Mùa dổi chín
Hàng năm, cứ vào tầm tháng 9, tháng 10, hai em Bùi Văn Thọ, xã Xuân Đài và Hà Văn Toàn, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn lại chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề lang thang khắp làng trên, xóm dưới tìm hái dổi rừng. Những cây dổi lâu năm cao từ 25-40m, quả sai lúc lỉu, thấp thoáng có chùm đã nứt vỏ, lộ hạt đỏ ra ngoài báo hiệu quả có thể thu hoạch.
Sắc đỏ giữa rừng
Hạt dổi là vật báu của người miền núi bởi giá trị kinh tế cao, có thời điểm lên tới 2-3 triệu đồng/kg. Khi chín hạt dổi có màu đỏ tươi, nổi bật giữa màu xanh của núi rừng.
Dổi cũng có nhiều loại, nếu không phân biệt được rất dễ mua phải những hạt dổi kém chất lượng. Theo đồng bào miền núi thì có hai loại dổi nếp và dổi tẻ.
Đặc trưng của cây dổi tẻ là hạt thường hắc và cứng, khi nướng hay giã ra dùng thì đắng và không sử dụng làm gia vị được. Ngược lại, nếu là hạt dổi nếp, khi tẩm ướp cùng thức ăn sẽ có mùi thơm đặc trưng, không bị đắng. Đặc biệt, cây dổi càng lâu năm thì chất lượng hạt càng ngon. Vườn nhà nào có cây dổi tuổi đời từ 20-30 năm được coi là bảo bối trong gia đình.
Theo chân hai em Bùi Văn Thọ, Hà Văn Toàn, chúng tôi tìm đến gia đình bà Hà Thị Thanh Xuân - khu Xuân 1, xã Kim Thượng. Bà Xuân nổi tiếng quanh vùng vì gia đình hiện còn giữ được khoảng 10 cây dổi nếp với tuổi cây trên 20 năm.
Bà Xuân chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng dổi từ năm 1992. Vì trồng bằng hạt nên đúng 15 năm mới được thu. Do là giống dổi nếp, hạt thơm, mẩy, nên năm nào cứ vào tầm tháng 10 là có người tìm đến hỏi mua. Vài năm trước, hạt dổi bán rất được giá, đem đến nguồn thu ổn định cho gia đình. Khoảng 2 năm trở lại đây do trên thị trường xuất hiện tràn lan các loại hạt dổi không rõ nguồn gốc, hạt dổi tẻ chất lượng kém nên thị trường có sự so sánh, cạnh tranh làm giá hạt dổi giảm đáng kể.
Cây dổi thường không kén đất hay địa hình, dù mọc tự nhiên trong rừng hay được trồng trong vườn nhà thì chất lượng quả không đổi. Cây có xu hướng mọc thẳng, những cây lâu năm có thể cao từ 40-50m. Tuy nhiên, cây giòn và dễ gẫy vì vậy không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm và kỹ năng trèo dổi.
Những người trèo dổi thường xuyên như Thọ, Toàn trước khi trèo đều phải chuẩn bị đồ nghề rất kỹ lưỡng. Dụng cụ gồm có guốc trèo cây, đai an toàn, sào nứa dài dùng để ngoắc các chùm quả ở xa và bạt trải dưới gốc cây để hạt dổi không rơi ra ngoài. Trong quá trình thu hái cần hạn chế tối đa việc bẻ cành vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất các năm tiếp theo.
Thông thường, một cây dổi nhiều nhất có thể thu được từ 20-30kg quả. Những quả dổi chín là sau khi tách vỏ bên trong xuất hiện hạt màu đỏ rất đẹp mắt. Hạt dổi sau khi tách xong sẽ được phơi phô bằng nắng hoặc sấy gác rựa rồi bọc trong túi bóng để hạt có thể bảo quản được lâu hơn mà không mất đi hương vị.
Hương vị ẩm thực vùng cao
Hạt dổi sau khi thu hoạch có thể được sử dụng làm gia vị để chế biến nhiều món ăn truyền thống. Người Mường ở Tân Sơn thường lấy hạt dổi rừng làm gia vị cho các món chấm cùng thịt lợn nướng, thịt lợn luộc, vịt, gà nướng, lòng lợn xe điếu hoặc làm gia vị tẩm ướp. Khi đem chế biến, hạt dổi thường sẽ được nướng trên than hoa cho dậy mùi thơm, sau đó đem giã nhỏ như hạt tiêu.
Hạt dổi cũng là thứ gia vị không thể thiếu để tẩm ướp cùng thịt lợn rừng và các món ăn nướng như gà, thịt ba chỉ hay món sườn nướng. Một số người còn sử dụng hạt dổi khi nấu cùng với thịt gà và măng chua cũng tạo nên món ăn hấp dẫn, tròn vị.
Tuy nhiên, hạt dổi có đặc điểm là sau khi đã rang hoặc nướng chín thì thường không để được lâu như hạt tiêu, do đó khi nào sử dụng mới đem nướng và dùng bao nhiêu thì nướng bấy nhiêu.
Ngoài những giá trị về ẩm thực, hạt dổi còn đem nhiều giá trị về kinh tế. Cây thường ra hoa khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 và thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 10. Ra hoa mỗi năm một vụ nên hạt dổi thu hoạch được rất hiếm.
Để có thể ra quả cho hạt thì cây dổi mất 5 năm để phát triển. Mặc dù vậy, phải có tuổi đời trên 10 năm cây mới có thể cho một lượng hạt nhất định từ 3kg trở lên. Những cây dổi mới lớn chỉ có thể thu hoạch được từ 0,5 đến 1kg một vụ mùa. Nếu phơi khô thì 3kg hạt dổi tươi mới cho được 1kg hạt khô. Do số lượng ít nên hạt dổi rừng khá quý hiếm, thường xuyên hết hàng, không đủ để bán cho khách. Hiện nay trên thị trường hạt dổi có giá từ 1,5-2 triệu đồng/kg hạt khô.
Chủ tịch UBND xã Kim Thượng Phùng Trọng Luận cho biết: Trên địa bàn xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó 90% bà con làm lâm, nông nghiệp, kinh tế chủ yếu dựa vào ruộng nương, đồi rừng, một số ít đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đường sá xa xôi, đi lại vất vả, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán trong vùng nên thu nhập của người dân không cao. Với những gia đình có cây dổi lâu năm, hạt thơm và chắc thì được nhiều người biết đến và xuất bán đi nhiều nơi hơn. Chúng tôi cũng mong muốn bà con tiếp tục giữ được những cây trồng truyền thống, có giá trị kinh tế cao như cây dổi để góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Một mùa dổi chín đã đến, thứ gia vị đặc trưng của núi rừng khiến cho bao người phải say mê, yêu thích. Và những cây dổi hàng chục năm tuổi ở miền núi Tân Sơn đã và đang là một thứ hàng đặc sản, để mỗi người đều nhớ đến mảnh đất này mỗi khi tháng 10 về, tháng của mùa thu hoạch dổi.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/mua-doi-chin-220290.htm