Mua gì làm quà khi đến Hà Nội

Khi đến với Hà Nội, du khách không chỉ thăm quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn có dịp tìm hiểu về cuộc sống thường nhật, những thói quen, thú vui tao nhã của người dân xứ Hà thành. Để khi quay về nhà, trong hành lý, du khách không quên mang theo một chút quà của Hà Nội để thêm nhớ thương về miền đất thủ đô nghìn năm văn hiến.

Cốm làng Vòng

Cốm Làng Vòng là một đặc sản ẩm thực của làng Vòng thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm; nay thuộc phường Dịch Vọng hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo như nhiều người cao tuổi ở Làng Vòng cho biết thì cái tên này xuất phát từ địa thế của làng nằm trong một con đường vòng hình tròn, tức là đi vòng quanh làng theo một con đường. Làng gồm nhiều thôn như Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung. Bên ngoài vòng tròn là địa giới làng khác.

Cốm làng Vòng từ lâu đã là đặc sản nổi tiếng của Hà Nội

Cốm làng Vòng từ lâu đã là đặc sản nổi tiếng của Hà Nội

Nghề làm cốm làng Vòng, bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.

Cốm làng vòng ăn với chuối tiêu vị ngon sẽ được nâng lên mấy phần

Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm

Cốm được gói trong 2 lớp lá, một lớp lá ráy tươi đảm bảo cốm không bị khô, ngoài cùng là lớp lá sen thoảng hương thơm ngát, buộc trong sợi rơm lúa nếp vàng tươi khiến món ăn càng mang đậm hương đồng nội.

Bạn có thể thưởng thức các món ngon từ cốm như bánh cốm, xôi cốm, cốm xào hay chả cốm...

Ô mai Hà Nội

Dạo bước trên những con phố Hà Nội, vào buổi chiều cuối thu trời sẽ lạnh tạo nên một cảm giác man mác buồn, quanh những con phố còn vương vấn hương của sự ồn ào của cuộc sống, nhưng đâu đó vẫn đọng lại sự quen thuộc, thân quen đến ngọt ngào của ô mai Hà Nội xưa. Dù đã bao năm trôi qua, nhưng hương vị của ô mai Hà Nội dường như vẫn vậy, luôn ngọt ngào, cái vị chua, cay, mặn, ngọt ấy đẹp đến nỗi khiến mọi thực khách phải nao lòng.

Ô mai Hà Nội luôn có mặt trong hành trang của lữ khách khi tạm biệt Hà Nội

Chỉ cần nếm một chút thôi, vị ngọt ngọt, mặn mặn, chua chua, cay cay sẽ tan nơi đầu lưỡi, thấm dần, ngậm càng lâu càng cảm nhận được thứ vị rất riêng của món quà chỉ được làm từ các loại trái cây thiên nhiên ấy.

Ô mai Hà Nội có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay

Gu” ẩm thực của người Hà Nội vốn thanh lịch, tinh tế. Người Hà Nội không chuộng những thứ vị sắc ngọt quá, chua quá hay cay quá. Vậy nên ô mai Hà Nội, thứ dung hòa cả ba vị đối lập kia lại dễ chiếm được cảm tình kể cả với những người khó tính nhất.

Ô mai Hà Nội được chế biến từ những loại trái cây thiên nhiên

Bánh chả

Bánh chả từ lâu đã trở thành món ăn vặt thân thuộc của người Hà Nội được yêu thích từ người già cho đến trẻ nhỏ. Không ai rõ bánh chả do ai tạo ra và có từ khi nào, chỉ biết ở khắp các phố phường Hà Thành trước kia đã có những gia đình chuyên sản xuất thủ công và buôn bán loại bánh này. Qua quá trình lâu dài, bánh chả đã là một trong những món ăn vặt truyền thống của con người đất Hà Thành.

Bánh chả thích hợp nhất là thưởng thức với trà nóng

Được gọi là bánh chả bởi vì chiếc bánh nhỏ xinh xinh màu vàng ươm, nhân thập cẩm được bao bên ngoài được bao bọc bởi bột mì rất giống với viên chả tịt băm. Giống như các loại bánh ngọt truyền khác, bánh chả thích hợp nhất là được thưởng thức cùng với trà nóng.

Người Hà Nội không ai là không biết món bánh chả thần thánh này

Trong cái chớm lạnh đầu đông của Hà Nội, những chiếc bánh chả vàng rộm thơm lừng vị lá chanh cùng cái béo ngậy của thịt mỡ lạp xưởng, ngọt của mứt bí, ăn một miếng giòn vỡ trong miệng rồi đến cái dai dai của mỡ đã trở thành một hương vị không chỉ thân thuộc mà còn là món quà ăn vặt thơm ngon đặc sắc của con người Hà Nội.

