Mùa dừa nước ven sông

Bao quanh H.Nhơn Trạch có đến 3/4 là sông nước. Nơi đây có nhiều cây dừa nước mọc thành dải, khóm ven các đồng ruộng, kênh rạch. Hơn 10 năm về trước, người dân địa phương thường chặt lá dừa phơi khô lợp nhà, đan kết thành các vật dụng sinh hoạt. Nhà nào trồng nhiều dừa nước còn bán lá dừa cho các thương lái.

Vợ chồng anh Phạm Tấn Hưng (ngụ xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) chẻ cơm dừa nước bán gần Khu du lịch Bò Cạp Vàng

Vợ chồng anh Phạm Tấn Hưng (ngụ xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) chẻ cơm dừa nước bán gần Khu du lịch Bò Cạp Vàng

Những năm gần đây, cây dừa nước còn mang đến thu nhập cho người dân trong vùng từ quả dừa nước. Khoảng tháng 8, tháng 9 là mùa dừa nước nên cơm dẻo và ngọt nhất trong năm.

* Khi cây dừa nước “lên ngôi”

Những người sống lâu năm ở H.Nhơn Trạch cho biết, từ khi về đây lập nghiệp, họ đã nhìn thấy những lùm dừa xanh mát bao bọc đồng ruộng, kênh rạch. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người chặt lá dừa đem phơi khô lợp nhà hoặc kết rổ rá, làm chổi dùng và bán kiếm tiền. Sau này, đời sống người dân khấm khá nên ít dùng lá dừa để lợp nhà, người đi chặt lá dừa bán cũng giảm hẳn. Đa số thanh niên trong vùng chuyển sang đi làm trong các khu công nghiệp. Những người đứng tuổi đi làm thuê hoặc đánh bắt thủy sản trên sông.

Dừa nước là một loại cây cùng họ với cây dừa, mọc phổ biến ở các bãi lầy vùng cửa sông, ven kênh rạch, nơi có nước ra vào thường xuyên. Khác với dừa cạn, lá cây dừa nước dài, mọc thẳng đứng. Trái dừa nước nhỏ, mọc thành buồng, mỗi buồng từ 30-80 trái. Ở Đồng Nai, dừa nước chỉ có ở vùng Nhơn Trạch.

Vài năm trở lại đây, nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, quán xá chuộng làm mái bằng lá dừa để tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, thế là cây dừa nước một lần nữa được “lên ngôi” và trở thành kế sinh nhai của nhiều người.

Chị Lê Thị Mai (ngụ ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) chuyên đi chặt lá dừa về bán cho biết, trung bình mỗi ngày chị chặt được khoảng 400-500 lá dừa. Lá dừa sau khi chặt xong được đưa lên xuồng, vận chuyển vào bờ. Chị Mai phải dùng tay tước đôi lá, bỏ bớt một phần sống lưng giữa tàu lá, phơi từ 3-5 nắng cho lá khô hẳn rồi bán cho thương lái trong vùng. Thời điểm ít người mua, lá dừa phơi khô chỉ khoảng 1 triệu đồng/thiên (1 ngàn lá), nhưng hiện tại, mỗi thiên lá dừa có giá từ 1,7-1,8 triệu đồng. Thu nhập tương đối khá.

Trước đây, đất đai còn hoang hóa, các bãi dừa không xác định chủ nên ai muốn chặt lá ở đâu thì chặt. Sau này, đất được giao về cho các hộ dân, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành nên các bãi dừa đều đã có chủ. Ông Hai Long (ngụ ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh) cho hay: “Có chủ thì giữ đất trồng lúa, có chủ cải tạo làm ao nuôi thủy hải sản nhưng phần lớn đều giữ lại những khóm dừa như một cách để giữ đất và làm ranh giới phân chia đất với chủ khác. Người chặt lá dừa khi đó phải xin phép chủ đất hoặc có dịp mời họ lai rai một bữa để cảm ơn”.

Cây dừa nước ven các con rạch ở H.Nhơn Trạch, tạo cảnh quan dịu mát, chống xói lở cho vùng ven bờ. Ảnh: H.Lộc

Cũng theo ông Hai Long, cây dừa nước có đặc tính là sinh sôi rất nhanh và gần như không bị cạn kiệt. Tuy nhiên, người chặt lá phải có ý không chặt trụi lá, không làm gãy những tàu lá non để vài tháng nữa quay lại chặt đợt mới.

Ông Nguyễn Việt Tiến, chủ Khu du lịch Bò Cạp Vàng (thuộc xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch) cho biết, quá trình đầu tư các nhà chòi trong khu du lịch, ông liên hệ với người dân địa phương thu mua lá dừa thay cho các tấm lợp hiện đại. Lá dừa nước vừa che nắng che mưa rất tốt, chi phí thấp vừa tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho du khách. Để tạo điểm nhấn, ông Tiến cho giữ lại toàn bộ các khóm dừa nước dọc ven sông, cho người dân địa phương vào khu du lịch bán cơm dừa cho du khách giải khát và mang về nhà làm quà.

