Mùa đông về xứ Đoài ăn bánh tẻ nóng, ngắm dã quỳ vàng ươm trong sương

Ngày đông, còn gì tuyệt vời hơn là trở về xứ Đoài để thưởng thức đặc sản bánh tẻ nóng, ngắm dã quỳ vàng ươm nở trong sương sớm.

Với nhiều người Việt thì địa danh Hà Tây (cũ) nói chung và xứ Đoàn nói riêng vẫn luôn là cái tên thân thương khi đâu đó được mọi người nhắc đến. Xứ Đoài là mảnh đất đẹp như tranh với mây trắng, nắng vàng và cảnh sắc thì nên thơ. Mảnh đất này luôn là niềm cảm hứng của nhiều thi sĩ, quyến rũ dấu chân của mỗi người đã từng đến đây và rồi, một ngày đầu đông lãng đãng, họ sẽ quay trở lại.

Ngày đông, còn gì tuyệt vời hơn là trở về xứ Đoài để thưởng thức đặc sản bánh tẻ nóng, ngắm dã quỳ vàng ươm nở trong sương sớm. Hơn hết, bạn sẽ được trở về không gian làng quê đặc trưng Bắc bộ thực sự.

Cách Hà Nội chừng 40km về hướng Tây, vì vậy cuối tuần, khi bạn thấy cuộc sống mệt mỏi hay stress hãy dành cho mình một ngày để về với xứ Đoài. Chắc chắn, sau ngày hôm đó, bạn sẽ trở lại cuộc sống với những điều mới mẻ và cảm thấy, có một vùng đất tuyệt và nhiều hấp lực đến vậy.

Bánh tẻ Phú Nhi là món ăn mà bạn cần phải biết đến nó khi đến với xứ Đoài

Bánh tẻ Phú Nhi là món ăn mà bạn cần phải biết đến nó khi đến với xứ Đoài

Khởi hành từ Hà Nội về xứ Đoài có thể đi theo hai con đường chính là Quốc lộ 32 và Đại lộ Thăng Long. Tùy theo điểm xuất phát của bạn, tuy nhiên, mọi người nên đi theo cung đường: sáng đi Quốc lộ 32 và chiều trở về nội thành với Đại lộ Thăng Long. Tại sao lại đi như vậy? Bởi vì, cái gì cũng có lý do của nó và nguyên nhân tại sao lại nên đi như thế thì tiếp ngay sau đây, bạn sẽ được lý giải điều này.

Xứ Đoài xưa là vùng đất phía Tây của tỉnh Hà Tây (cũ) bao gồm các huyện như Phúc Thọ, Thị xã Sơn Tây, Ba Vì. Đó là xứ sở của mây trắng và những đồi chè dưới chân núi Tản cùng các làng quê với đặc trưng tường đá tổ ong, mái ngói rêu phong.

Đi dọc Quốc lộ 32 qua Phúc Thọ là đến Sơn Tây thời gian di chuyển mất khoảng gần 2 tiếng tùy theo tốc độ của bạn. Bạn nên đi thật sớm để bắt đầu chạm đất Sơn Tây là khi ấy tiếng gà cũng vừa dứt gáy. Nhưng, nếu bạn chỉ có trọn vẹn một ngày, thì đừng vội chạm chân vào mảnh đất này. Mà hãy phân phối thời gian theo lộ trình dưới đây. Trước tiên hãy ghé ngay làng nghề bánh tẻ nóng Phú Nhi nằm bên sườn thị xã.

Bánh tẻ nóng Phú Nhi được làm từ những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống người nông dân như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành… và lá dong, lá chuối để gói bánh.

Theo lời một nghệ nhân tại làng thì: Để bánh được trắng, thơm ngon người làng chọn thứ gạo tẻ được trồng tại chính những cánh đồng nơi đây. Sau đó, gạo đem ngâm nước cho nở, xay thành bột rồi đem ngâm nước khoảng 4 – 5 ngày khi trời giá rét. Trong thời gian ngâm phải thay nước mỗi ngày, gạn bỏ nước cũ thay bằng nước mới, mỗi khi thay nước phải khuấy đều bột để bột không bị chua và nhão.

Khi đã đủ thời gian ngâm, múc bột ra, cho một ít muối vào, gạn sạch nước cũ để khử chua bột. Sau đó thứ bột này phải đun lên cho đặc lại, có độ dính như keo, vừa đun và quấy đều, đảo bằng cả hai tay cho bột mềm, mịn, tránh vón cục và đặc biệt là bột không được chín hoặc khê, công đoạn này người ta gọi là “ráo bột”. Khâu ráo bột cực kỳ quan trọng trong quá trình làm bánh, bánh có ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được ráo. Phú Nhi có bí quyết riêng trong khâu ráo bột nên bánh tẻ ở đây có hương vị độc đáo.

