Mùa đông dịu ngọt

Vân tìm đến nhà khi con bé Siu Ly đi rẫy chưa về. Bà của Siu Ly sốt nằm trên sàn nhà cạnh bếp lửa, nghe tiếng Vân gọi thì cố ngồi dậy. Trên bếp, nồi cháo trắng vẫn còn ấm, cũng may trong túi Vân còn mấy viên thuốc hạ sốt, Vân múc cho bà của Siu Ly bát cháo, giục bà ráng ăn cho chóng khỏe. Nghe lời Vân, bà đỡ lấy bát cháo, đợi bà ăn xong thì cô đưa cho bà viên thuốc hạ sốt.

- Cô giáo ngồi chơi, mặt trời đang xuống, chắc con Siu Ly cũng sắp về rồi.

- Dạ, bà nghỉ đi ạ! Cháu xin phép bà cho cháu ngồi đây đợi Siu Ly.

- Mấy hôm nay tôi ốm nên Siu Ly phải đi rẫy thay tôi.

- Vâng, cháu đợi Siu Ly về, giảng lại bài hôm nay trên lớp cho em ấy để em theo cho kịp, mấy hôm nữa thi giữa kỳ rồi ạ!

Vân ngồi xuống bên bếp, than vẫn âm ỉ cháy. Đôi dép nhựa rách quai đặt bên cạnh, Vân cầm lên xem. Bà của Siu Ly thấy vậy lên tiếng:

- Của con Siu Ly! Nó vẫn đang vá dở.

Vân cho con dao cùn để bên cạnh vào bếp, đợi một lúc mũi dao nóng, cô gí mũi dao vào chỗ quai dép bị đứt, rồi dính lại. Bà Siu Ly ngạc nhiên nhìn Vân:

- Cô giáo cũng biết vá dép như vậy ư?

Vân cười, đáp:

 Minh họa: Lê Anh.

Minh họa: Lê Anh.

- Thuở nhỏ con cũng làm miết bà ạ. Để con xem có ai dưới xuôi lên, con nhờ mua cho Siu Ly đôi dép mới.

- Cô giáo tốt quá! Trẻ con cái làng này ơn cô giáo lắm!

Hôm ấy, Vân ở nhà Siu Ly đến khuya mới về. Tiễn Vân ra đến đầu làng, con bé Siu Ly bất ngờ ôm chầm lấy Vân, dụi mặt vào ngực Vân chặp lâu, nó thỏ thẻ:

- Cô giáo thơm quá. Thơm như mùi của mẹ vậy! Nhưng Siu Ly chẳng biết mùi của mẹ Siu Ly thế nào...

Mắt con bé chùng xuống, những giọt nước mắt khe khẽ lăn ra từ đôi mắt đen huyền trong trẻo. Vân kéo con bé vào lòng.

Suốt đêm hôm ấy, Vân cứ day dứt mãi về con bé. Ngày lên điểm trường này, Vân được nghe thầy hiệu trưởng kể về trường hợp Siu Ly, mẹ con bé mất sau khi sinh ra nó, theo lệ làng đáng lẽ con bé cũng chôn theo mẹ, nhưng may là các thầy cô giáo và bộ đội biên phòng đã đến kịp thời. Con bé sáng dạ và ngoan. Nó thường nói với Vân rằng sau này lớn lên sẽ làm cô giáo như Vân. Vân cười xoa đầu con bé, trong lòng Vân dấy lên niềm hy vọng đẹp đẽ về làng Do, về những đứa trẻ học trò của mình, sau này chúng sẽ là thầy giáo, cô giáo, cán bộ xã... chính nơi chúng sinh ra, sẽ không còn đứa trẻ nào chữa bệnh bằng thầy mo, thầy cúng, sẽ không còn rét mướt nào cắt cứa lên những đôi chân thiếu dép, tấm lưng thiếu áo...

