Mù Cang Chải: Vẻ đẹp say lòng du khách giữa núi rừng Tây Bắc

Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này.

Bức tranh quyến rũ của vùng cao Mù Cang Chải mùa lúa chín. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bức tranh quyến rũ của vùng cao Mù Cang Chải mùa lúa chín. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cách Hà Nội hơn 300km, Mù Cang Chải giờ đây không còn xa lạ với dân du lịch. Quốc lộ 32 nối liền một dải lên tận miền Lai Châu, cung đường cheo leo nằm uốn mình theo từng sườn núi đưa bạn đi qua nhiều cảnh đẹp của vùng núi Tây Bắc.

Vượt đèo Khế, rồi dốc Bồ Hòn là vào đến Tú Lệ. Tú Lệ thường là điểm dừng chân của hầu hết các đoàn đi qua đây, bởi có nhiều món ăn ngon, nhiều chỗ để đi và chụp ảnh.

Chiều tà trên bản Lìm Mông, mây sà xuống ấp ôm những mái nhà rêu cũ giữa cánh đồng lúa mênh mông. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Xôi nếp Tú Lệ là một ví dụ điển hình, cái thứ gạo chỉ có trồng được tại đây, mà cũng chỉ trồng trên những thửa ruộng bậc thang mỗi năm một vụ mà thôi. Khi đồ hay nấu lên, dẻo và thơm vô cùng, thơm ngào ngạt mùi nếp, lại ngọt như lúa mới trổ đòng, ai ăn một lần cũng muốn ăn thêm lần nữa.

Tú Lệ còn có suối nước nóng, từng chàng trai cô gái cùng ra suối tắm, bỏ qua những gì thuộc về trần tục, chỉ còn lại là tiếng róc rách rất nhỏ và tiếng trò chuyện tâm tình. Từ dòng suối này, bao cô gái đã tìm được chàng trai của cuộc đời mình.

Tú Lệ cũng là nơi bắt đầu của ngọn đèo Khau Phạ hùng vĩ. Cung đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của đất nước, Khau Phạ có nghĩa là “sừng trời."

Những lớp màu ở Chế Cu Nha. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Người Mông đã dùng từ đó để miêu tả Khau Phạ như chiếc sừng chọc lên trời xanh, cũng nhằm chỉ mức độ hiểm trở. Cả cung đèo dài chừng hơn 20km, thường quanh năm mây mù che phủ, chỉ những ngày nắng đẹp thì đứng trên đèo mới nhìn rõ được hết thung lũng phía dưới.

Ở phía dưới, thung lũng Cao Phạ mùa nước đổ trông như bức họa ai đó đang vẽ dở, từng chấm xanh chấm vàng trông rất lộn xộn. Chấm xanh là nương mạ ai đó đang cấy dở, chấm vàng là thửa ruộng đất khô đang chờ đổ nước.

Cung đèo Khau Phạ dần bị chinh phục, dọc hai bên đường lên thị trấn Mù Cang Chải đều là ruộng, ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh núi xuống tận khe suối.

Từng lớp, từng lớp ruộng nối nhau chạy quanh khe núi, chấm phá thêm là những căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa đám mạ xanh non đang cấy dở. Con đường nhỏ vắt mình như sợi ruybăng ai khéo thả xuống giữa trời.

Được ngắm nhìn toàn cảnh những lớp sóng lúa từ đèo Khau Phạ luôn mang đến cảm xúc tuyệt vời cho các phi công dù lượn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

La Pán Tẩn như một điểm cao giữa bốn bề là ruộng, vì thế đứng từ đấy dõi mắt ra bốn phía đều thấy ruộng, xa hơn nữa là những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại.

Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo củađồng bào Môngsinh sống trên mảnh đất này.

Những thửa ruộng trải dài như những cung đàn, nốt nhạc, đan khắp các sườn núi. Thời điểm ngắm ruộng bậc thang lý tưởng nhất là từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 là khi mùa lúa chín.

