Mua chứng chỉ ngoại ngữ giả, 7 hướng dẫn viên du lịch ngồi tù

Để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) quốc tế, 7 HDVDL nội địa đã bỏ tiền mua chứng chỉ ngoại ngữ IELTS giả để nộp vào cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi vừa nộp hồ sơ thì cơ quan chức năng đã phát hiện các chứng chỉ này là đồ dỏm. Các HDV không chỉ tiền mất tật mang mà hiện còn vướng vào vòng lao lý.

Để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) quốc tế, 7 HDVDL nội địa đã bỏ tiền mua chứng chỉ ngoại ngữ IELTS giả để nộp vào cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi vừa nộp hồ sơ thì cơ quan chức năng đã phát hiện các chứng chỉ này là đồ dỏm. Các HDV không chỉ tiền mất tật mang mà hiện còn vướng vào vòng lao lý.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố đối với Lê Hiếu (x).

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố đối với Lê Hiếu (x).

Chứng chỉ IELTS giả quảng cáo tràn lan

Chưa bao giờ, việc mua bán chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System, tức Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế) giả lại được quảng cáo ngang nhiên trên mạng. Chỉ cần vào Google, gõ “dịch vụ làm giả chứng chỉ IELTS” thì người xem tìm được hàng loạt địa chỉ cung cấp dịch vụ này. Điều đáng nói, các địa chỉ làm giả này còn “nổ” rằng, chứng chỉ IELTS này không chỉ phục vụ cho công việc, học tập ở trong nước mà còn phục vụ cho cả việc đi du học, định cư ở nước ngoài mà rất khó bị phát hiện vì y như thật.

Một trang web quảng cáo có địa chỉ: ielts.org/mua-chung-chi-ielts còn công khai chào mời và đưa ra các mức giá khác nhau để những người có nhu cầu làm chứng chỉ giả chọn lựa. Cụ thể, đối với dịch vụ 1, chi phí thực hiện chứng chỉ IELTS tính theo điểm: dưới 5 điểm có giá 1.200 USD; 6 điểm có giá 1.400 USD; 7 điểm có giá 1.600USD; 8 điểm là 1.800 USD. Đối với dịch vụ 2, chi phí uploading lên hệ thống toàn cầu là 4.900 USD/chứng chỉ giả.

Trang web này, còn tư vấn rất cụ thể cho khách hàng sử dụng IELTS vào những việc không quan trọng như xin việc, “khoe” cha mẹ bạn bè xem, nộp IELTS vào nơi quen biết... thì chỉ cần mua dịch vụ 1 là đủ. Nếu muốn sử dụng IELTS vào những việc hệ trọng như du học, định cư, lao động nước ngoài... thì nên chọn cả 2 dịch vụ trên vì chắc chắn đại sứ quán các nước, nhà trường, nhân viên định cư sẽ kiểm tra trên hệ thống TRF/IDP/British Council. Trang web này còn cho rằng: “Nếu khách hàng chọn cùng lúc cả 2 loại dịch vụ (vừa có chứng chỉ IELTS vừa có dịch vụ đưa lên hệ thống toàn cầu) thì chứng chỉ IELTS này là thật 100% giống như thí sinh đi thi bình thường, nghĩa là khi kiểm tra trên Internet thì sẽ thấy kết quả thi IELTS cũng như hồ sơ của bạn”.

Ngồi tù vì xài chứng chỉ IELTS giả

CA tỉnh TT-Huế vừa tiếp nhận tin báo tội phạm từ Sở Du lịch tỉnh TT-Huế về việc phát hiện trường hợp Nguyễn Kỳ (1993, trú xã Phú An, H. Phú Vang, TT-Huế) nghi sử dụng chứng chỉ IELTS giả để nộp hồ sơ xin cấp thẻ HDVDL quốc tế. Theo một cán bộ tại Sở này, chứng IELTS giả này nhìn bên ngoài thì na ná như chứng chỉ thật và nếu người không có kỹ năng thì sẽ khó phát hiện được đây là chứng chỉ giả.

Trước sự bất thường này, ông Lê Hữu Minh- Quyền Giám đốc Sở Du lịch sau khi tiếp nhận hồ sơ của Nguyễn Kỳ nộp bổ sung chứng chỉ IELTS để xin cấp thẻ HDVDL quốc tế, Sở đã có Công văn số 1189SDL- QLLH gửi Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đề nghị xác minh tính hợp pháp của chứng chỉ IELTS cấp cho ông Nguyễn Kỳ với mã kết quả kiểm tra: 17VN009238HN105A. Sau đó, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đã có công văn phúc đáp, xác nhận trong hệ thống lưu trữ thông tin tại trung tâm IELTS của Công ty không lưu trữ thông tin của thí sinh Nguyễn Kỳ. Bước đầu, Nguyễn Kỳ cũng thừa nhận rằng, do nhu cầu việc làm nhưng không đủ điều kiện nên đã bỏ ra số tiền hơn 10 triệu đồng để mua chứng chỉ IELTS giả. Cũng theo Nguyễn Kỳ, do người đứng ra mua chứng chỉ giúp cho Kỳ khẳng định rằng, đã từng mua cho nhiều người tại địa chỉ này nên Kỳ hoàn toàn tin tưởng.

Từ những thông tin ban đầu, Cơ quan An ninh điều tra CA tỉnh TT-Huế đã vào cuộc làm rõ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CA phát hiện có một đường dây làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan Nhà nước. Sau khi thu thập các chứng cứ và xác minh, cơ quan CA vừa ra quyết định khởi tố 7 bị can: Lê Hiếu (1975, trú TP Huế), Ngô Đức (1993), Lê Văn Hùng (1982), Nguyễn Kỳ (1993, cùng trú H. Phú Vang, TT-Huế), Hoàng Thị Xuân (trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), Trần Văn Nghĩa (1996, trú H. Phú Lộc, TT-Huế) và Võ Văn Sa (1990, trú H. Hải Lăng, Quảng Trị) về hành vi “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trong số 7 đối tượng này, Lê Hiếu từ người đi mua chứng chỉ giả đã trở thành một mắt xích, đối tượng môi giới trong đường dây làm giấy tờ, tài liệu giả.

Tại cơ quan CA, Lê Hiếu khai nhận, bản thân làm nghề HDVDL nội địa nhưng do vào mùa vắng khách du lịch nên có ý định chuyển sang làm HDVDL quốc tế để kiếm thêm thu nhập nhưng không đủ điều kiện được cấp thẻ. Vì vậy, để có được tấm thẻ HDVDL quốc tế, Hiếu đã lên mạng Internet tìm hiểu thông tin và đã mua chứng chỉ IELTS được làm giả với giá 12 triệu đồng. Tiếp theo, nhiều người trong nhóm hướng dẫn viên cũng đã nhờ Hiếu đặt làm chứng chỉ IELTS giả để làm hồ sơ xin cấp thẻ HDVDL quốc tế. Sau khi đã làm xong, chứng chỉ được photo, công chứng, rồi nộp bản sao đến Sở Du lịch tỉnh TT-Huế để làm thủ tục cấp thẻ HDVDL quốc tế thì bị phát hiện.

Hiện, Phòng An ninh điều tra CA tỉnh đã thu giữ 7 chứng chỉ IELTS giả cùng nhiều tang vật có liên quan. Cơ quan điều tra cũng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để làm rõ, xác định trách nhiệm và những vi phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_214767_mua-chung-chi-ngoai-ngu-gia-7-huong-dan-vien-du-li.aspx