* * *

Vân tỉnh giấc khi chiều xuống lưng chừng núi, cô đã ngủ thiếp đi sau khi xông nồi nước sả chanh giải cảm. Vân hâm nóng bát cháo trắng, đập thêm quả trứng gà chiều qua học sinh mang đến khi biết cô giáo bị bệnh. Bát cháo làm Vân ấm bụng hơn sau giấc ngủ dài. Chủ nhật là ngày nghỉ nhưng khỏe là Vân lại ngồi vào bàn làm việc, xem lại giáo án, lật từng cuốn vở học trò xem chúng tiến bộ ra sao. Cuốn sổ tay được Vân ghi chép cẩn thận về tính tình, điểm mạnh, điểm yếu, hoàn cảnh của từng học trò. Bàn làm việc của Vân được kê cạnh cửa sổ, trong căn phòng làm bằng vách gỗ, mái lợp lá. Từ cửa sổ, Vân có thể ngắm nhìn những nụ hồng nhung vươn lên hứng gió mỗi ngày, bụi hồng ấy do Vân trồng từ ngày lên nhận công tác, cũng đã 5 năm, chiều chiều vài con sẻ nâu đậu nơi ấy kêu lích chích vui tai. Phía trước Vân trồng vài luống rau để ăn và để nơi ở của cô gần gũi như chính quê nhà.

Trời trở gió. Khối không gian đặc quánh màu bạc đục như dòng sữa miên man vuốt ve cây cỏ. Khói bếp vương trên những bãi ngô, rẫy sắn. Lũ gà lợn cắn nhau chí chóe dưới gầm sàn. Tiếng suối róc rách từ xa luồn theo tiếng gió. Người làng từ rẫy trở về sau ngày làm việc, những đứa trẻ được bố mẹ chìa cho đôi trái ngô xúm nhau nhóm lửa để lùi, chúng chạy chung quanh đống lửa vui đùa, má đứa nào cũng hây hây đỏ vì lạnh.

Vân hướng về phía xa, trập trùng núi đồi gối nhau, bảng lảng sương chiều bay trên những ngọn đồi, chân trời xa quá. Tiếng khèn lá của cậu thanh niên nào đó cứ dặt dìu bay bổng, lúc tha thiết nhẹ nhàng, lúc lại réo rắt neo vào lòng người những xao xuyến nhớ thương. Hình bóng quê nhà ẩn hiện trong Vân, một nỗi nhớ da diết cứ thế cuộn cào. Vân nhớ Huế. Nhớ sông Hương. Và Minh nữa!

Vân nhớ những lần Minh nắm tay Vân đi dọc theo bờ sông Hương thời hai đứa còn học chung giảng đường, rồi cả những ngày hè quay trở lại thăm Huế nữa. Sông Hương hiền dịu trôi. Những lần cạnh Minh, anh mặc sức chiều chuộng còn Vân thì mặc sức nhõng nhẽo:

- Em mỏi chân quá à!

- Anh đã bảo em đừng đi giày cao gót rồi còn gì. Giày cao gót sẽ làm em đau chân.

- Phải đi giày cao gót thì dáng mới đẹp.

- Đẹp mà không thoải mái thì có gì tốt đâu chứ? Nào, cởi giày ra!

Minh vừa cúi xuống đỡ Vân lên lưng mình, vừa chìa tay xách giày giúp Vân. Minh rất đỗi ấm áp và dịu ngọt.

Ngày rời xa Huế lên với điểm trường ở xã miền núi Tây Nguyên, Minh đưa Vân đi, đoạn đường từ thành phố Pleiku lên điểm trường không có xe buýt, phải đi bằng Honda. Hôm ấy trời mưa, con đường vào trường đất cứ nhão ra quấn lấy bánh xe, trơn trượt ngã mấy lần, Minh và Vân phải gửi lại xe máy đi bộ, leo qua mấy con dốc thì mới đến được điểm trường. Lần ấy, trước khi về phố, Minh nắm tay Vân năn nỉ: “Em dạy ở đây hết năm nay thôi nhé. Anh thương em quá!”. Minh hứa, bằng quan hệ bao năm trong ngành, bố Minh sẽ xin cho Vân một suất giáo viên ở một trường trên phố. Vân im lặng. Hết học kỳ, Minh lại nhắn cho Vân, rằng ở trường anh đang trống vị trí thư viện, chỉ cần Vân đồng ý về với anh, về phố thì Vân chắc chắn sẽ có việc làm. Minh sẽ lo cho Vân.

