Mùa dịch Covid-19: Doanh nghiệp nỗ lực tạo việc làm cho người lao động

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại Việt Nam đang thấm đòn vì COVID-19, việc các công ty may mặc, thủy sản, đồ gỗ... ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động không còn là chuyện hiếm. Hàng triệu người lao động đã bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó nhiều DN phải cho người lao động nghỉ việc. Trước tình hình trên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực dùng mọi cách để người lao động có việc làm, duy trì thu nhập.

LO SỢ BỊ THẤT NGHIỆP

Theo ông Nguyễn Cảnh Hà, Phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TPHCM, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại Việt Nam. Trong khi đó, đại dịch này vẫn lan tràn ở Mỹ và các nước châu Âu khiến hàng hóa trong nước không thể xuất khẩu. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất được nhập về từ Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn. Cả ba thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đều bị đóng băng, khiến các DN sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.

Trong những ngày đại dịch Covid-19 lần 2 đang hoành hành, chúng tôi tìm đến xóm trọ của những người lao động đang làm việc tại Khu chế Xuất (KCX) Tân Thuận (P.Tân Thuận Đông, Q7). Trong căn phòng trọ (đường Lý Phục Man) ọp ẹp được lát sàn tạm bợ bằng những tấm ván ép rộng chưa tới 15m2, anh Trần Văn Lâm lo lắng: "Quê chúng tôi ở Hậu Giang, nghèo khổ nên kéo nhau lên Sài Gòn làm công nhân hơn 10 năm. Giờ nếu thất nghiệp chỉ còn nước về quê, nhưng cũng không biết mần gì để sống".

Doanh nghiệp may mặc không xuất được hàng do ảnh hưởng dịch

Doanh nghiệp may mặc không xuất được hàng do ảnh hưởng dịch

Từ tháng 4 đến nay, công ty không có đơn hàng mới, nhiều công đoạn sản xuất cầm trừng nên công nhân chỉ còn làm việc 3-4 ngày/tuần. Chị T.H.T cho hay: "Tôi làm quản lý bộ phận, lương trên 500.000 đồng/ngày, nay giảm còn 170.000 đồng/ngày. Dù rất khó khăn nhưng công ty không sa thải công nhân, cố gắng cầm cự bằng cách giảm lương, giảm giờ làm và công nhân đồng tình chia sẻ những khó khăn với chủ DN. Thế nhưng tình trạng này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ?".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến nhiều DN FDI lẫn DN sản xuất trong nước, trong đó có các nhà máy sản xuất hàng may mặc, thủy sản, đồ gỗ, giày dép...

Dịch không chỉ gây ra cho DN thiếu nguyên liệu sản xuất, không tiêu thụ được hàng hóa mà nhiều DN phải thay đổi cả phương thức sản xuất để đáp ứng cho thời kì mới. Vì vậy, thời gian tới đây nhiều DN có thể sa thải số lượng lao động lớn, đặc biệt lĩnh vực gia công, dịch vụ, sản xuất theo chuỗi sẽ bị ảnh hưởng.

Đơn cử như công ty Đông Á trong KCX Tân Thuận, chuyên sản xuất mặt hàng ma nơ canh (hình nộp người mẫu) đã phải làm đơn thông báo đến Ban quản lý KCX-KCN, thông báo phá sản nên hơn 1.000 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.

Theo anh Lâm, tình trạng người công nhân làm việc trong KCX Tân Thuận mất việc trong mùa dịch Covid-19 không còn là chuyện hiếm. Như trường hợp Cty TNHH TOSOK, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Nhật cũng đang lên kế hoạch cắt giảm nhân sự. Theo đó, người lao động đang làm việc tại công ty có nguy cơ mất việc rất cao.

THẤT NGHIỆP VÌ CÔNG TY THIẾU... VIỆC

Tại Cty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân) chuyên sản xuất giày thể thao, may mặc vào thời kỳ cao điểm Cty có trên 64 nghìn công nhân. Do ảnh hưởng dịch bệnh, Cty đã cắt giảm gần 3.000 công nhân.

