Mua đất phải trả phí lối đi, đúng hay sai?

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã đưa ra tư vấn về việc khi mua đất có được quyền yêu cầu lối đi riêng hay không?

Câu hỏi: Chủ cũ chia đôi một mảnh đất lớn, giữ lại phần đất sát mặt đường và bán lại phần bất động sản bên trong cho tôi. Khi mua tôi nghĩ rằng bán đất thì phải có đường đi nên không thắc mắc gì. Nhưng lúc chuyển đến chủ cũ mới yêu cầu tôi phải trả chi phí mua lối đi và chi phí làm đường ra ngoài.

Trong trường hợp này, yêu cầu của chủ nhà đối với tôi có đúng hay không? Xin Luật sư giúp tôi giải đáp vấn đề này!

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời: Trong trường hợp trên, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời như sau:

Tại khoản 3 Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về lối đi qua: Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.

Mảnh đất bạn mua được chia ra từ mảnh đất của chủ cũ, theo quy định trên đây khi chia đất ra như vậy thì chủ cũ có nghĩa vụ tạo ra đường đi cho mảnh đất phía trong. Do đó, yêu cầu của người chủ nhà trong trường hợp này là không có căn cứ.

Việc xây một đường đi cần thiết cho phần bất động sản bị vây bọc là trách nhiệm của chủ nhà ngay từ thời điểm chia phần đất bán cho người khác. Phần đường đi này sẽ không được tính vào diện tích, giá trị hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất. Bạn không có nghĩa vụ phải thanh toán hay đền bù cho phía chủ nhà. Trong hợp đồng mua bán bạn nên thỏa thuận rõ diện tích sử dụng riêng của bạn, phần đường đi vào bất động sản.

Không những vậy, lối đi phải đảm bảo những yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định”.

Khi phát sinh tranh chấp để giải quyết vấn đề trên, hai bên nên ưu tiên thỏa thuận để mang lại lợi ích tốt nhất. Trong trường hợp không đi đến thỏa thuận chung, một trong hai bên nên đề nghị UBND cấp xã nơi có bất động sản tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì phải kiện ra Tòa án nhân dân nơi có bất động sản để giải quyết theo trình tự tại trong Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.

Trang Nhi

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/mua-dat-phai-tra-phi-loi-di-dung-hay-sai-315740.html