Mùa cá mòi đầu năm

Bên những cánh đồng lúa, bãi trồng màu xanh tươi tốt của vụ đông - xuân, dòng chảy sông Yên trở nên hiền hòa, nước trong xanh cũng là lúc từng đàn cá mòi ở vùng nước lợ ngược lên đập Ba ra An Trạch, đoạn qua 2 xã Hòa Khương - Hòa Tiến (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đẻ trứng. Cá mòi được sinh ra ở vùng nước ngọt nhưng lại bơi ra vùng nước lợ để sống, đến mùa sinh sản chúng lại quay về nơi mình đã được sinh ra.

Từng chục cá mòi tươi rói bày sẵn, luôn thu hút khách đi đường.

Từng chục cá mòi tươi rói bày sẵn, luôn thu hút khách đi đường.

Với người dân ven sông Yên, những ngày đầu xuân cũng là những ngày đầu vụ cá mòi, lúc này được cho là thời điểm cá ngon nhất, bán được giá nhất. Không chỉ vì đầu mùa, số lượng ít mà còn vì thời điểm này cá mới về sông, chớm mùa sinh sản, buồng trứng mới hình thành nên thịt cá rất béo, thơm ngon. Hơn nữa, việc đánh bắt cá mòi không chỉ là kế sinh nhai mà còn là thú vui của nhiều gia đình. Con cháu ở xa mỗi lần về quê ăn Tết, họ chỉ cần bơi ghe, giăng lưới vài vòng là đã có đặc sản quê hương để thưởng thức rồi.

Bà Bốn Hơn (thôn La Châu, xã Hòa Khương) trải lòng, không có mùa nào cá nhiều bằng mùa cá mòi. Từ chiều mồng 4 Tết, xong việc đồng áng, vợ chồng bà chèo ghe đến gần các phui xả nước dưới chân đập buông lưới. Có lúc, cá lên từng đàn, quần như cái nia, cái nong ngay chỗ dòng nước chảy xiết để đẻ, mỗi tay lưới của chồng bà lúc đó ít nhất cũng “dính” được hơn chục con. Sau đó, bà mang lên trên đập Ba ra chào hàng với khách đi đường, tùy theo loại lớn, nhỏ mà bán từ 30-40 ngàn đồng/chục. Nếu cá nhiều có khi phải thức xuyên đêm... Còn theo ông Hai Trà, mỗi năm, cứ hễ ra Tết là người dân quê ông vui lắm, nhà có ghe đều ra sông bủa lưới, tập trung đánh bắt lai rai từ đây cho đến cuối tháng 3 âm lịch; ít thì mang về ăn, nhiều thì bán bớt kiếm thêm tiền cải thiện cuộc sống gia đình. Con cá đã góp phần với hạt lúa, luống rau nuôi sống người dân quê ông qua bao đời nay. Hơn nữa, trong bữa cơm gia đình đông đủ giữa tiết trời xuân se lạnh, đĩa cá mòi đầu mùa chiên giòn đã làm cho các lớp con cháu không chỉ cảm nhận được mùi thơm ngon của cá, mà còn cảm nhận được cả vị ngọt của sông nước quê hương và tình thân quây quần sum họp, khiến những ai xa quê đến những ngày này đều mong ngóng tìm về.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, quang cảnh đập Ba ra An Trạch không còn nhộn nhịp kẻ mua, người bán như trước nữa. Dù cá mòi vẫn trở về thượng nguồn để duy trì khả năng sinh sản, nhưng một phần do thời tiết rét lạnh, phần còn lại do nhiều ngư dân vùng thấp ven sông Cẩm Lệ khai thác theo kiểu đóng đáy, sử dụng lưới cào và một bộ phận người dân vùng thượng nguồn vẫn còn “lén lút” sử dụng bộ kích điện nên lượng cá mòi ngược dòng lên đây mỗi năm thêm sụt giảm, khiến cho nguồn lợi thủy sản dồi dào trước kia cũng đang dần biến mất, nhiều người dân ở An Trạch, Bắc An (xã Hòa Tiến) phải bỏ nghề, chuyển qua làm việc khác... “Song, ở thôn La Châu, mặc dù sản lượng đánh bắt không nhiều, hoạt động thủ công vất vả nhưng nhiều người vẫn trụ bám, coi đây là một nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia khai thác còn tích cực vận động nhau tuyệt đối không được đánh bắt theo kiểu tận diệt như dùng điện bình châm cá để vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn nguồn lợi thủy sản sung túc cho mai sau”, ông Hai Trà chia sẻ thêm.

Điều đó đã phần nào cho thấy, huyền thoại về một con sông Yên đầy ắp cá mòi trước đây giờ chỉ còn trong ký ức, biết bao con người một thời gắn bó với dòng sông đang chạnh lòng tiếc nuối. Có lẽ, do lưu luyến với nghề của cha ông nên bây giờ đã ở gần tuổi thất thập, nhưng vợ chồng bà Bốn Hơn, ông Hai Trà vẫn còn kiên trì buông tay lưới.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_238691_mua-ca-moi-dau-nam.aspx