Trà sen Hồ Tây

Trà sen vốn được người Việt mình coi là “thiên cổ đệ nhất trà”. Vậy nên, nếu bạn muốn chọn một món đặc sản Hà Nội làm quà biếu tặng người thân thì hãy nhớ tới trà sen Tây Hồ nhé.

Trà sen Hồ Tây được coi là dòng trà Việt có giá đắt đỏ nhất. Mỗi cân trà sen Hồ Tây có giá cao tới 10 – 13 triệu/kg.

Trà sen vốn được người Việt mình coi là “thiên cổ đệ nhất trà”

Trà sen Hồ Tây đắt như vậy bởi lẽ, để làm ra được thức trà tuyệt hảo này đòi hỏi nhiều công sức người làm lắm lắm. Người ta phải cần tới 1500 bông Sen Bách Diệp Tây Hồ được hái trước bình minh, khi hoa còn khép cánh; cùng 1 kg trà Tân Cương Thái Nguyên loại ngon nhất để ướp nên trà sen Tây Hồ. Sen Tây Hồ đặc biệt với cái tên Bách Diệp hay còn gọi là sen Quan Âm, nhờ đặc tính thổ nhưỡng chỉ có tại vùng Tây Hồ mà hoa sen tại đây có hương thơm ngọt ngào, thanh tao, hợp để ướp trà nhất.

Để làm ra được thức trà tuyệt hảo này đòi hỏi nhiều công sức người làm lắm lắm.

Các Nghệ nhân phải lựa từng đóa sen, tách cánh, sàng gọn để lấy hết gạo sen, rồi cứ thế, một lớp trà phủ một lớp gạo sen ủ trong 3 ngày, rồi sấy khô, sàng lớp gạo sen đó đi, rồi lại ướp lại bằng lớp gạo sen mới, lặp tới 7 lượt như vậy. Phải tốn tới 20 tới 30 ngày mới cho ra được 1 kg trà đượm hương thơm dịu dàng thanh khiết của sen.

Các nghệ nhân phải mất 20 đến 30 ngày mới làm ra được 1kg trà sen

Sấu

Sấu là món ăn khá thân thuộc với người dân thủ đô, từ sấu ta có thể chế biến được nhiều món ăn hay nước giải khát ngon tuyệt. Với mỗi du khách đến với Hà Nội, đặc biệt là du khách miền Nam, ai cũng phải mua cho mình một túi sấu để về làm quà. Nếu du khách đến vào chính vụ mùa sấu, khi đi khắp nẻo đường của thủ đô bạn sẽ bắt gặp rất nhiều sạp hàng bán sấu tươi.

Sấu xanh dùng để nấu canh chua thịt nạc, canh sườn, nước rau luộc dầm sấu...

Sấu không đơn thuần là một loại trái cây, nó còn là nét đẹp của đất Kinh Kì. Người đi xa Hà Nội vẫn vương vấn với cái vị chua chua, ngòn ngọt đặc biệt của sấu.

Mùa hè oi bức chỉ cần một cốc nước sấu mát lạnh đã đủ làm tan biến cơn khát

Do có vị chua mát nên sấu được "ưu ái" trong việc chế biến ra nhiều món ăn, khi thì dùng để nấu canh chua thịt nạc, canh sườn; khi thì dùng để nấu canh cá, canh hến hoặc hấp dẫn hơn là món vịt om sấu ngon trứ danh. Mùa hè oi bức, chỉ cần nghĩ tới cốc nước sấu mát lạnh hay giản dị là bát canh rau muống dầm vài quả sấu con con đã đủ khiến nhiều người mãn nguyện.

Ô mai sấu giòn ngọt chua cay

Lụa Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc nằm cách trung tâm Hà Nội 10km nổi tiếng với nghề dệt lụa. Làng lụa Vạn Phúc (hay còn được gọi là làng lụa Hà Đông) là một trong những làng lụa dệt tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất nước ta.

Con đường vào làng lụa Vạn Phúc

Lụa ở đây có đặc tính mềm, mỏng, thoáng mát và nhẹ khác với các loại lụa thông thường, chất liệu đa dạng. Những kiểu dáng mang đậm bản sắc dân tộc cũng được các nghệ nhân trong làng lựa chọn để thu hút khách nước ngoài.

Lụa Vạn Phúc với những đường nét trang trí tỉ mỉ nhưng không rườm rà

Hoa văn trên lụa rất đa dạng, được các nghệ nhân chăm chú rất tỉ mỉ, bao giờ cũng được trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.

Lụa Vạn Phúc đã từng được chọn để may trang phục triều đình

Chính vì thế mà từ lâu lụa Vạn Phúc đã được coi là đại diện của Việt Nam được xuất xứ ra nước ngoài, và cũng từng được chọn là một loại để may các trang phục triều đình, đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn.

Nguyên Vy t/h

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mua-gi-lam-qua-khi-den-ha-noi-74671.htm