tuổi) và 3 cụ già neo đơn. Nhiều trường hợp bị bỏ rơi từ khi mới 1 - 2 ngày tuổi. Có bé nuôi đến 7 tháng tuổi mới phát hiện bị teo 1/4 não, phải chăm sóc, chữa trị rất vất vả. Hàng ngày, các soeur dậy từ 4 giờ sáng, làm việc và kèm cặp, uốn nắn các con từng việc nhà, nếp ăn, cách giao tiếp, việc học hành, lo lắng mất ngủ mỗi khi con đau bệnh. Phan Thị Duyên (20 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Khánh Hòa) chia sẻ, em sống ở mái ấm từ năm 12 tuổi. Em luôn được các soeur chỉ bảo tận tình, tạo điều kiện để theo đuổi ước mơ học nghề y. Soeur Phạm Thị Định chia sẻ giản dị, với các soeur, niềm vui phục vụ chính là được chăm sóc các con, thấy các con trưởng thành, hạnh phúc. Được biết, đến nay, Mái ấm Nhân Ái đã có 15 em học đại học, cao đẳng; 18 em được nhận nuôi ở nước ngoài, 2 em có gia đình ruột nhận lại. Ngoài Mái ấm Nhân Ái, Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang còn chăm sóc nhiều em nhỏ khuyết tật, người già yếu, bệnh phong... tại Mái ấm Hy Vọng (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) và Cơ sở làng phong xã hội Cam Tân.

Đến Phòng khám Mẫu Tâm (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang), nếu không để ý các hang đá bêlem được trang trí ngoài sân, hay cây thông Noel, đàn tuần lộc đính bông tuyết, chở nhành hồng; máng cỏ lồng trong trái tim lấp lánh nơi bàn tiếp đón, sẽ khó cảm nhận rõ rệt không khí Giáng sinh, bởi các soeur chẳng hề sao lãng công việc. Cụ bà vừa rời bàn tiếp đón, đã thấy một soeur đỡ bên, dìu ra ghế, ân cần dặn dò chờ vào phòng khám nhu châm. Bà Phạm Thị Thủy (56 tuổi, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: “Tôi bị khớp đã nhiều năm, điều trị nhiều tháng ở TP. Hồ Chí Minh không đỡ, tốn kém quá nên đành quay về nằm một chỗ. Sau 3 lần điều trị tại Phòng khám Mẫu Tâm, tôi đã đi lại được, chi phí chưa tới 1 triệu đồng. Tôi mừng lắm!”. Còn ông Lê Vệ (83 tuổi, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), cánh tay phải cũng đã bớt tê nhức sau 4 lần điều trị tại phòng khám.

Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, toàn tỉnh có hơn 120.000 giáo dân, 73 giáo xứ, 19 dòng tu nữ, 7 dòng tu nam. 100% bà con Công giáo đều tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”.

Phòng khám Mẫu Tâm hiện có 2 bác sĩ, 2 lương y, 2 dược sĩ và 15 y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; các y, bác sĩ đều là nữ tu của Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ. Mỗi ngày, phòng khám phục vụ hơn 120 bệnh nhân. Từ khi thành lập (ngày 20-10-2018) tới nay, phòng khám đã khám chữa bệnh cho khoảng 7.200 lượt người bệnh ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Vũng Tàu... Có người được miễn phí hoàn toàn; có người chỉ phải trả một số tiền nhỏ, tùy hoàn cảnh. Số tiền thu được dùng bảo trì các thiết bị y tế như: máy chụp X-quang, siêu âm màu, đo điện tim, điện não... Linh mục Trần Huy Hoàng cho biết, được giáo hội định hướng, Giáo phận Nha Trang đã đặt vào chương trình mục vụ của mình là tìm đến, phục vụ người nghèo, từ đó đối thoại với chính quyền để xây dựng Phòng khám Mẫu Tâm, phục vụ cả người lương - giáo.

Cũng với tinh thần sẻ chia, ngoài Phòng khám Mẫu Tâm, Caritas Nha Trang còn có nhiều hoạt động bác ái xã hội khác. Chương trình giúp lương thực hàng tháng cho 150 hộ nghèo được thực hiện từ năm 2012, hiện tiếp tục giúp 10kg/hộ cho 800 gia đình. Từ năm 2013, Caritas Nha Trang tập trung các gia đình bị nhiễm HIV để sinh hoạt, chia sẻ kỹ năng sống giúp tránh lây nhiễm; hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, học bổng cho con cái… để các gia đình tự tin tiếp xúc, vui sống an bình. Đều đặn 2 tháng/lần, Caritas Nha Trang tổ chức mổ cườm mắt, mộng thịt cho khoảng 30 người nghèo, không kể lương - giáo tại TP. Hồ Chí Minh. Qua 3 năm, đã có khoảng 800 người được phẫu thuật. Caritas Nha Trang còn phối hợp làm thêm 3 căn nhà cho bà con đồng bào Raglai ở Cam Lâm, xây dựng 1 hệ thống nước sạch và giúp các em nhỏ được đến trường... Sau cơn bão số 12 năm 2017, Caritas Nha Trang đã kêu gọi ứng cứu khẩn cấp cho các vùng tâm bão 46 tấn gạo, 2.000 thùng mì gói, 2.000 lon sữa, 12 máy phát điện; giúp lợp lại 369 mái nhà, trong đó 50 căn nhà được xây mới với kinh phí 50 triệu đồng/nhà...

Tinh thần yêu thương và phục vụ trong giáo dân đã góp phần thể hiện “người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, mang đến cho mọi người mùa Giáng sinh an bình, hạnh phúc.

N.V - V.G

Ông Trần Vạn Giã - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh: Những năm qua, đời sống đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn được phát triển; bộ mặt các xứ đạo, họ đạo được đầu tư xây dựng, sửa chữa ngày càng khang trang. Đồng bào Công giáo luôn vững tâm giữ đạo và thực hiện nghiêm trách nhiệm công dân, giữ gìn và xây dựng mối đoàn kết lương, giáo hòa hợp, hướng đến tạo dựng xã hội an bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, việc làm thiện nguyện vì cộng đồng được các giáo xứ, họ đạo thực hiện tốt, lan tỏa tình bác ái, sống tốt đời đẹp đạo

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/201912/mua-giang-sinh-nhan-ai-8142933/