Những người mưu sinh nhờ lá dừa nước cho rằng, đây là công việc khá vất vả vì vừa phải chạy ghe vừa phải lội bùn. Người đi chặt dừa phải canh thời gian nước lên để đi và về, tránh bị mắc cạn ngoài sông. Quá trình chặt dừa phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như: ong chích, rắn cắn... Lúc chặt và vận chuyển, nhiều người có thể bị lá dừa cứa rách mặt, tay. Đó là chưa kể lội dưới bùn có thể giẫm phải mảnh chai làm đứt chân chảy máu. Có khi chặt xong, mưa lớn kéo dài, người ta phải bỏ lại lá dừa vì sợ xuồng nặng sẽ bị chìm.

* Dẻo, ngon đặc sản cơm dừa nước

Trước khi trở thành người bán trái dừa nước, chị Dương Thị Thu Thủy (ngụ xã Vĩnh Thanh) cũng có thâm niên chặt lá dừa 6 năm. Chị Thủy kể lại, lúc còn đi chặt lá ngoài sông khát nước, chị đã chặt trái dừa nước để uống. Thấy nước dừa có vị ngọt, cơm mềm và thơm không khác gì dừa trồng trên cạn nên chị lấy về nhà ăn. Sau này, chị thấy nhiều người cũng ăn loại trái này nên chuyển sang chặt trái dừa về chẻ lấy cơm bán. Chị Thủy dựng lều ngay cổng Khu du lịch Bằng Lăng Tím (xã Vĩnh Thanh) để bán cơm dừa cho khách du lịch, người địa phương và bỏ mối các chợ.

Chị Thủy cho biết, để có quầy dừa vừa dẻo, vừa ngọt, người chặt dừa phải dầm mình xuống dòng nước ngang bụng, len lỏi vào những khóm dừa. Dừa chặt xong lấy sợi dây, một đầu cột chung các quầy dừa lại với nhau, một đầu dây cột ngang bụng rồi bơi ra xuồng. Dừa ăn ngọt nhất khi được chặt, chẻ cùi và ăn trong ngày. Trường hợp để 5-7 ngày mới chẻ lấy cùi vẫn ăn được nhưng không thơm và ngọt như lúc mới chặt, cùi khó gỡ hơn.

Người dân xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) phơi lá dừa nước

Hiện nay, dọc đường gần các khu du lịch ở H.Nhơn Trạch như: Bò Cạp Vàng, Bằng Lăng Tím có nhiều điểm bán dừa nước. Chị Lê Thị Mai Hoa bán dừa nước gần Khu du lịch Bò Cạp Vàng chia sẻ, trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 15kg cơm dừa, ngày lễ và cuối tuần có khi lên đến 30kg. Vào mùa vụ, cơm dừa có giá khoảng 50 ngàn đồng/kg, vào trái vụ, cơm dừa có giá 60-70 ngàn đồng/kg. Lợi nhuận khoảng 250-300 ngàn đồng/ngày.

Anh Phạm Tấn Hưng (ngụ xã Vĩnh Thanh) có thâm niên chặt dừa hơn 20 năm cho biết, lúc trước anh theo cha mẹ chặt lá dừa phơi khô bán. Sau này, người ta ít sử dụng lá dừa để lợp nhà, anh quay sang chặt trái dừa. “Tôi là người có thâm niên chặt dừa lâu ở xứ này. Chỉ cần nhìn cuống và màu của trái dừa là tôi biết buồng đó còn non, đã già hay đang độ bánh tẻ” - anh Hưng tự tin nói .

Cũng nhờ kinh nghiệm lâu năm nên anh Hưng chặt dừa rất nhanh, cũng như có khả năng nhìn độ chín của trái dừa nước. Để có được những buồng dừa vừa ăn, anh không ngại đi đến tận khu vực H.Cần Giờ, H.Nhà Bè (TP.HCM) chặt dừa nước về bán. “Lúc trước tôi chặt dừa về bán, trung bình
12-15 ngàn đồng/quầy. Khoảng 3 năm nay, vợ phụ tôi chẻ dừa lấy cơm bán. Thu nhập bình quân của vợ chồng tôi khoảng 400-600 ngàn đồng/ngày” - anh Hưng chia sẻ.

Dừa nước cho quả quanh năm, nhưng nhiều nhất khoảng tháng 8 và tháng 9, khi có mưa nhiều. Cơm dừa dày, vị ngọt thanh, khi nhai trong miệng giòn sần sật. Những người sành ăn cho biết, dừa nước ăn ngon nhất là ướp với đường trắng, một ít sữa đặc, khi ăn cho thêm đá lạnh. Cũng có người dùng cơm dừa nước làm mứt, cắt hạt lựu để nấu chè hoặc thổi xôi. Những món ăn ngon, dân dã từ cơm dừa nước đang ngày càng được ưa chuộng, giúp cho những người mưu sinh từ trái dừa nước cũng bớt vất vả, nhọc nhằn vì có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202009/mua-dua-nuoc-ven-song-3023593/