Nói trong nỗi buồn, chị Trần Thị Kim Lệ (30 tuổi, quê Bến Tre) cho biết, mới vào làm công nhân tại Công ty PouYuen Việt Nam được hơn một năm và vừa có hợp đồng lao động, thì nay phải nhận tiền thất nghiệp. Theo chị Lệ, chưa hết mừng vì có việc làm, có tiền lo cho gia đình thì đã mất việc.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất giày gặp khó khăn, công nhân nguy cơ mất việc

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Trung, công nhân Cty PouYuen cho biết, đã làm việc tại công ty hơn 10 năm, thu nhập tầm 10 triệu/tháng, để nuôi sống 5 người gồm cha già, 2 con nhỏ, vợ bán rau bữa có bữa không.

Trong căn phòng chỉ rộng chưa tới 15m2 nhưng là nơi ở của 5 người và căn phòng không có vật gì quý giá ngoài chiếc ti vi và cái tủ lạnh. Ngày 5-8, là ngày chính thức anh Trung thất nghiệp. Theo anh Trung, để giảm bớt chi phí trong mùa dịch, gia đình anh đang tính đưa 2 đứa con về ngoại.

Trong khi đó, theo đại diện Công ty PouYuen Việt Nam, hiện tại công ty có trên 62.000 lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu tháng 2-2020, nhiều đơn hàng của công ty bị cắt giảm khiến hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Từ 5 tháng qua, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp như điều độ sản xuất, sắp xếp công nhân nghỉ luân phiên chờ việc...

Tuy nhiên, tình hình đơn hàng đến quý 3 - 4 vẫn chưa khả quan. Trong nhiều tháng qua, công ty đã cố gắng duy trì hoạt động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nhiều công nhân được sắp xếp nghỉ luân phiên để chờ việc.

Bị sa thải khi đã ở độ tuổi 50, bà Trần Thị H (51 tuổi) cho rằng: "Biết công ty khó khăn, chúng tôi tình nguyện giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương nhưng công ty không đồng ý mà cắt giảm hàng loạt". Theo bà H., giờ nghỉ gần như không công ty nào nhận bà nữa, cho nghỉ việc ở độ tuổi "sắp hưu" này chẳng khác gì dồn người khó vào đường cùng.

Trước đó, Công ty giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp) cũng cắt giảm 4.023 lao động được chia làm 3 đợt: đợt 1 là 2.222 người; đợt 2 là 224 người và đợt 3 là 1.577 người. Lý giải cho việc cắt giảm nhân sự, đại diện Công ty giày da Huê Phong cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các khách hàng chính của Công ty ở Mỹ và châu Âu bị thiệt hại nặng nề nên hủy đơn đặt hàng rất nhiều. Trước những khó khăn trên, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, tiếp tục giảm chỗ làm việc và cắt giảm 1.577 lao động vào ngày 30-8, trong đó có 198 nữ công nhân đang mang thai.

Các công ty đang tìm cách kéo giãn ngày làm việc để người lao động có việc làm

Bị nằm trong "danh sách đen", Nguyễn Thị Hồng Thắm (22 tuổi, quê Tiền Giang) trải lòng: "Đang làm việc bình thường, bỗng em nhận được thông báo nghỉ việc. Trong lúc có dịch Covid-19, công ty không tăng ca, việc làm giảm kéo theo thu nhập giảm. Dù nhận được 2 tháng tiền công ty hỗ trợ thất nghiệp nhưng em đều gửi hết về cho gia đình. Một mình ở lại thành phố, em nộp đơn nhiều nơi nhưng chưa đâu nhận. Trong khi tiền nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày khiến em không biết xoay thế nào".

Nhằm giảm bớt khó khăn đối với người lao động đang mang thai sắp đến kỳ sinh nở trong 3 tháng 9, 10, 11-2020, LĐLĐ quận Gò Vấp phải đứng ra đăng ký với BHXH quận để mua BHYT hộ gia đình cho 198 nữ công nhân lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Huê Phong đang mang thai có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng số tiền mua BHYT cho các công nhân nói trên gần 40 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí từ chương trình chăm lo cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn của LĐLĐ quận, vì thời gian này các nữ công nhân lao động không có BHYT để khám chữa bệnh theo quy định.

Trước tình hình doanh nghiệp khó khăn, người lao động mất việc do ảnh hưởng dịch, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng để duy trì việc làm cho công nhân, như tổ chức lao động luân phiên, chấp nhận huề vốn, thậm chí lỗ trong sản xuất kinh doanh để có được việc làm cho người lao động, giúp duy trì được thu thập, ổn định cuộc sống...

Nam Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/doanh-nghiep-no-luc-tao-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong_99257.html