Lúc này trên các sườn núi, triền đồi, các ruộng lúa xanh bắt đầu ngả vàng. Những bông lúa trĩu hạt, uốn câu và những thửa ruộng bậc thang được nhuộm vàng, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như bất tận, tạo nên một bức tranh vô cùng ấn tượng.

Đây cũng chính là một trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất để du khách đến với Mù Cang Chải.

Thửa ruộng chín sớm với những hạt lúa trĩu bông ở La Pán Tẩn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Lẫn giữa màu vàng của lúa là màu của váy áo, cô gái người Mông váy sặc sỡ đang khom mình gặt lúa, cô gái Thái với tà áo trắng tinh khôi đang đập lúa cùng những chàng trai.

Bức tranh mùa gặt của miền núi luôn đầy màu sắc như thế. Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, dường như vẫn không có gì thay đổi.

Hầu hết mọi người đều đến xứ Mù vào mùa lúa chín (tháng 10), từng thửa ruộng bậc thang vàng rộm làm cho cả vùng núi bừng lên màu của no ấm. Kiệt tác của bà con dân tộc ở đây cứ đến dịp ấy là lại phơi bày hết khiến những người lữ khách đi qua phải giật mình thảng thốt.

Nhưng ít ai biết rằng còn một khoảng thời gian khác nữa - tháng Tư và tháng Năm, mùa của những con nước đổ ải…

Lúa vùng này mỗi năm chỉ có một vụ, thường thu hoạch vào tháng 10, thu hoạch xong thì để mặc ruộng với trời đất.

Ngay cạnh đó, ruộng bên cạnh mới trổ đòng xanh mướt với những bông lúa trắng muốt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đến chừng tháng Hai, khi có những cơn mưa xuân trút xuống cũng là lúc bắt đầu có nước. Hình thái ruộng bậc thang giúp cho việc hứng và giữ nước được tối đa nhất.

Từng nguồn nước ít ỏi được chảy từ ruộng cao nhất, tràn qua bờ xuống vùng trũng hơn, cứ thế cho đến thửa ruộng thấp nhất giáp với lòng suối.

Cả 3 tháng ròng từ tầm tháng Hai đến tháng Năm là lúc ruộng chờ nước, nước vào thì bắt đầu cày bừa rồi gieo mạ và cấy. Chính vì thế, tháng 4-5 cũng là khoảng thời gian cấy chính cho vụ lúa chín tháng 10.

Có lúc cả mặt ruộng như mặt gương soi bóng bầu trời xanh ngắt, cũng có lúc cả đám mạ non xanh mơn mởn giữa vùng đất vàng nâu, dăm ba cô gái Mông váy áo sặc sỡ đang khom người xuống cấy, những chàng trai Mông đang cày, đang bừa.

Lũ trẻ con cũng tung tăng theo bố mẹ, đứa ngồi trên bờ trông em, đứa lớn thì vận chuyển mạ, đứa lại đang vắt vẻo trên cây gạo giữa thung lũng hái những bông hoa rực đỏ cuối mùa báo hiệu thời tiết dần hết lạnh.

Màu vàng của đất chưa cấy, màu trắng loang loáng của nước đã đổ, màu xanh của nương mạ, màu đỏ của hoa gạo, màu bàng bạc của dòng suối chảy vắt qua giữa thung lũng cùng vô số màu sắc từ những chiếc váy áo, từ cuộc sống lao động hăng say đã làm nên những mùa xuân miền núi.

HuyệnMù Cang Chảicó khoảng trên 61.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác.

Sự đa dạng về dân tộc cũng tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.

Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng Tây Bắc đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ.

Mùa lúa chín là thời điểm Mù Cang Chải rất được du khách ưa chuộng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, đẩy lui đói nghèo mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp Mù Cang Chải trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha - thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam - đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia.

Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.

Theo Vietnam+

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/mu-cang-chai-ve-dep-say-long-du-khach-giua-nui-rung-tay-bac/20210615072014068