Mua bán người trên toàn cầu diễn biến phức tạp trong dịch Covid-19

Sáng 30/7, tại TP Vinh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng 'ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7' năm 2020.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, tội phạm mua bán người càng diễn ra phức tạp. Thông điệp mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterrs đã nói: “Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm nhiều bất bình đẳng trên toàn cầu, tạo ra nhiều rào cản trên con đường đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Hàng triệu người có nguy cơ bị mua bán vì mục đích mại dâm, lao động cưỡng bức, hôn nhân cưỡng ép và các tội phạm khác”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chung tay hành động vì một xã hội không có tội phạm mua bán người

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chung tay hành động vì một xã hội không có tội phạm mua bán người

Cũng theo lời bà Nga, phụ nữ và trẻ em chiếm 70% số nạn nhân mua bán người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch Covid-19.

Ở nước ta, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ mua bán người, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em.

Thủ đoạn loại tội phạm mua bán người thường tổ chức xuất cảnh trái phép làm hợp đồng lao động thời vụ. Sau đó, những lao động này bị cưỡng bức ép bán dâm, bán làm vợ và thậm chí bán nội tạng.

Vở kịch tuyên truyền về tội phạm mua bán người mà kẻ xấu lợi dụng

Các đối tượng bị lợi dụng nhiều nhất là phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công an và các cấp địa phương trong buổi lễ

“Đối tượng phạm tội lại là chính những nạn nhân từng bị lừa bán. Những vụ việc phụ nữ ra nước ngoài bán con sau khi sinh đang diễn biến phức tạp”, bà Nga thông tin.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó GĐ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, tội phạm mua bán người hoạt động diễn ra ở vùng biên hoặc hoặc vùng giáp ranh do Bộ đội Biên phòng phụ trách.

“Xu thế hội nhập hiện nay khiến người đi xuất khẩu lao động ngày càng đông. Do sự bất bình đẳng giới tính từ đó nhiều phụ nữ ra ngoài làm vợ. Từ đó, nhiều đường dây đưa người trái phép ra nước ngoài được xác lập. Đồng thời tạo ra thị trường thu hút chân rết đưa người xuất khẩu lao động lén lút", Đại tá Hùng cho biết.

Cơ quan chức năng đưa H. về nhà ở Quỳ Hợp, Nghệ An sau hơn 1 năm bị bán ra nước ngoài

Phó GĐ Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, khi lực lượng Công an chính quy xuống tận cơ sở, bám sát địa bàn thì nạn buôn bán người sẽ được giảm thiểu tối đa.

Để ngăn chặn tội phạm mua bán người, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho hay, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 8 vụ, 14 đối tượng phạm tội mua bán người và giải cứu 12 nạn nhân.

Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/mua-ban-nguoi-tren-toan-cau-dien-bien-phuc-tap-truoc-dai-dich-covid-19-662103.html