Mua đất, sau 15 năm vẫn không có

Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi mới đây đã nhận đơn thư phản ánh của người dân mua đất ở Khu đô thị số 4 - Đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã 15 năm, nhưng không được giao đất.

Phối cảnh một trong những khu dân cư tại thị xã Điện Bàn.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với ông Huỳnh Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam (đơn vị chủ dự án- PV).

Khi phóng viên đặt câu hỏi về phản ánh của các hộ dân cho rằng, họ đã nộp tiền mua đất ở Khu đô thị số 4 – Đô thị Điện Nam – Điện Ngọc từ năm 2014 đến nay, nhưng tại sao lại không nhận được đất; Quyền lợi của người mua đất sẽ được giải quyết ra sao?

Ông Dũng cho biết, dù lâu nhưng dự án vẫn… đang triển khai. Cùng với đó, ông Dũng nhờ phóng viên: “Các anh giúp cho biết cụ thể người nào phản ánh để giải quyết vì có trường hợp mình gia hạn hay hoán đổi vị trí, có trường hợp rút tiền, có trường hợp đã giao đất…”.

Sau khi phóng viên nêu tên một trường hợp cụ thể đã nộp tiền mua đất từ năm 2014 đến nay chưa nhận được đất, ông Dũng cho biết: “Dự án này có đến 49ha, trong đó có khoảng 700 lô huy động góp vốn và hiện đã giao được khoảng 500 lô. Nghĩa là làm đến đâu thẩm định giá đất đến đó để bàn giao cho các hộ mua đất. Căn bản chậm là do vướng giải phóng mặt bằng. Trường hợp khiếu nại như thế này, nếu như trực tiếp gặp tôi thì nhất định tôi giải quyết. Cũng có những trường hợp thay đổi địa chỉ, nên chúng tôi không thể gửi thông báo tiếp tục góp vốn để lấy đất”.

“Do dự án kéo dài, những trường hợp chưa nhận được đất, chúng tôi sẽ đàm phán với người mua. Nếu tiếp tục mua đất thì sẽ gia hạn, còn không trả tiền lại cùng với lãi suất theo ngân hàng. Ở Khu Điện Ngọc có đến 12 dự án chứ không riêng gì Khu dân cư số 4, tất cả là do vướng việc đền bù giải tỏa” – ông Dũng nói.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, nếu vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có nghĩa chưa thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vậy dự án huy động vốn người mua đất để làm gì? Và họ nộp tiền mua đất để có đất làm nhà, chứ đâu phải để chờ trả lại tính theo lãi suất ngân hàng?

Ông Dũng cho rằng: “Ở thời điểm năm 2014-2015 luật cho phép huy động vốn của người mua đất đến khoảng 30% giá trị đất, cùng với vốn của chủ đầu tư và vốn vay ngân hàng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bây giờ giải quyết chỉ có cách mà tôi đã nêu trên”.

Bà Lê Thị Bích Ngọc là người có phiếu thu nộp tiền số 148, ngày 3/3/2004 (đơn vị thu là Công ty CP GTVT Quảng Nam), cho rằng: “Tôi đặt niềm tin vào đây để mua đất xây dựng nhà cho con cái ở thế nhưng đến nay đã 15 năm, đất ở đâu chẳng thấy, cũng chẳng nhận được thông báo giải quyết. Tôi rất hoang mang, họ sử dụng tiền mình vào mục đích gì, đất ở đâu và bao giờ mới có?”.

Rõ ràng người dân không thể chấp nhận khi mua đất đến 15 năm mà chưa có đất, cũng khó chấp nhận khi dự án 15 năm sau vẫn còn đang… triển khai. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các vướng mắc của dự án này, giải quyết quyền lợi chính đáng của những người cần đất, mua đất để làm nhà ở mà phải đợi chờ quá lâu.

Thành Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/mua-dat-sau-15-nam-van-khong-co-tintuc407264