Tiếp đến là công đoạn làm nhân bánh. Nhân bánh tẻ làm đơn giản nhưng không thể làm qua loa, vì nhân là linh hồn của bánh. Thịt ba chỉ ngon, hành khô bóc vỏ băm nhỏ, mộc nhĩ ngâm cho nở, thái chỉ. Tất cả trộn đều ướp gia vị vừa đủ, thêm chút hạt tiêu cho thơm. Sau khi hỗn hợp đã ngấm gia vị cho lên bếp xào chín.

Khi công đoạn làm nhân bánh và ráo bột đã xong, tiến hành gói bánh. Người Phú Nhi thường dùng lá dong và lá chuối để gói. Lấy một lượng vừa phải thứ bột cô đặc đó đặt lên một hoặc hai tờ lá dong công đoạn này gọi là “ra bột.” Lấy hỗn hợp thịt đặt lên lớp bột và ấn sâu xuống để bột phủ lên thịt, thường là theo hình thuôn dài, cuốn lá dong ngoài bánh, lớp lá ngoài cùng là lớp lá chuối. Bánh được buộc lại bằng lạt hoặc dây chuối khô, sau đó đem hấp khoảng 30 phút là chín.

Bánh ăn ngon nhất là khi vừa mới vớt ra. Bóc vỏ lá xanh, chiếc bánh trắng ngần hiển hiện, mùi thơm nhân thịt tỏa ra như chào mời thực khách. Bánh ăn nóng chấm với nước mắn ngon, thêm chút tiêu thì càng ngon hơn.

Bánh tẻ Phú Nhi là một trong những đặc sản ngon nhất của xứ Đoài

Bánh tẻ là thứ quà quê chân chất mộc mạc, thứ bánh mà ai cũng có thể thưởng thức. Khi ăn, dùng con dao nhỏ cắt bánh thành từng miếng, xếp lên đĩa. Ăn một miếng để cảm nhận kết tinh của trời đất, độ giòn của vỏ bánh, vị đậm, béo của nhân, thơm mùi tiêu, hành. Bánh có thể thay bữa sáng, ăn chơi, ăn nhiều mà không bị ngán. Hơn hết, mùa đông ăn bánh với một chút tương ớt sẽ giúp bạn sảng khoái và thấy ấm bụng. Những chiếc bánh tẻ nóng hổi chỉ có giá 10.000 đồng sẽ là bữa sáng vừa ngon lại vừa rẻ cho chuyến đi tuyệt vời này.

Sau khi dùng bữa sáng với bánh tẻ nóng hãy chạy theo đường Xuân Khanh theo biển chỉ dẫn chừng 10 km đến với rừng Quốc gia Ba Vì. Đến đây, bạn có thể chạy xe men theo con đường nhỏ lên núi. Đến ngã ba Đền thượng với khu di tích Bác Hồ là bạt ngàn những bông dã quỳ khoe sắc trong sương sớm. Bạn có thể thỏa sức chụp ảnh với loài hoa tưởng chừng như chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên xa xôi phía Nam của Tổ quốc. Cả một đoạn đường dài, những bông dã quỳ tinh khôi trong sẽ mê hoặc tầm nhìn của bạn. Và có lẽ, sẽ khó tìm được một không gian đẹp, lãng mạn sương mai hơn thế.

Mùa dã quỳ về, cả một con đường nhỏ trên núi Ba Vì vàng ươm và mê hoặc lòng người - Ảnh Beat Hà Tây

Sau khi chụp ảnh và thỏa sức ngắm nhìn những bông dã quỳ, bạn có thể thăm thú vườn Quốc gia với nhà thờ đổ, hay đỉnh núi Tản, hoặc chụp ảnh với rừng thông. Để khám phá đầy đủ những vé đẹp của vường Quốc gia Ba Vì bạn phải đi với lộ trình 2 ngày. Còn nếu đi một ngày, ngay sau đó hãy trở về làng cổ Sơn Tây và uống nước chè xanh.

