Mùa dịch Covid-19: Học trực tuyến thế nào cho thực chất, hiệu quả?

Học online là giải pháp thích hợp trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình này vẫn bị hạn chế bởi không gian, thời gian, đòi hỏi học sinh chủ động.

Học sinh trên cả nước đang có kỳ nghỉ sau Tết dài nhất từ trước tới nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, các địa phương, trường học trên toàn quốc đồng loạt cho học sinh nghỉ học, chuyển sang hình thức học online, học trực tuyến qua truyền hình.

Học trực tuyến được cho là phương thức phù hợp trong mùa dịch, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế về thời gian, không gian trong quá trình học.

Học trực tuyến là phương thức phù hợp trong mùa dịch, song vẫn có những hạn chế, thiếu tính đồng bộ so với việc giảng dạy trực tiếp. (Ảnh minh họa)

Học trực tuyến là phương thức phù hợp trong mùa dịch, song vẫn có những hạn chế, thiếu tính đồng bộ so với việc giảng dạy trực tiếp. (Ảnh minh họa)

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, do không có quy định bắt buộc, nên việc học online chưa có sự đồng bộ ở tất cả học sinh. “Nhiều gia đình có chủ trương cho con về quê tránh dịch, cũng có những gia đình không tin tưởng giao máy tính cho con, lại có nhiều học sinh không muốn học mà nhà trường chưa thể kiểm soát hết”, thầy Bình nói.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, để học trực tuyến đạt hiệu quả, quan trọng nhất là học sinh phải có ý thức học tập, văn hóa sử dụng mạng xã hội: “Nhiều em vẫn lên mạng a dua, có những em học theo trào lưu. Để hiệu quả, hơn hết vai trò tự học là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi bài giảng trực tuyến trên mạng khác hoàn toàn với những bài giảng trực tiếp. Ngoài ra, từng trường cũng cần xây dựng hệ thống bài học, kiến thức, đảm bảo theo đúng yêu cầu trong quá trình dạy và học. Có những trường hiện nay còn để thả cho giáo viên tự dạy, có trường giao cho từng cá nhân, thì chưa thể hiệu quả”.

Theo dõi các trang học trực tuyến mùa dịch dành cho học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, vẫn có hiện tượng học sinh học trực tuyến nói bậy, “tán phét” khi học. Theo thầy Lâm, nếu không có sự giám sát của bố mẹ, nhiều học sinh chưa thực sự tự giác, vẫn học theo kiểu đối phó.

Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho rằng, các bậc phụ huynh cần đồng hành, hỗ trợ con học tập trong mùa dịch Covid-19. Hơn hết, các trường cũng cần có quy định, kiểm tra, đánh giá kết quả học online để mỗi học sinh có ý thức học hơn.

Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Thực nghiệm Victory cũng cho rằng, để học online hiệu quả, đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học và chủ động. Sự tự giác này không bắt nguồn tự nỗi sợ bị rầy la hay áp lực điểm số, mà cần được hình thành từ hứng thú với bài giảng và ham muốn khám phá kiến thức.

Kỹ năng tự học là khả năng dư duy độc lập, tích cực để thu thập, chọn lọc, phân tích, phản biện và từ đó hình thành kiến thức mới. Để hình thành cho học sinh kỹ năng tự học, thầy Thành cho rằng, cần có sự phối hợp tích cực giữa nhà trường và phụ huynh.

“Muốn học sinh hình thành năng lực tự học, nhà trường và giáo viên phải tạo ra môi trường tự do và trao cho học sinh đủ công cụ, kiến thức, kỹ năng để người học tự tìm tòi và xây dựng kiến thức thông qua “kinh nghiệm”, “tư duy”, “trải nghiệm” của chính bản thân, chứ không phải bằng cách ghi nhớ các luận điểm lý thuyết suông. Bởi vậy, các trường cần cổ vũ việc thảo luận, tranh biện, tương tác hai chiều giữa thầy và trò. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ, dự án thực tế hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi. Đây được gọi là phương pháp giáo dục thực nghiệm – học qua thực hành, trưởng thành qua trải nghiệm”, thầy Lê Tiến Thành cho biết.

Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thành cũng cho rằng, vai trò của giáo viên trong quá trình này rất quan trọng. Thầy cô là người tạo môi trường và tình huống để học sinh có thể rèn luyện khả năng tự giải quyết vấn đề thông qua việc tổ chức hoạt động học và dạy. Để làm được điều đó, giáo viên phải nắm vững quá trình nhận thức, thường xuyên cập nhật, chọn bài tập ứng dụng có tính thực tế, liên hệ kiến thức với cuộc sống để hấp dẫn học sinh.

Từ đó, giáo viên có thể tổ chức hoạt động theo hình thức thầy giao việc, trò làm việc, thầy là người hướng dẫn, học sinh tự học, chiếm lĩnh kiến thức. Thầy không giảng giải, truyền thị một chiều, trò cũng không thụ động mà tiếp thu tích cực, chủ động, tự học.

“Kỹ năng tự học không phải là đòi hỏi nhất thời trong thời gian dịch bệnh mà đó là một trong những năng lực tiên quyết của công dân toàn cầu và công dân thời đại số. Vì vậy, ngay từ lúc này, các trường cần quan tâm và chú trọng hơn phương pháp dạy học tích cực để giúp học sinh hình thành năng lực quan trọng này”, Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thành nhấn mạnh./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mua-dich-covid19-hoc-truc-tuyen-the-nao-cho-thuc-chat-hieu-qua-1023087.vov