Mùa đom đóm bay

Ngày nhỏ, tôi mê chơi đom đóm. Mà không riêng tôi, con nít quê ngày ấy đứa nào chẳng mê đom đóm. Mê cái ánh sáng xanh kỳ ảo cứ nhấp nháy liên hồi như dẫn dụ, trêu ngươi, thấy vừa sợ, vừa thích nhưng thích nhiều hơn sợ!

Ảnh: vncgarden.com

Quê xưa không điện đóm, càng không có những đồ chơi điện tử hiện đại chớp sáng chớp tắt như ngày nay. Bù lại, quê xưa có rất nhiều đom đóm. Đêm hè không trăng, đom đóm túa ra hàng đàn, bay chấp chới như ma trơi.

Thói thường, con nít hay sợ… ma, sợ tối, vậy nhưng thấy con đom đóm bay ngang, đố đứa nào kiềm chế được cái phản xạ lập tức… nhào theo, chụp bắt! Mẹ quát: đừng bắt đom đóm! Bể chén bây giờ. Mới nghe, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Hóa ra mẹ tin là đêm đi bắt đom đóm thế nào ngày ăn cơm cũng bị… (rơi) bể chén. Chẳng hiểu mẹ lôi đâu ra cái “đức tin” kỳ cục ấy nhưng nó cũng hù được chị Hai tôi “bỏ nghề” bắt đom đóm mặc dù chị bắt rất giỏi. Chị Hai vốn tính hậu đậu, làm đâu bể đó; nay nghe mẹ hù “bể chén” phát hoảng là phải thôi. Tôi với anh Ba thì không, chừng nào… bể chén thiệt, ăn roi của mẹ hẵng hay, giờ sao nhịn nổi thú chơi đom đóm hả trời.

Kỳ lạ thay là cái ánh sáng đom đóm. Chớp sáng trưng nhưng rờ vô… không nóng (trí tưởng của trẻ con xưa hầu như luôn được mặc định: những gì phát quang đều luôn đi kèm sức nóng). Cái ánh sáng xanh lạnh lẽo huyền hoặc gợi lên trong óc trẻ thơ biết bao điều tưởng tượng. Trong thế giới nguyên sơ đến yên bình của những làng quê xưa – nơi soi tỏ đêm đen chỉ có ánh trăng và những ngọn đèn dầu leo lét thì ánh xanh kỳ ảo từ bụng những con đom đóm phát ra quả là quyến rũ. Dường như chúng bay ra từ thế giới cổ tích, nơi phép mầu còn tồn tại. Mà đúng, cái ánh xanh ấy, với trẻ thơ, thực sự là phép mầu. Trẻ thơ ghét bóng tối, những gì có khả năng phát sáng, đẩy lùi bóng tối với trẻ thơ đều là phép mầu. Tóm chú đom đóm vào tay mang vô góc tối. Mở tay he hé, thấp thỏm chờ quầng sáng xanh nơi bụng đóm nháng lên, soi rõ mồn một từng đường chỉ tay mà hít hà thích chí. Vậy nhưng, không khéo chú đom đóm tinh khôn sẽ âm thầm chui qua kẽ tay, vù bay đi mất. Muốn yên tâm chơi lâu phải tìm đồ nhốt. Tìm được cái lọ thủy tinh hay bịch nilon nhựa trong (không màu) là quý.

Ngày xưa, mấy loại “rác” ấy còn hiếm chứ không tràn lan đến mức trở thành “kiếp nạn” cho môi trường như bây giờ. Có cái nào mẹ đều tận dụng cất kỹ dành làm đồ đựng; lén lấy chơi là “ăn roi” với mẹ ngay. Yên tâm đi, lũ trẻ tháo vát đời nào chịu thua, chúng nghiên cứu ra ngay thứ đồ nhốt đóm khác mà không cần “chọc giận” mẹ: ống đu đủ!

Tàu đu đủ rỗng, bẻ khéo để đầu cuống (hoặc lá) kín tự nhiên; đầu kia cuốn giấy làm nút. Dùng dao nhẹ nhàng chuốt thành ống còn cho thật mỏng (để tăng độ sáng). Xong! Đom đóm bắt được bao nhiêu cứ cho tất tật vào ống, nút kỹ. Cái ống đu đủ giờ biến thành ngọn “đèn đom đóm”, phát ra ánh sáng mờ ảo, lung linh thật tuyệt. Đom đóm bên trong càng nhiều “đèn” càng sáng. Ban đêm hai anh em cầm đèn đi chơi, chị Hai lén mẹ chạy theo, năn nỉ cho chơi cùng.

Y Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275549/mua-dom-dom-bay.html