Rời Ba Vì đến với làng cổ cũng là khi ánh nắng đầu đông vàng óng chiếu lên từng bức tường đá tổ ong và những mái ngói rêu. Bạn được thăm quan ngôi làng lâu đời nhất, đặc trưng nhất của Bắc bộ. Đây là ngôi làng có tên Mông Phụ nằm trên một ngọn đồi, xung quanh là những cánh đồng bát ngát. Khi thì vàng óng của lúa chín, khi thì xanh mượt của ngô, sắn, lạc, đậu…

Và đừng quên, “check-in” ở làng cổ, những ngôi nhà cổ hàng nghìn năm tuổi và thưởng thức nước chè xanh cùng bánh chè lam. Hãy nghe người làng cổ nói chuyện về đất hai Vua. Sau đó, bạn cũng đừng quên ghé thăm chùa Mía để cảm nhận sự tĩnh lặc thời gian. Sau đó, thưởng thức những đặc sản chuối quê hay kẹo lạc, kẹ dồi. Buổi trưa, thử một mâm cơm do chính người làng cổ nấu có thịt gà Mía, có rau sắn muối và lạc rang.

Làng cổ Đường Lâm sẽ là điểm dừng chân thú vị cho chuyến đi. Bạn hãy khám phá hết thảy những gì có thể nơi đây. Từ con người đến văn hóa và lịch sử

Buổi chiều, hãy dành thời gian đi thăm đất hai Vua, thăm mộ của hai vị tiên đế Phùng Hưng và Ngô Quyền để nghe người quản lý di tích kể những chiến công lừng lẫy của các vị anh hùng. Ăn nhẹ bữa chiều bằng một quả trứng gà luộc rồi lên đường về trung tâm thị xã Sơn Tây cách đó chừng 3km.

Ngày đầu đông, đi dạo chơi một vòng xung quanh thành cổ cổ Sơn Tây tại thị xã sẽ khiến bạn cảm giác khoan khoái và dễ chịu. Những mệt mỏi của một tuần làm việc giờ phút này chắc chắn sẽ tan biến. Mà đọng lại cho bạn những dư ấm của 1 ngày đi chơi thực sự ý nghĩa và không hối hận khi đã xách xe về với mảnh đất này.

Kết thúc hành trình hãy đi về theo hướng Đại lộ Thăng Long để mua cho mình rau sạch. Nào là ngô, bắp cải, su hào, cà chua và muôn vàn loại các loại hoa quả từ những người nông dân ven đường. Trước đó ở làng cổ, bạn cũng có thể mua chè lam, tương, rượu quê về làm quà cho mọi người thành phố. Rồi, theo hướng Đại lộ trở về thành phố, nấu một bữa cơm quê ngon lành từ những thứ đã mua dọc đường và thưởng thức một giấc ngủ dài cho một ngày dậy sớm di chuyển.

Hôm sau tỉnh giấc, chắc chắn, bạn sẽ có thêm thật nhiều những hứng khởi để bắt đầu công việc tuần mới. Dẫu có đi về nơi ấy hàng trăm, nghìn lần, nhưng xứ Đoài mùa nào cũng có những điều bạn cần khám phá và mê hoặc. Tin tôi tôi đi, mỗi mùa trong năm hãy về đó môt lần, bạn sẽ có những điều mới mẻ. Nếu thời gian dài, bạn có nhiều hơn những ngày nghỉ, hãy ngủ lại xứ Đoài một đêm. Dẫu ngủ nhờ nhà người dân làng cổ hay ngủ như dân phượt lều trại trên núi Ba Vì tại các rừng thông thì bạn sẽ cảm nhận rõ rệt một đêm bình yên thực thụ sẽ như thế nào. Từ âm thanh, đến khí hậu mang đến bạn một hơi thở khác của cuộc sống này. Bạn sẽ thấy mình cần đi nhiều nhiều hơn không chỉ riêng mảnh đấy này mà hết thảy dọc dài hình chữ S. Còn nếu đi nhiều hơn ở mảnh đất này hãy nhớ chinh phục đỉnh Ba Vì, đến những điểm du lịch khác của quê hương núi Tản, tham quan Đền Và với con đường Tình yêu chạy quanh đồi thông dịu mát. Điều quan trọng nhất hãy gặp mặt những người làng cổ xưa cũ và nghe họ kể tất thảy mọi điều về mảnh đấy xứ Đoài thân yêu của họ. Nghe họ kể, bạn sẽ thấy lòng nhẹ và thêm yêu cuộc sống này hơn.

Hoàng Dương

Hoàng Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/mua-dong-ve-xu-doai-an-banh-te-nong-ngam-da-quy-vang-uom-trong-suong-d107726.html