Công nhân gấp rút hoàn thành công đoạn cuối trước khi cầu Thăng Long thông xe

Các công nhân đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng của dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long để chuẩn bị thông xe vào ngày 8/1/2021.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long triển khai vào giữa tháng 8/2020, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long triển khai vào giữa tháng 8/2020, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng.

Đến nay, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đang trong giai đoạn thi công cuối cùng là thảm lớp bê tông nhựa trên bề mặt cầu. Chiều 28/12, mẻ bê tông nhựa polime cuối cùng đã được nhà thầu thảm xong trên mặt cầu.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Công nghệ hàn đinh neo không sinh nhiệt (nhiệt độ dưới 80 độ C) không ảnh hưởng tới bản thép mặt cầu, thời gian hàn chỉ từ 3-15 giây và sau đó sẽ đổ bê tông siêu tính năng UHPC lên trên đảm bảo kết cấu bản mặt cầu bền vững”.

Công tác thảm bê tông nhựa trên mặt cầu được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng một cách tuyệt đối...

Việc thảm bê tông nhựa được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc hiện đại dưới sự giám sát cả chuyên gia Nhật Bản.

Sau khi hoàn thành đổ bê tông siêu tính năng sẽ được thảm một lớp bê tông nhựa polime.

Cận cảnh quá trình thi công thảm bê tông Polymer trên mặt cầu Thăng Long. Công nhân cẩn thận kiểm tra lại sau khi máy thi công thực hiện các thao tác.

Bê tông nhựa được đổ từ thùng xe tải xuống máy thảm, phải đảm bảo độ nóng gần 100 độ C mới đạt yêu cầu, nếu không đạt nhiệt độ trên sẽ không được đưa vào máy thảm.

Đổ bê tông nhựa nóng siêu tính năng dưới sự giám sát rất chặt chẽ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản.

Lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng nhấn mạnh, với công trình này kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, Tổng cục Đường bộ tin tưởng sẽ hoàn thành sớm hơn so với tiến độ đề ra vào ngày 16/1/2021, đảm bảo kết cấu bê tông siêu tính năng (dày 6cm) và bản mặt cầu có ‘tuổi thọ’ lên tới 30 năm. Riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5-10 năm tùy theo tải trọng xe đồng thời mong muốn có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.

Công việc được các công nhân tiến hành một cách khẩn trương để đảm bảo tiến độ đã đề ra.

Sau khi hoàn thành việc thảm bê tông nhựa, đơn vị thi công sẽ tiến hành sơn vạch kẻ đường…

Cầu được bóc lớp bê tông cũ và thảm lại bê tông nhựa bằng công nghệ hiện đại.

Các chuyên gia Nhật Bản luôn có mặt 24/24 trên công trường để kiểm tra, giám sát quá trình đổ bề mặt bê tông nhựa mặt cầu.

Những chiếc máy ủi hoạt động liên tục trên công trường để đảm bảo công tác thảm lớp bê tông nhựa cuối cùng trên mặt cầu Thăng Long hoàn thành.

Mặt cầu được đổ bê tông UHPC cường độ chịu nén 120MPa, dày tối thiểu 6 cm.

Việc hoàn thành việc sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm thành phố đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.

Ông Vũ Hải Tùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào ngày 8/1/2020. Theo hợp đồng ký giữa đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thì thời gian thi công dự án sửa mặt cầu Thăng Long là 150 ngày, tính từ ngày 16/8/2020 đến ngày 12/1/2021. Như vậy, dự án sẽ "về đích" sớm 4 ngày.

Việt Dũng-Nguyễn Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cong-nhan-gap-rut-hoan-thanh-cong-doan-cuoi-truoc-khi-cau-thang-long-thong-xe-827373.vov