Mùa đông của các kì lân công nghệ

Đã là doanh nghiệp, mục tiêu sau cùng luôn là LỢI NHUẬN. Có điều SAU CÙNG là khi nào?

Còn nhớ, khi GoViet bước chân vào thị trường, họ đã có cách làm ngoạn mục khi ấn định những cuốc xe với giá 10.000 đồng. Thay vì tung toàn bộ hỏa lực cho marketing, cách tốt nhất để người dùng biết đến mình đó là bán giá thật rẻ. Và bằng một niềm tin dựa trên một căn nguyên huyền bí nào đó, họ cho rằng họ sẽ kiếm được tiền khi đã xây dựng được cho mình một cộng đồng người dùng. Cộng đồng (hoặc thị trường) là thước đo thành công của các kì lân công nghệ.

Grab, GoViet hoặc bất kì hãng công nghệ nào, cũng phải kiếm tiền. Xét trong dài hạn, họ phải có lợi nhuận. Và trong giai đoạn chưa có lợi nhuận đó, họ sống bằng việc “hà hơi tiếp sức” từ các quĩ công nghệ. Qui mô hoành tráng của Softbank trong những năm vừa qua, dường như nó làm thay đổi hẳn quan niệm truyền thống về đầu tư kinh doanh và họ gần như đã thành công khi góp phần truyền bá chủ trường MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG thay vì nhìn vào các điểm hòa vốn hoặc tỷ suất lợi nhuận.

Quay trở lại câu chuyện của thị trường xe ôm (và/hoặc xe ô tô) công nghệ, việc Bee, GoViet, Grab trong những ngày vừa qua nâng giá đối với khách hàng, tỷ lệ chiết khấu với tài xế, cần phải thấy đó là việc bình thường trong hoạt động tìm kiếm lợi nhuận hoặc chí ít là hòa vốn để có thể tồn tại qua mùa đông công nghệ này.

Càng điên cuồng làm thị trường bao nhiêu, thì gánh nặng trên vai các hãng công nghệ càng lớn bấy nhiêu. Chính điều này gây sức ép lên các hãng bấy nhiêu. Sự sụp đổ của We work được coi là một dạng “unexpected event”. Softbank không ngờ, đương nhiên! Nhưng các hãng công nghệ cũng không ngờ “mùa đông” đang đến. Cơn hoảng loạn của các nhà đầu tư nhỏ, sức ép từ các quĩ gây nên ức ép đến ngạt thở. Đó cũng chính là nguồn cơn lý tưởng cho những sai lầm trong việc hoạch định chính sách. Bên cạnh việc hoạch định chính sách phát triển, việc làm vừa lòng cổ đông là một nhân tố tác động lớn đến hoạt động điều hành của BOD và BOM, mà trước hết là CEO.

Nhưng nếu các doanh nghiệp trong nước đủ tầm nhìn, thì họ phải hiểu rằng chính lúc này mới là bình minh đang trở lại. Việc các hãng công nghệ xoay trục sang hướng tìm kiếm lợi nhuận làm cho giá dịch vụ tăng, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp truyền thống cạnh tranh được công bằng hơn. Suy cho cùng, cảm giác đi với một tài xế taxi [phục vụ đàng hoàng] vẫn có những thú vị và ưu thế riêng của nó. Ở góc độ của các tài xế, việc bị nâng tỉ lệ chiết khấu và một tương lai không ổn định, cũng là một rủi ro mà các kì lân công nghệ phải đối mặt.

Cạnh tranh luôn là như vậy, đẹp đẽ và khắc nghiệt. Tất nhiên cũng phải thấy rằng các kì lân công nghệ là too big to fail, nên sẽ có những vùng vẫy, tất nhiên! Lúc này, tất cả những gì mà người tiêu dùng cần đó là giám sát từ một “trọng tài” có tầm.

TS Phạm Hoài Huấn - Công ty Luật Victory LLC

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/mua-dong-cua-cac-ki-lan-cong-nghe-162067.html