Mua bán người trong di cư quốc tế ngày càng phức tạp

Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, nguy cơ bị lợi dụng và lao động di cư trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người cũng tăng lên. Giờ đây, mua bán người không phải chỉ là chuyện ở các điểm'nóng' địa phương vùng giáp biên.

Tội phạm mua bán người có dấu hiệu ở cả 63 tỉnh, thành

Theo Trung tá Ngô Xuân Ý, phó trưởng phòng 5, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Tình hình tội phạm mua bán người hiện vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi để lừa bán các nạn nhân.

Trung tá Ngô Xuân Ý nhấn mạnh: “Tội phạm mua bán người là tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại dưới nhiều nguy cơ và xảy ra trên các địa bàn khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người dưới hình thức như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, đẻ thuê, cho-hiến tạng, xuất khẩu lao động; di cư hợp pháp hoặc bất hợp pháp ra nước ngoài, du lịch, chữa bệnh và thăm thân. Và trên thực tế, tội phạm mua bán người đã phát hiện xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở trên 63 tỉnh thành phố của Việt Nam”.

Nguyên nhân được chỉ ra là: Do tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tác động; mất cân bằng giới tính và tình trạng thiếu việc làm cùng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân; quan hệ hợp tác đấu tranh giữa các lực lượng chức năng chưa đủ mạnh; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, nhất là đồng bào biên giới chưa thường xuyên, liên tục. Mặt khác, chính sách pháp luật và ngôn ngữ là rào cản cho các lực lượng thực thi công tác này.

Trong các phiên thảo luận về nạn mua bán người trong di cư quốc tế và công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam, đại diện các địa phương cho biết đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ nêu tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện mục tiêu chung là “giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Nâng cao tuyên truyền và quản lý tốt lao động di cư là một trong những biện pháp tích cực phòng chống buôn bán người (Ảnh: IOM)

Nâng cao tuyên truyền và quản lý tốt lao động di cư là một trong những biện pháp tích cực phòng chống buôn bán người (Ảnh: IOM)

Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (138/CP) của tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án phòng, chống mua bán người theo định hướng chung của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ trong việc nắm tình hình, điều tra tội phạm mua bán người, nhất là tại khu vực biên giới, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông phòng ngừa nâng cao nhận thức của người dân cũng như tích cực hợp tác quốc tế.

Tuy vậy, tình hình tội phạm mua bán người tại Tây Ninh vẫn tiềm ẩn phức tạp do các đối tượng tội phạm với các thủ đoạn tinh vi đã lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác, hoàn cảnh khó khăn của người dân để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài, chủ yếu sang Campuchia.

Đáng chú ý, gần đây phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Theo đại diện TP. Hồ Chí Minh, các địa điểm tập trung đông người di cư đến như bến xe hay nhà ga… đều có thể sẽ bị tội phạm mua bán người lợi dụng để tìm kiếm và lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.

Thời gian qua, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện một số đường dây mua bán người, mua bán nội tạng thu lợi hàng chục tỷ đồng.

Mua bán người lợi dụng tình trạng di cư lao động

Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, để hạn chế nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế cũng phức tạp hơn.

Theo tin từ một số địa phương như Nghệ An, Gia Lai, các lực lượng chức năng đã cảnh báo trước nguy cơ mua bán người trong các hoạt động liên quan đến di cư lao động, di cư trái phép, di cư kết hôn. Với phương thức, thủ đoạn tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi như trên, rất có khả năng các đối tượng mua bán người sẽ lôi kéo, dụ dỗ những người có giấc mơ nhanh chóng đổi đời để lừa bán ra nước ngoài.

Vì thế, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người. Việc tuyên truyền cần được thực hiện có trọng điểm, chiều sâu và rộng rãi tới cấp cơ sở, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả người dân và chính quyền các cấp.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và đổi mới, sức mạnh tập thể sẽ được phát huy tối đa nhằm đấu tranh, ngặn chặn nạn mua bán người – một trong bốn loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới theo nhận định của Liên Hợp Quốc.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mua-ban-nguoi-trong-di-cu-quoc-te-ngay-cang-phuc-tap-222350.html