Mùa dịch sốt xuất huyết, thận trọng trong việc chăm sóc trẻ nhỏ

Hà Nội đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết ở người lớn. Còn ở trẻ nhỏ, dịch bệnh sốt xuất huyết mặc dù không có sự đột biến so với những năm trước nhưng các chuyên gia cảnh báo các bậc cha mẹ không được chủ quan khi chăm sóc con.

Hà Nội đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 7 đến 13/9, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận thêm 399 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 171 trường hợp so với tuần trước đó).

Lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 2.201 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 2 trường hợp tử vong), giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (4.083 trường hợp).

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, tháng 8-10 là mùa cao điểm của sốt xuất huyết. Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 9 đến nay có khoảng năm ca sốt xuất huyết nặng phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.

Chỉ trong 2 tháng qua, Hà Nội đã ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai.

Các bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đầu tháng 8/2020, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi (ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà. Mặc dù được hai lần hồi sức tim thành công và được áp dụng kỹ thuật ECMO - tim phổi nhân tạo) nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.

Đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục ghi nhận thêm một bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết là bệnh nhân 57 tuổi, ở phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt năm ngày và tự mua thuốc về điều trị. Đến ngày thứ 5 bệnh nhân mới nhập viện thì phát hiện ra sốt xuất huyết và suy gan thận. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân quá nặng nên không qua khỏi.

Liên quan đến trường hợp tử vong này, ngày 1/9, Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với UBND phường chỉ đạo Trạm Y tế phường Đồng Xuân đều tra, xác minh trường hợp ca bệnh, đồng thời tiến hành khoanh vùng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành nơi bệnh nhân bán hàng tại địa chỉ 14 Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Từ 2 ca tử vong này, các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo, khi có triệu chứng của sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế tránh những biến chứng nguy hiểm, không tự ý điều trị bệnh tại nhà.

BS Cường cho biết, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân rang.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Bác sĩ cảnh báo cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em đang điều trị cho khoảng 6-7 ca sốt xuất huyết. Cơ bản các bệnh nhân đến khám và điều trị không đến mức nặng và chưa ghi nhận ca nào tử vong.

Từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9.

Chị Thế Thị Thu Trang (Đan Phượng, Hà Nội) đưa con trai vào Trung tâm điều trị được 8 ngày, đến nay con chị vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết, ăn uống kém. Mặc dù biết con mắc sốt xuất huyết là một loại bệnh thường gặp, nhưng chị Tranh rất lo lắng những biến chứng có thể xảy ra.

Ngoài con trai lớn đang điều trị tại viện, trong gia đình chị Trang còn có 1 đứa con nhỏ 4 tuổi cũng đang mắc bệnh, bố chị Trang cũng vừa mắc sốt xuất huyết xong. “Tôi nghĩ ổ dịch ở ngay tại gia đình tôi vì xung quanh đến thời điểm này chưa có ai mắc sốt xuất huyết cả”, chị Trang nhận định.

TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân sốt xuất huyết không tăng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều chủ yếu vào tháng 8, 9.

Theo BS Lâm, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh.

TS Lâm lưu ý, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con hạ sốt chưa đúng cách. Thí dụ như, khi con sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibrufen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.

“Trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường. Mỗi năm chúng tôi ghi nhận rải rác vài ca trẻ bị xuất huyết tiêu hóa do nguyên nhân cha mẹ dùng hạ sốt Ibrufen”, BS Lâm nói.

Sốt xuất huyết do virus gây nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.

Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. “Giai đoạn sau ngày thứ 5-6 của sốt, trẻ sẽ tái hấp thu nên nếu bù dịch không đúng theo phác đồ thành thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, có thể làm trẻ khó thở do bù dịch không đúng”, BS Lâm khuyến cáo.

An An

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/mua-dich-sot-xuat-huyet-than-trong-trong-viec-cham-soc-tre-nho-55556.html