Nhiều đêm ở lại một mình, Vân thấy trống trải vô cùng, Vân nhớ Minh, nhớ Huế, nhớ cầu Tràng Tiền, nhớ sông Hương, nhớ bố mẹ... Những giọt nước mắt cứ thế rơi xuống trang giáo án. Đúng lúc ấy, Minh lại gọi, lại giục Vân về. Vân cũng có chút xao động, nhưng rồi cứ hết năm học này đến năm học khác Vân lại thất hứa với Minh. Những người lên cùng đợt với cô đều đã về xuôi, giáo viên luân phiên bao đợt, chỉ còn Vân, cô cứ mãi day dứt mà chưa rời nơi này được. Học trò của Vân, chúng đến trường chẳng có dép để đeo, chẳng có áo ấm để mặc, chúng co ro trong rét mướt đến tội nghiệp, nhưng đôi mắt đứa nào cũng trong veo, mỗi lần viết thêm được một chữ cái, chúng vui mà cười đến thương... Vân chẳng nỡ rời xa chúng, tiền lương của Vân không đủ để cô bao dung và chở che tất thảy những đứa học trò tội nghiệp ấy, cách duy nhất để giúp những đứa trẻ đó có cơm ăn, áo mặc và thoát khỏi đói nghèo là gieo cho chúng con chữ. Ngày ngày, Vân miệt mài đèn sách, cần mẫn nắm từng bàn tay nhỏ bé nhưng đầy chai sần sau những buổi lên nương của bọn trẻ uốn thành con chữ. Những giờ nghỉ, Vân kỳ cọ từng đôi chân, kẽ tay của học trò. Mỗi tháng lương, Vân nhờ bạn bè dưới xuôi mua nào vở, nào áo, bút... cho chúng. Vân lội qua mấy con suối, mấy ngọn đồi, tìm đến nhà học trò đưa chúng đến lớp khi chúng nghỉ học đi rẫy cùng bố mẹ... Học trò của Vân cần Vân lắm, chúng là thanh xuân, là những gì đẹp đẽ trong cuộc đời Vân, làm sao Vân có thể rời xa nơi này để về với Huế, về với Minh khi mà bao đứa trẻ vẫn đang cần cô, khi ngôi trường vùng biên này vẫn đang thiếu giáo viên?

“Em về, sẽ có người khác lên. Tại sao em cứ phải chôn thanh xuân của mình ở một nơi xa xôi, hẻo lánh như thế? Lắm người muốn về mà không được”. Minh giận Vân cả tháng không liên lạc. Đôi lúc cô đơn Vân cũng xao lòng. Đôi lúc nhớ Minh, Vân lại hứa “hết năm nay, em sẽ về!”. Nhưng rồi đã ngót 5 năm, Vân chẳng thể rời xa những đứa học trò chân đất, đầu trần lội suối đến trường, đến với Vân để học cái chữ.

* * *

Cuối buổi học, Vân đang cùng bọn trẻ trở về nhà thì bác Puil Nick chạy tới, thấy Vân, bác vừa thở dốc vừa hổn hển nói những tiếng đứt quãng:

- Cô giáo... Vân... có người... dưới xuôi... lên thăm đấy!

- Người dưới xuôi ạ?

- Đúng vậy. Người dưới xuôi. Nghe nói cũng là thầy giáo!

Những đứa trẻ nghe nói có thầy giáo lên với chúng thì vui mừng quá đỗi, chúng kéo tay Vân chạy nhanh hơn về phía ngôi nhà nhỏ dành cho giáo viên nội trú. Về đến sân, Vân thấy dáng người đàn ông quen thuộc đang cúi bên mấy khóm hồng. Vân đứng lặng đi hồi lâu. Những đứa trẻ cũng im lặng khi thấy cô giáo không nói gì. Siu Ly kéo tay Vân.

- Cô ơi! Sao cô lại khóc? Cô không vui ạ?

Nghe tiếng bọn trẻ, người đàn ông quay lại, mỉm cười nhìn Vân. Anh với ba lô lấy bì bánh đưa cho bọn trẻ rồi quay sang Vân.

- Vì em không chịu về nên anh lên đây với em vậy!

- Anh lên chơi sao không báo em biết?

- Anh đâu có lên chơi. Anh lên đây công tác. Ban giám hiệu không thông báo về việc giáo viên mới sắp về trường sao? Nào, chào đồng nghiệp, anh là người mới, có gì nhờ em chỉ bảo thêm nhé! - Minh dí dỏm.

- Không lẽ, giáo viên tình nguyện sắp chuyển lên là...

- Đúng thế! Là anh!

Vân bật khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc, nhớ nhung. Những đóa hồng rung rinh trong gió. Phía xa, mặt trời đang xuống núi, tia nắng mùa đông cao nguyên ngọt dịu lấp lánh trên mái đầu đôi bạn trẻ...

Truyện ngắn của PHÚC AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-dong-diu-ngot-644294